Câu chuyện bóng đá: Cái nền
Mấy hôm rồi U.19 VN đá tưng bừng làm dân xứ vạn đảo nhìn vào mà phải kính nể. Bà con trong nước dù không được xem trực tiếp nhưng đọc báo và xem clip thấy đã con mắt lắm. Ấy vậy mà từ Malaysia, HLV Ong Kim Swee của ĐT U.23 Malaysia lại lên tiếng mỉa mai bóng đá mình...
1. “Các đội bóng đá trẻ Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Những năm gần đây các cầu thủ trẻ Malaysia được đầu tư tốt hơn Việt Nam. Các cầu thủ trẻ Việt Nam kinh nghiệm trận mạc kém, sức mạnh cũng như khả năng chịu áp lực không bằng Malaysia”, trích lời ông Ong Kim Swee. Nghe rất trịch thượng, vẻ rất coi thường.
Ông Ong nói chuyện có vẻ hơi “bố đời” thật. Nhưng, hình như ông này cũng có lý, bởi có cơ sở để coi thường.
Sau nhiều năm chung mâm với Thái Lan ở nhóm trên, từ rất lâu rồi bóng đá Việt Nam chịu cảnh lép hoàn toàn với với người Mã, ở cả cấp đội tuyển lẫn các đội tuyển trẻ. Đó là cả một quá trình, với nhiều kết quả ở các mặt trận, không thể bào chữa. Thực tế không thể phủ nhận, bóng đá Malaysia đang lên đời. Đó là quả ngọt cho cả một quá trình dài hơi và cả đau đớn sau những biện pháp mạnh tay chống lại nạn cá độ cũng như gạt những kết quả nhất thời để chú tâm cho các dự án nghiêm túc về bóng đá trẻ.
ĐT Việt Nam (trái) trận giao hữu với ĐT Malaysia Ảnh: NAM HẢI
Họ đã hái quả ngọt từ vài năm trước và như một chiếc xe khởi động chậm nhưng một khi đã nóng máy thì chạy đường trường đừng hỏi, không phải bận tâm gì nữa. Còn chúng ta, cứ hồi hộp như đi câu mà chẳng rõ con nước hay thời tiết ra sao. Cứ bỏ mồi vào và buông cần. Nếu bắt được cá thì vỗ tay khen hay. Còn người Mã, họ đi câu cá bằng lưới và có hệ thống định vị, với giàn ra đa hiện đại. Không cần biết cá ở Việt Nam với Malaysia ai nhiều ai ít, chỉ chắc một điều là khả năng hốt cá ẩn dưới nước của người Mã ăn đứt chúng ta.
2. Những người nhiệt thành có thể lấy ĐT U.19 VN đang thăng hoa tại Indonesia để bảo vệ quan điểm. Rõ ràng, các cầu thủ trẻ của chúng ta đang chơi cực kỳ ấn tượng và là đội U hiếm hoi sau rất nhiều năm trình diễn được lối đá bài bản, khôn ngoan và có tính tổ chức đến thế. Nhưng, đó là đội U.19 VN hay là đội U.19 Học viện Bóng đá HA.GL mở rộng?
Hãy thử đặt một câu hỏi: sẽ là hình hài gì nếu ĐT U.19 VN gạt những cầu thủ trẻ của bầu Đức khỏi đội hình? Sẽ rất khó để trả lời, và cả dự đoán kết quả những cuộc đối đầu mà chúng ta đều thắng vừa qua.
Vấn đề ở chỗ, thành công của ĐT U.19 VN vừa rồi không giống với cái cách người Mã đã gặt hết danh hiệu này đến danh hiệu khác. Nó mang tính nhất thời hơn, và cả may mắn nữa. May mắn là ĐT U.19 VN lúc này vừa khít trùng thời điểm ra ràng đầu tiên của lứa tài năng trẻ mà bầu Đức đã ủ suốt nhiều năm trời.
Bầu Đức cũng muốn có điều kiện để các “cục cưng” của mình có cơ hội đường hoàng bước ra ánh sáng. Chứ ngẫu nhiên sao mà ĐT U.19 VN được dẫn dắt bởi HLV là lính của Ba Đức, ăn tập tại Hàm Rồng và có nòng cốt là người phố Núi. Nó cũng không khác lắm việc người ta đặt dấu hỏi cho ĐT U.23 VN đậm đặc chất Bắc, cả V.League lẫn hạng Nhất, mà “quăng cục lơ” với không ít cầu thủ từng chứng tỏ được thực lực và chiếm suất đá chính tại V.League trong Nam.
3. Người làm bóng đá Hải Phòng đang kỳ vọng VCK U.21 VN sẽ là cơ hội “mở mắt cho lãnh đạo thành phố về cái nền bóng đá trẻ là thế nào. Dân Hải Phòng “ăn to nói lớn” ở đâu không biết, chứ riêng nhìn về khoản đào tạo trẻ thì chỉ biết “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” với người. Họ đã nhiều năm khỏa lấp sự thua kém đó bằng những bản hợp đồng tiền tỷ, thậm chí triệu USD. Nhưng rồi, họ buộc phải nhận ra rằng phải thay đổi, và thay đổi sớm.
BĐVN đang trên đường thay đổi. Bất kể đầu tàu của chúng, tức lãnh đạo VFF, vẫn đang chơi trò đi trong sương mù, hết lần này đến lần khác gây thất vọng, thì thực tế là nền bóng đá của chúng ta vẫn vận động và đi lên. Quá trình đó, đau đớn và chậm chạp thật, nhưng vẫn là có. VPF đã bỏ phiếu “còn bi nhiêu chơi bấy nhiêu”, về thực chất đã là tiến bộ so với 1 năm trước. Ở quy mô CLB, việc các đội bóng nổi danh vì xài tiền nay biết chú trọng “trồng cây” cũng là thay đỗi lớn.
Điều này, nếu VFF có tầm nhìn hơn - hoặc như một số người nói, chịu bỏ thời gian để nhìn xa hơn thay vì chỉ chăm chú đến chuyện cơm áo, gạo tiền - thì hoàn toàn có thể đến sớm hơn rất nhiều. Đó là thời điểm bầu Đức kéo chuyên gia Arsenal qua và làm buổi tổng khảo thí trên cả nước để gom lại những viên ngọc thô. Sau đó là học viện Aspire, và nhiều cơ hội để quảng bá và vận động làm bóng đá trẻ khác. Tất cả đã diễn ra, kết thúc và trôi qua một cách lãng phí.
Chúng ta phải nhún nhường, không, chính xác là phải cam phận cúi đầu nghe người Mã dạy cách làm bóng đá trẻ. Đặc biệt, lãnh đạo càng cao càng phải nghe cho kỹ. Chúng ta phải học người Nhật, để đến lúc nào đó tặng cho người Thái (về cách tổ chức giải chuyên nghiệp) hoặc người Mã (về cách làm bóng đá trẻ và sạch) những đôi giày nhỏ, như người Nhật từng làm để sau này quay lại dạy ngược chúng ta.
Cái nền của chúng ta có, vẫn đang mở rộng, nhưng chậm lắm và còn nhợt nhạt lắm. Một đội tuyển trẻ quốc gia mà phải nhờ vào đột biến từ một ông bầu mới có thể khởi sắc. Nghe không bền tí nào.