Cặp tiền đạo vĩ đại nhất lịch sử: 2 huyền thoại Real Madrid áp đảo quần hùng
Cole - Yorke, Henry - Bergkamp hay Gullit - Van Basten đều chỉ xếp sau cặp tiền đạo hay nhất đã tồn tại hơn 60 năm trước.
Bóng đá hiện đại đã khiến hàng tấn công các đội trở nên phong phú, có đội đá 3 tiền đạo, có đội đá chỉ một trung phong cắm ở trên, v.v… Nhưng có thời 2 tiền đạo là sơ đồ “tủ” trên khắp châu Âu và qua đó khai sinh ra những cặp tấn công đáng nhớ bởi không chỉ khả năng ghi bàn mà cả cách họ phối hợp với nhau.
Romario - Stoichkov, bên nhau ngắn ngủi nhưng kỷ niệm khó quên
Dưới đây là danh sách những cặp tiền đạo được đánh giá hay nhất lịch sử
Romario – Hristo Stoichkov (Barcelona)
Trong mùa giải 1993/94 bộ đôi này tung hoành ngang dọc để mang về 56 bàn thắng trên mọi đấu trường cho Barcelona. Cách họ phối hợp với nhau là hoàn mỹ bởi cả hai đều tốc độ, kỹ thuật, nhạy bén trong khu cấm địa và chơi rộng, sử dụng những thế mạnh đó để đan nên những bàn thắng ấn tượng. Bộ đôi này rốt cuộc là khác biệt cho Barca trong cuộc đua vô địch La Liga bởi họ bằng điểm Deportivo La Coruna nhưng hơn về hiệu số phụ.
Thierry Henry – Dennis Bergkamp (Arsenal)
Henry đã chơi cùng những Messi, Zidane và Ronaldinho nhưng anh luôn duy trì quan điểm Bergkamp là đồng đội hay nhất với anh. Bergkamp chơi lùi, bước một miễn chê và có tư duy để dàn xếp pha bóng lẫn kết thúc nó, trong khi Henry có tốc độ, khả năng qua người tuyệt vời và dứt điểm chuẩn xác. 2 chức vô địch Premier League, 2 FA Cup và 1 ngôi Á quân Cúp C1 là những gì bộ đôi này mang lại cho Arsenal.
Một triều đại của Arsenal gắn liền với bộ đôi này
Andy Cole – Dwight Yorke (Man Utd)
Bước đầu họ nghĩ về nhau như đối thủ cạnh tranh suất thi đấu, nhưng rốt cuộc Cole – Yorke lại trở thành bộ đôi ăn ý bậc nhất trong lịch sử khi cùng nhau ghi 53 bàn ở mọi giải đấu trong mùa 1998/99 ăn ba của MU. Pha làm bàn của Cole trước Barcelona tại Champions League là bàn thắng tiêu biểu cho giác quan thứ sáu mà bộ đôi này chia sẻ với nhau.
Tuyệt phẩm phối hợp giữa Yorke và Cole vào lưới Barcelona 1999
Alan Shearer – Chris Sutton (Blackburn Rovers)
Chỉ một mùa đá bên nhau, nhưng Shearer và Sutton đưa Blackburn lật đổ MU ở Premier League mùa 1994/95 với tổng cộng 49 bàn. Được đặt cho biệt danh “SAS” chơi chữ theo đội đặc nhiệm nổi tiếng nước Anh, Shearer và Sutton là cặp tiền đạo “lớn – bé” cổ điển với Sutton giỏi chơi đầu còn Shearer nhanh hơn, nhưng họ đều rất khỏe và gây khiếp sợ cho đối phương trong khu cấm địa. Nhưng chỉ sau 1 mùa Sutton chấn thương dài hạn và Shearer sau này gia nhập Newcastle.
Luis Suarez – Daniel Sturridge (Liverpool)
Cú hụt ăn Premier League mùa 2013/14 vẫn để lại vị đắng cho các fan Liverpool nhưng 31 bàn của Suarez và 21 bàn của Sturridge khiến các fan vẫn không quên được sức mạnh hàng công của “The Kop”. Họ đều quá nhanh, quá mạnh và quá kỹ thuật để các hàng thủ đối phương có thể kiềm tỏa được, nhưng sau mùa này Suarez sang Barcelona và Sturridge bắt đầu làm bạn thân với chấn thương.
Họ đã đưa Liverpool đến rất gần thành công
Alessandro Del Piero – David Trezeguet (Juventus)
Chấn thương đầu gối cuối năm 1998 làm thay đổi cách đá của Del Piero và nó song hành với sự xuất hiện của Trezeguet ở Turin. Họ trở thành một cặp rất lợi hại với phong cách tương phản: Del Piero kỹ thuật, chơi lùi và hoạt động rộng trong khi Trezeguet dạo quanh vòng cấm, dứt điểm tốt cả hai chân lẫn bằng đầu và có khả năng tung người dứt điểm trên không. Họ mang về cho Juventus 2 chức vô địch Serie A trong thời gian đá cùng nhau, trong đó mùa 2001/02 bộ đôi này góp 53 bàn cho Juventus ở mọi giải đấu.
