Carlo Ancelotti và cuộc "cách mạng" về chiến thuật
4-4-2 với Reggiana và Parma; 4-3-2-1 với AC Milan; 4-3-3 với Chelsea; 4-4-1-1 với Paris Saint-Germain; 4-2-3-1, 4-3-3 và mới nhất là 4-4-2 với Real Madrid, Carlo Ancelotti là một mẫu HLV rất linh hoạt, ứng biến về chiến thuật.
Nhưng ít ai biết rằng con người mềm mại về tư duy chơi bóng ấy đã từng là một kẻ cứng nhắc trong những năm đầu khởi nghiệp.
Hai “tiên đề” của Carletto
Ancelotti là cậu học trò ưu tú của Arrigo Sacchi trong thế hệ “Grande Milan” hai lần vô địch châu Âu và sau khi giải nghệ cũng chuyển qua làm trợ lý cho Sacchi ở ĐT Ý. Giống như người thầy Sacchi, Carletto bị mê muội bởi sơ đồ 4-4-2 và khóa luận tốt nghiệp HLV ở Coverciano của ông chỉ viết về chiến thuật này. “Tôi đã từng nghĩ rằng sơ đồ 4-4-2 là cách thức duy nhất để chơi bóng”, ông thú nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Simon Kuper.
Vì quá cứng nhắc mà Ancelotti mất cơ hội sở hữu Roberto Baggio
Vì sự cứng nhắc ấy mà Ancelotti đã tự vứt đi cơ hội sở hữu một trong những cầu thủ hay nhất thế giới, Roberto Baggio. Khi ấy Carletto đang làm việc ở Parma và liên hệ được với “tóc đuôi ngựa thần thánh”. Baggio muốn về với Ancelotti, nhưng với điều kiện phải được chơi tự do trong vai trò “số 10”. Đó là vị trí không tồn tại trong chiến thuật của Arrigo Sacchi. “Không, cậu nhất định phải đá tiền đạo”, Carletto kiên quyết. Và thế là Baggio chuyển tới Bologna, nơi anh ghi 22 bàn thắng trong mùa giải tiếp theo.
“Tôi mất 22 bàn thắng, quả là sai lầm tệ hại”, Ancelotti tiếc ngẩn ngơ. Và đó là lúc ông giật mình tỉnh ra rằng “chẳng có chiến thuật nào quan trọng bằng các cầu thủ”. Đó là “tiên đề” đầu tiên hình thành nên khoa học bóng đá của nhà cầm quân người Italia, giống như Euclid thời cổ đại xây dựng bộ môn Hình học nhờ hệ tiên đề của mình.
Bài học từ Baggio biến Ancelotti thành một con người khác hẳn. Cậu con trai một gia đình nông dân ở Emilia-Romagna bắt đầu ứng xử mềm dẻo hơn, nhờ đó mà “sống sót” được ở những CLB có những cái tôi lớn như Milan, Chelsea, PSG và Real Madrid. Ở Milan, “Ance” từng sử dụng sơ đồ siêu tấn công với Pirlo, Seedorf, Rui Costa, Kaka và Shevchenko cùng nhau đá chính. Không phải vì ông thích thế mà là bởi… Silvio Berlusconi thích thế. Và đó là thời điểm ông đưa ra “tiên đề” thứ hai cho mình: “chẳng có chiến thuật nào quan trọng bằng ông Chủ tịch câu lạc bộ”.
Sự nhẫn nhịn đáng trân trọng
Xuyên suốt sự nghiệp của một HLV, Ancelotti luôn tuân thủ tuyệt đối hai “tiên đề” bản thân đã vạch ra. Ông đề cao cầu thủ và ông chủ của mình. Một bên là những người quyết định 90% thành công của đội bóng, một bên là người trả lương cho mình. Ông không gặp khó khăn gì khi làm việc với những ngôi sao bướng bỉnh nhất như Ibrahimovic, cũng chẳng cảm thấy khó chịu với những ông chủ thích can thiệp chuyên môn như Abramovich, Flo Perez hay Berlusconi.
Ancelotti được lòng cả những ông chủ khó tính nhất như Berlusconi
Ancelotti chấp nhận lùi lại phía sau, ông mang một bộ mặt tương phản với Jose Mourinho, người luôn phải là số 1 ở bất kỳ nơi nào đặt chân đến. Họ cùng dẫn dắt Chelsea và Real Madrid nhưng nếu Ancelotti có những ngày tháng êm ả, Mourinho lại luôn hứng chịu sóng gió.
