Câu chuyện bóng đá: Lá rụng về cội, nhưng...
Tài Em trở lại, Việt Thắng cũng ở lại, không hẹn cùng gặp 2 trong số 3 người con ưu tú nhất tạo nên bộ khung hoàn hảo của đế chế ĐT.LA thời hoàng kim sau những mùa bôn ba đã cùng hội ngộ tại Bến Lức. Minh Phương vẫn đang gắn bó ở SHB.ĐN. Nhưng có cơ sở để tin rằng nếu số 7 có nghĩ đến việc rời Đà thành, lựa chọn đầu tiên hẳn phải là ĐT.LA.
1. BĐVN vẫn hay nói về giá trị bản sắc, nhưng để định nghĩa nó thế nào là điều không dễ. Ví như đất cảng Hải Phòng, nhiều người đã la ó HLV Hoàng Anh Tuấn về việc đem tới quá nhiều kẻ lạ, chiếm hết suất của quân Hải Phòng. Nhưng khi ông Tuấn “con” bật lại, hỏi về định nghĩa của bản sắc bóng đá xứ hoa phượng đỏ thì không ai trả lời được.
Gạch đang gặp khó, cả nước sớm biết. Nhưng họ vẫn giữ được cái cốt lõi tinh túy nhất của mình. Đó là cách tạo lập một đội hình không nhiều ngôi sao nhưng từng cá nhân một luôn được đặt đúng chỗ và phát huy tối đa khả năng đôi khi rất thường của họ trên nền sức mạnh tập thể. Phong cách ấy được tạo lập từ thời HLV Calisto và vẫn được thừa kế đến tận bây giờ. HLV Ngô Quang Sang từng không dưới một lần xúc cảm rằng những bài học về triết lý bóng đá của mình đến từ những hàng giờ liền ngồi nghe từng câu chữ của “nhà truyền đạo” Calisto.
Gạch là nơi cái tình trong rất nhiều trường hợp vẫn luôn được đặt trên một nấc ưu tiên đặc biệt. Nó khác hẳn cách K.KG, SG hay một số nơi khác từng dùng. Câu nói “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” không hẳn bao giờ cũng đúng. HV.AG từng chấp nhận bung két để mời được Tài Em về nhưng bất thành bởi anh Mười chỉ muốn về nhà đấy thôi. Về nơi chính là của mình, nơi biết nhất cách trân trọng mình là lựa chọn của Việt Thắng và Tài Em và chắc hẳn rằng trong tình trạng hiện tại của BĐVN, nơi rất nhiều giá trị nhân văn đã từng bị kim tiền đè bẹp đang dần hồi phục, sẽ rất nhiều người có chung mong ước như họ.
Tài Em muốn treo giày ở ĐTLA
2. Thực tế, những cuộc tái hồi như của Tài Em, Việt Thắng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cá nhân Tài Em đã phải nỗ lực không ít để được trở về lại Gạch, với cái giá bỏ ra là tiền bạc thấp hơn nhiều. Bản thân Việt Thắng cũng thế, nhưng là xứng đáng với những gì anh đã cho đi ở mùa giải 2013. Với bóng đá hiện tại, chẳng có điều gì đến dễ dàng cả, kể cả từ phía CLB.
HV.AG thỏa mãn được giấc mơ góp mặt tại V.League. Một trong những điều đầu tiên họ hướng đến là gọi về những người con xa quê. Bước đầu không tệ, khi quy tụ được Văn Hóa từ XSKT.CT. Nhưng 2 mục tiêu quan trọng nhất là thủ thành Minh Nhựt và tiền vệ Thanh Sang đang rất xa vời. Thanh Sang sau màn trình diễn thuyết phục trong màu áo XT.SG đã cập bến SHB.ĐN. Còn Minh Nhựt, hẳn với việc còn bị ràng buộc hợp đồng với đội bóng cũ đang phải chờ chỉ thị của bầu Đại. Chẳng phải thế mà HLV Nhan Thiện Nhân buộc phải có những điều chỉnh đưa đội lên Sài Gòn đặng mở rộng cơ hội tìm thêm quân cho đội bóng có tiếng là xa... Sài thành này.
Bóng đá Việt trong lúc khó khăn đã phải thay đổi tự thân. Trong đấy, yếu tố tiền bạc đã phải nhường cho những giá trị khác. Đấy là quá trình vận động đau đớn cho cầu thủ nhưng cần thiết cho cả nền bóng đá. Quá trình ấy sẽ vẫn còn kéo dài, cho đến khi nào đạt đến được sự cân bằng cần thiết. Việc những ngôi sao như Việt Thắng, Tài Em sẽ khoác áo ĐT.LA mùa tới, nếu là vài năm trước sẽ là điều gần như bất khả thi bởi tên tuổi và cả độ tuổi của họ vẫn là bảo đảm cho sức hút.
Quy luật cung cầu của thị trường chuyển nhượng đã cải biến nhiều, nhưng về cốt lõi nó vẫn theo những nguyên tắc cơ bản. Trường hợp HV.AG là ví dụ. Họ muốn cầu thủ địa phương trở lại, bản thân Thanh Sang, Minh Nhựt cũng vậy nhưng ít nhất đến lúc này Thanh Sang đã là người của SHB.ĐN. Khả năng của anh được HLV Lê Huỳnh Đức ghi nhận và ngược lại sức hút của HV.AG chưa bảo đảm. Ý nghĩa của giá trị tình cảm đã được nâng lên rất nhiều, nhưng phải có gì đáp lại, như chính quá trình gắn bó dài hạn và thành công trong màu áo ĐT.LA ở trường hợp Việt Thắng, Tài Em chẳng hạn.