Andriy Shevchenko – Sergei Rebrov (Dynamo Kiev)
5 chức vô địch Ukraine liên tiếp của Dynamo Kiev cùng hành trình tới bán kết Cúp C1 năm 1999 khiến tên tuổi Shevchenko và Rebrov nổi như cồn, trong giai đoạn 1996 – 2001 họ thay nhau đoạt giải Cầu thủ hay nhất năm của bóng đá Ukraine. Cả hai đều năng nổ cả trong tấn công lẫn phòng ngự, Rebrov nhanh hơn và chuyền dọn cỗ khá bén nhưng Shevchenko đánh đầu tốt hơn và là ác mộng cho đối phương khi “Sheva” dốc bóng từ cánh trái vào.
Rebrov (1 bàn) và Shevchenko (hat-trick) tung hoành trước Barcelona năm 1997
Raul – Fernando Morientes (Real Madrid)
Real Madrid đoạt 3 Champions League trong giai đoạn 1997 – 2002 khi Raul và Morientes đá cặp. Raul chơi lùi và có khả năng di chuyển thông minh trong khi Morientes không chiến rất lợi hại, sự kết hợp này là tâm điểm của hàng tấn công Real Madrid trong nửa thập kỷ. Họ vươn tới đỉnh cao sự nghiệp khi cùng ghi bàn trong chiến thắng tại chung kết Cúp C1 năm 2000.
Kỷ nguyên "Galacticos" có rất nhiều tiền đạo siêu sao nhưng Real Madrid không có cặp tấn công nào hiệu quả như Raul - Morientes
Romario – Bebeto (Brazil)
Thù hằn giữa hai cầu thủ này là điểm nóng trước thềm World Cup 1994 của ĐT Brazil bởi Romario gọi Bebeto là “đồ khóc nhè” và tuyên bố sẽ không ngồi cạnh Bebeto trên chuyến bay sang Mỹ. Nhưng khi vào giải, hiềm khích được gạt sang một bên và Romario (5 bàn) cùng Bebeto (3 bàn) đưa Brazil lên ngôi vô địch. Đáng nhớ nhất là khoảnh khắc Bebeto ăn mừng bàn thắng kiểu mừng em bé chào đời trong trận gặp Hà Lan, với Romario và Mazinho (bố của Thiago Alcantara) góp vui.
Brazil không bao giờ thua khi cả hai cùng thi đấu và trận nào cũng sẽ có một trong số họ ghi bàn. Kỳ khôi thay giờ đây họ là đối thủ chính trị của nhau, nhưng có số của nhau trong danh bạ điện thoại và vẫn đá cặp với nhau khi được mời đá giao hữu.
Ruud Gullit – Marco Van Basten (AC Milan & ĐT Hà Lan)
Không biết có nên coi Gullit là tiền đạo bởi ông đá mọi vị trí trong sự nghiệp. AC Milan của Arrigo Sacchi nổi lên cuối thập niên 1990 với 1 chức vô địch Serie A cùng 2 lần vô địch Cúp C1 liên tiếp, và công thức quen thuộc là Gullit dùng sức mạnh cùng tốc độ không ai sánh nổi đưa bóng lên trước khi dọn cỗ cho Van Basten hoặc tự mình ghi bàn. Họ cũng mang về danh hiệu quốc tế đầu tiên cho ĐT Hà Lan, mỗi người ghi 1 bàn trong trận thắng Liên Xô ở chung kết EURO 1988.
Bộ đôi đáng sợ nhất châu Âu của nửa cuối thập niên 1980
Van Basten và Gullit cùng ghi cú đúp đưa AC Milan vô địch Cúp C1 năm 1989
Emilio Butragueno – Hugo Sanchez (Real Madrid)
Real Madrid giữa thập niên 1980 đang suy thoái nhưng sự xuất hiện của nhóm “Kền kền” dẫn đầu bởi Emilio Butragueno mở đầu cho sự thống trị La Liga của CLB tới hết thập kỷ. Và bước ngoặt là sự gia nhập của “sát thủ” người Mexico Hugo Sanchez từ Atletico Madrid: Butragueno là tiền bối của Raul trong lối chơi, trong khi Sanchez không những đáng sợ trong vòng cấm mà còn biết ghi bàn đôi khi chỉ bằng một chạm.