Ví dụ tiêu biểu về sự mềm mại của Ancelotti là khi ông để các cầu thủ tự lên phương án chiến thuật cho trận chung kết FA Cup 2010. Khi ấy Chelsea đã vô địch Premier League và trước mắt là trận chung kết với Portsmouth để hoàn thành cú đúp đầu tiên trong lịch sử. Carletto đề nghị các cầu thủ tự chọn cách đá, ông nói: “Mùa này chúng ta đã đá 60 trận và 60 lần tôi chọn chiến thuật, giờ đến lượt các anh”.
Quan điểm nghề nghiệp của Ancelotti là HLV chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, còn quyền quyết định nằm ở cầu thủ. “Các cầu thủ thi đấu theo chiến thuật, bởi vậy chính họ phải tạo ra chiến thuật. Thường thì tôi chọn chiến thuật nhưng không biết là các cầu thủ có hiểu nó không”, ông chia sẻ.
Trong nghề nghiệp, Ancelotti giống Sir Alex Ferguson ở khả năng ứng biến, thậm chí sự ứng biến của Carletto còn ở cấp độ cao hơn. Ferguson chỉ ứng biến theo thời thế với những nhân sự không thay đổi, trong khi Ancelotti đi từ đội bóng này tới đội bóng khác, từ giải đấu này qua giải đấu khác.
Ở Chelsea, Ancelotti gặp khó khăn trong việc giải thích cho cầu thủ hiểu rằng đừng có chạy hùng hục trên sân tập, hãy để dành sức đến lúc vào trận. Ở PSG lại là khó khăn lớn hơn bởi “Ance” phải xây mới mọi thứ từ đầu trên một cái nền tảng thấp kém, bởi PSG là một đội bóng đa tạp về văn hóa, nơi cầu thủ Pháp chỉ chơi với người Pháp, cầu thủ Brazil chơi với người Brazil…
Guardiola đi theo một phong cách duy nhất giống như Ancelotti ở giai đoạn khởi nghiệp
Bất chấp những khó khăn ấy, Ancelotti vẫn thành công và được yêu mến ở tất cả những nơi từng đặt chân đến. Ông thậm chí chỉ mất nửa năm để chinh phục được các Madridista, những cổ động viên khắt khe nhất thế giới cùng cánh nhà báo ở Madrid luôn muốn thò tay vào công việc của các HLV. Mourinho, một người có khả năng chiến đấu bền bỉ cũng đã phải khuất phục trước những thế lực này, trong khi Ancelotti lại thắng. Tháng 2 vừa qua, Carletto lần đầu tiên tổ chức lại cuộc họp báo kỹ thuật ở trung tâm Valdebebas sau 7 năm đóng cửa và quyết định ấy được báo chí Madrid vỗ tay nhiệt liệt.
Ancelotti vs Guardiola
Cuộc đối đầu Bayern Munich - Real Madrid rất được chờ đợi bởi đó là nơi so tài của 2 HLV xuất chúng trong thế hệ đương đại, Josep Guardiola và Carlo Ancelotti. Họ đều là những tiền vệ rất giỏi trước khi chuyển sang nghề huấn luyện và có nhiều phát kiến hay. Nhưng sự khác biệt giữa họ là rất căn bản: Carletto rất mềm mại về chiến thuật và giỏi xoay chuyển, sẵn sàng chuyển từ siêu tấn công sang tử thủ; trong khi Pep lại tương đối cứng nhắc về chiến thuật và luôn kiên định với triết lý của mình.
Champions League vốn dĩ là một giải đấu khắc nghiệt với nhiều đối thủ mang những phong cách chơi bóng khác nhau. Để Guardiola thành công với một lối chơi duy nhất, ông phải đảm bảo được rằng tiki-taka của mình phải đủ mạnh để lấn át tất cả, đặc biệt là dẹp bay những chiếc xe buýt khổng lồ chặn giữa đường. Còn nếu không, Pep sẽ phải học hỏi từ đàn anh Ancelotti để biết mình cần phải thay đổi thế nào tùy theo tình hình để giành được thắng lợi cuối cùng.