Cải tổ V.League: Đội bóng không phải là món hàng đổi chác
Nhìn lại chặng đường đã qua, một trong những nguyên nhân lớn đẩy V.League lâm vào khủng hoảng chính là việc VFF đã buông lỏng quản lý khiến tình trạng mua-bán, chuyển giao CLB và các suất lên xuống hạng diễn ra một cách tùy tiện. Muốn cải tổ V.League đây là việc đầu tiên phải siết lại.
Được đằng chân, lân đằng đầu
Khởi đầu trong quá trình chuyên nghiệp hóa của bóng đá VN là chuyển giao quyền sở hữu đội bóng từ địa phương hay ngành sang cho doanh nghiệp để thu hút nguồn lực tài chính từ xã hội. Những đội bóng như Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương, LG Hà Nội ACB (Đường sắt VN), Hàng không Việt Nam (CA Hà Nội), Ngân hàng Đông Á (CA TPHCM), Khatoco Khánh Hòa... là những đội bóng tiên phong chuyển đổi trong giai đoạn 2001-2005. Bước chuyển đổi sở hữu này được cho là khá hợp lý vì vẫn giữ cho đội bóng được tính chất địa phương (ngành) nhưng tách CLB khỏi việc phụ thuộc vào ngân sách.
Sau giai đoạn chuyển giao sở hữu là giai đoạn “ghép tên kiếm tài trợ” (2005-2009) khi tên truyền thống của CLB được ghép với tên doanh nghiệp như Tài chính Dầu khí SLNA, Huda Huế, Hoa Lâm Bình Định, Mitsustar Haier Hải Phòng, Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, Thể Công Viettel, Thép Pomina Tiền Giang... Đúng với tên gọi của của nó chuyện “ghép tên kiếm tài trợ” chỉ mang tính tạm thời để kiếm tiền nên dẫn đến rối rắm khi các CLB bị đổi tên xoành xoạch. Về mặt hình thức thì chuyện ghép tên không mấy ảnh hưởng gì, nhưng trên thực tế thì nó đã gây tổn hại về mặt tên tuổi, mất giá trị thương hiệu CLB, vì một cái tên CLB có truyền thống vài chục năm dễ dàng bị lắp ghép rất tùy tiện chỉ vì dăm tỷ đồng của nhà tài trợ.
HLV Hoàng Anh Tuấn trở thành người của V.HP sau vụ mua bán CLB giữa V.HP và K.KHẢnh: NAM HẢI
Thế nhưng, “nguy hiểm” nhất lại đến từ việc tùy tiện mua bán CLB ở địa phương này rồi chuyển sang địa phương khác. Bắt đầu là trường hợp của Ngân hàng Đông Á được bán cho Sơn Đồng Tâm Long An (2006) rồi sau đó đúng 1 mùa, SĐT.LA được bán cho ông Hoàng Mạnh Trường để chuyển ra Ninh Bình với tên gọi Vinakansai Ninh Bình dự giải hạng Nhất 2007. Từ tiền lệ này dẫn đến các trường hợp khác xảy ra Quân khu 4 (Nghệ An) chuyển thành Navibank Sài Gòn (2010), Thể Công chuyển Lam Sơn Thanh Hóa (2010) và T&T V&V thành Xuân Thành Sài Gòn (2011) và đỉnh điểm là XM Hải Phòng rớt hạng mua suất V.League của K.Khánh Hòa (giải thể)...
Chấn chỉnh trước khi… nát bét
Một đội bóng dù được nuôi bằng nguồn tiền nào (ngân sách, doanh nghiệp hay niêm yết trên thị trường chứng khoán) thì điều quan trọng nhất phải gắn liền với tính địa phương ở một vị trí địa lý nhất định. Khán giả địa phương, cầu thủ, HLV người địa phương làm nền truyền thống, thương hiệu cho CLB với một quá trình dài lâu. Chuyện “ngắt đầu này, lắp vào đầu kia” như BĐVN đã làm suốt thời gian qua đều mang tính chất đầu cơ, cơ hội của các ông bầu dưới sự tiếp tay, nhắm mắt làm lơ đã hủy hoại tình cảm, lòng tin của người hâm mộ và gây rối loạn của nền bóng đá.
Việc chấn chỉnh chuyện mua bán tùy tiện CLB cũng đã muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không, trước khi BĐVN nát bét. Sửa đổi phải bắt đầu từ việc Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cần được viết lại, hoàn thiện một cách có hệ thống, không chỉ việc đưa ra nhiều điều kiện khắt khe, ràng buộc trong đầu tư bóng đá mà còn ở nhiều điều luật còn sơ hở khác. Ví dụ, quy định về một ông chủ sở hữu nhiều CLB hay những quy định chặt chẽ về tài chính đối với từng CLB tham dự giải.Trước mắt, BĐVN vẫn khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ vốn vào cho CLB nhưng cần phải cấm triệt để việc mua CLB ở địa phương này rồi chuyển sang địa phương khác hay tùy tiện bán suất thăng hạng để kiếm lời...
Những quy định chặt chẽ về điều kiện đầu tư có thể sẽ khiến cho nhiều CLB khó kiếm được nhà tài trợ hay doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên đây chỉ là khó khăn ban đầu. Về lâu dài những quy định càng chặt chẽ càng sàng lọc được những nhà đầu tư chất lượng, tâm huyết và gạt bỏ được những nhà đầu tư cơ hội, lợi dụng bóng đá để tư lợi.