Bộ đôi này được cho là không ưa nhau nhưng vẫn thi đấu ăn ý hơn bất cứ ai để giúp Real 5 lần liên tiếp đăng quang La Liga. Trong đó mùa 1989/90 họ đạt tới đỉnh cao: Real ghi 107 bàn, trong đó 38 bàn của Sanchez đều chỉ cần một chạm để thành bàn.
Ian Rush – Kenny Dalglish (Liverpool)
Họ đến với nhau khi sự nghiệp Rush đang lên còn Dalglish đang già đi và chuẩn bị bước sang công tác huấn luyện. Nhưng họ đã có khoảng thời gian tuyệt vời cùng nhau khi mang về cho Liverpool 3 ngôi vô địch Anh và 2 Cúp C1, trong đó mùa 1982/83 họ ghi tổng cộng 50 bàn.
Dalglish và Rush
Alan Shearer – Teddy Sheringham (ĐT Anh)
Dù không có được vinh quang như cặp Romario – Bebeto, hiệu quả của cặp Shearer – Sheringham khó có thể cãi được. Sheringham chậm nhưng bù lại có khả năng dàn xếp cho Shearer tốt hơn bất cứ tiền đạo nào dù là Andy Cole, Ian Wright, Robbie Fowler hay Les Ferdinand. Đỉnh cao của họ đến ở EURO 1996 khi cả hai cùng ghi cú đúp trong trận thắng Hà Lan ở vòng bảng, và Shearer ghi 5 bàn để đoạt ngôi Vua phá lưới dù Anh thua đau ở bán kết trong loạt luân lưu trước Đức.
Shearer và Sheringham hủy diệt Hà Lan tại EURO 1996
1. Alfredo Di Stefano – Ferenc Puskas (Real Madrid)
Và bây giờ là bộ đôi tiền đạo số 1 trong lịch sử. Vào năm 1958 khi Puskas gia nhập Real Madrid, Di Stefano đã đưa Real tới 4 chức vô địch La Liga và 3 danh hiệu Cúp C1. Puskas đã 31 tuổi và các CLB nhà giàu nước Ý ngại không mua ông vì nghĩ ông đã già và thừa cân, tạo cơ hội cho Real Madrid giành chữ ký của siêu sao người Hungary.
Ngay trong mùa giải đầu tiên bộ đôi này đã bùng nổ, Di Stefano đoạt ngôi Vua phá lưới La Liga với 23 bàn nhưng Puskas ghi tận 4 hat-trick và về đích chỉ sau Di Stefano có 2 bàn. Real Madrid lại vô địch Champions League với 6 bàn từ Di Stefano và 2 bàn thắng quyết định của Puskas ở bán kết gặp Atletico Madrid.
Puskas đoạt Vua phá lưới La Liga mùa 1959/60 với 25 bàn, nhưng sự thăng hoa của bộ đôi đến ở ở Cúp C1. Real Madrid lần thứ 5 vô địch liên tiếp và Puskas (12) cùng Di Stefano (8) kết hợp để ghi tận 20 bàn, trong đó trận chung kết gặp Frankfurt chứng kiến Puskas ghi 4 bàn và Di Stefano lập hat-trick để Real thắng 7-3.
Đã nhiều huyền thoại đến với Real Madrid, nhưng không ai vượt qua được bộ đôi Di Stefano - Puskas
Puskas lại đoạt Vua phá lưới La Liga 1960/61 với 28 bàn trong khi Di Stefano ghi 21 bàn ở tuổi 35, nhưng vương triều Cúp C1 của Real chấm dứt từ đây. Phong độ của Di Stefano đi xuống do tuổi tác trước khi rời Real Madrid năm 1964, tuy nhiên Puskas tiếp tục đoạt Vua phá lưới La Liga thêm 2 lần nữa và là Vua phá lưới Cúp C1 mùa 1963/64 trước khi giải nghệ sau chức vô địch Cúp C1 của Real năm 1966.
Cả hai đều là những cầu thủ gần như hoàn hảo nhưng Di Stefano chơi lùi, hoạt động rộng hơn và có tham gia phòng ngự trong khi Puskas chủ yếu tấn công. Họ rất khác tính nhau: Di Stefano hiếu thắng và hay dỗi kể cả khi thua đánh bài, Puskas dễ tính nên nhường Di Stefano sút penalty (dù sút không giỏi) nhưng vẫn đều đặn đoạt ngôi Vua phá lưới. Cùng nhau họ tạo nên cặp tấn công không những “chết người” nhất mà còn vinh quang nhất trong lịch sử: 4 La Liga, 4 Cúp C1 trong 6 năm.
Chỉ trong vòng vài ngày, "ngôi đền huyền thoại 3 người" của làng bóng đá thế giới chỉ còn 1 người khi Mario Zagallo rồi Franz Beckenbauer lần lượt qua...
Nguồn: [Link nguồn]