Cần nhiều nguồn lực để bóng đá Việt ‘cất cánh’
Đấy là chia sẻ của Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú, khi đề cập đến chiến lược và kế hoạch phát triển bóng đá nói chung và các đội tuyển quốc gia nói riêng.
“Sự phát triển của bóng đá không thể tách rời điều kiện về kinh tế-chính trị và xã hội. Hai năm vừa qua chúng ta có thể chứng kiến tình hình khó khăn chung về kinh tế trên toàn cầu cũng như Việt Nam, và rõ ràng nó tác động không nhỏ đến sự phát triển của bóng đá. Tuy nhiên nhờ có sự chủ động, VFF vẫn đảm bảo được các điều kiện tốt cho các ĐTQG hoạt động, tập huấn và thi đấu quốc tế”-ông Trần Anh Tú cho biết.
Bóng đá Việt Nam trải qua một năm 2023 với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đội tuyển bóng đá nữ lần đầu tham dự VCK World Cup dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung. Đội tuyển bóng đá nam và lứa U23 Việt Nam cũng thi đấu nhiều mặt trận, từ SEA Games 32 (Campuchia) đến Asiad 19 (Hàng Châu, Trung Quốc) và mới nhất là Asian Cup 2023…Dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng do có sự chủ động, VFF đã đảm bảo tốt được tốt tài chính để các ĐTQG tập huấn, thi đấu nước ngoài.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, VFF lãi hơn 70 tỷ đồng, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Mục tiêu tài chính trong năm 2024 của VFF là thu hơn 317 tỷ đồng, chi 310 tỷ đồng và dự kiến lãi 7.4 tỷ đồng.
Bóng đá Việt Nam trải qua một năm 2023 nhiều cảm xúc và đang hướng tới 2024 với những mục tiêu lớn.
Nhờ vào thành tích các đội tuyển, VFF đã vận động, tìm được nguồn tài trợ đáng kể từ xã hội. Nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn và các Mạnh thường quân gắn bó, đồng hành cùng các ĐTQG, hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong thời gian dài. Điển hình có thể kể đến các nhãn hàng như Động Lực, Hưng Thịnh, Acecook Việt Nam…Trong số này, Acecook đã có hơn nửa thập kỷ hợp tác cùng VFF, trải qua nhiều cột mốc quan trọng.
Đơn vị này đã ủng hộ, đồng hành cùng bóng đá Việt Nam gắn với nhiều hoạt động như tài trợ cho Lễ xuất quân SEA Games 32, Lễ xuất quân đội tuyển bóng đá nữ dự World Cup 2023, Giải bóng đá Vô địch Đông Nam Á (AFF) năm 2020, 2022…hỗ trợ hoạt động của các giải bóng đá trẻ như giải Sinh viên toàn quốc, U15 hay U13 quốc tế Việt Nam-Nhật Bản.
Theo Phó chủ tịch Trần Anh Tú, để bóng đá Việt Nam tiếp tục chiến lược và kế hoạch phát triển, cần nguồn lực lớn hơn để đầu tư cho các hoạt động từ đào tạo tới tập huấn, thi đấu quốc tế, chuyên nghiệp hoá bộ máy, tổ chức của VFF. “Các hoạt động này đều đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Trong bối cảnh hiện nay, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà tài trợ rất cần thiết, là nguồn động viên quan trọng với bóng đá Việt Nam”-ông Trần Anh Tú cho biết.
Phó chủ tịch Trần Anh Tú cho biết bóng đá Việt Nam cần huy động nhiều nguồn lực tài chính để phục vụ mục tiêu vươn tầm. (ảnh Anh Tuấn)
Về mục tiêu ở World Cup 2026, ông Trần Anh Tú cho rằng khi bóng đá Việt Nam đã gặt hái mọi thành tích ở đấu trường khu vực từ AFF Cup đến SEA Games, việc đặt ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu là cần thiết. Đây là động lực để bóng đá Việt Nam nâng tầm, thay vì mãi vướng chân với các mục tiêu cấp khu vực. Ông Trần Anh Tú cho biết:
“Nhìn rộng ra các nước trong khu vực đặc biệt như Thái Lan cũng nỗ lực vươn tầm nhưng chưa thành công. Chênh lệch về trình độ bóng đá khu vực Đông Nam Á và châu Á vẫn còn khá lớn. Chúng tôi hiểu rõ thách thức và sự khó khăn khi lên một tầm cao mới. Tuy nhiên để có thành quả, đầu tiên chúng ta cần dám nghĩ đến và có kế hoạch cụ thể để phấn đấu”.
Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier đặt mục tiêu giành vé tham dự World Cup 2026, nhưng điều này cực kỳ khó xảy ra. Lý do rất đơn giản, nền tảng của tuyển Việt Nam - V.League đang phát triển quá chậm và không tương xứng với tham vọng đó.
Nguồn: [Link nguồn]