Cải tổ FIFA - cuộc chiến quyền lực
Giống như khi Joao Havelange bị buộc phải ra đi năm 1998, việc Sepp Blatter tuyên bố từ chức chỉ vài ngày sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp có nguyên nhân sâu xa từ vô số vụ tham nhũng cũng như hiện tượng lạm quyền và quản lý tài chính kém.
Ai sẽ giải cứu FIFA?
Một danh sách khá dài các ứng viên có thể thay thế Blatter ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo FIFA. Tuy nhiên, không phải ai cũng hội đủ các tiêu chí cũng như điều kiện năng lực để cải tổ FIFA như mong muốn của tất cả mọi người.
Michel Platini được đánh giá cao nhất trong số này nhờ kinh nghiệm quản lý và phương châm “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo” thông qua các quy định siết tầm ảnh hưởng của các CLB giàu có. Không chỉ nổi tiếng khi còn thi đấu cũng như một thời gian ngắn làm HLV, Platini còn được biết đến với vai trò trưởng ban tổ chức World Cup 1998 cũng như lãnh đạo UEFA từ năm 2007.
Ông không giữ vai trò gì ở cuộc bầu cử chủ tịch FIFA vừa qua nhưng tuyên bố sẽ ứng cử chủ tịch ở nhiệm kỳ kế tiếp, như một hình thức trả ơn đồng minh Blatter, người có công đưa ông lên ghế chủ tịch UEFA.
Sau khi Blatter từ chức, Platini ca ngợi ông này đã có quyết định dũng cảm và hợp lý nhưng bản thân vẫn chưa có bất cứ động thái nào chứng tỏ sẵn sàng thay thế Blatter. Dù sao, Platini không thể vô can trong việc Pháp bị tố “mua phiếu” để được quyền đăng cai World Cup 1998.
Hoàng thân Ali bin al-Hussein (Jordan) là đối thủ duy nhất của Blatter ở cuộc bầu cử chủ tịch FIFA vừa qua, về lý thuyết, hẳn là người thay thế xứng đáng cho chiếc ghế còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, người đàn ông giàu có, quyền lực này lại không có nhiều uy tín, tầm ảnh hưởng đối với bóng đá thế giới dù được phần lớn châu Âu ủng hộ.
Hoàng thân Al-Hussein từng là phó chủ tịch và ủy viên Ban Chấp hành FIFA trẻ tuổi nhất nhưng sau thất bại ở cuộc bầu cử vừa qua, ông cũng mất luôn 2 vị trí này. Ông có đồng minh lớn nhất là Platini nhưng cũng sau cuộc bầu cử và những diễn biến mới nhất, e là ông sắp phải đối mặt với chính Platini ở cuộc chạy đua mới.
Cựu Phó Chủ tịch FIFA Chung Mong-jun (Hàn Quốc), đương kim Chủ tịch LĐBĐ châu Á Sheikh Salman Bin Ibrahim al-Khalifa (Bahrain), tân ủy viên Ban Chấp hành FIFA Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah (Kuwait), Chủ tịch LĐBĐ Hà Lan Michael van Praag, cựu danh thủ Luis Figo... là những nhân vật được đề cập nhưng khả năng giành chiến thắng rất thấp.
Châu Âu không dễ lấy lại quyền lực Một trong những vấn đề đáng chú ý khi cải tổ FIFA và chọn chủ tịch mới kế nhiệm S.Blatter là quyền tự quyết của các liên đoàn thành viên, đặc biệt của đa số thành viên đến từ châu Phi, châu Á có nền kinh tế đang phát triển, cần trợ giúp của FIFA. Các lãnh đạo LĐBĐ Nam Mỹ và châu Âu muốn bỏ quy định 1 liên đoàn, 1 lá phiếu khi FIFA chọn chủ tịch hoặc thông qua những vấn đề trọng đại. Vì thế, các ứng viên được 2 khu vực này ủng hộ có thể sẽ vấp phải sự chống đối. Vì thế, 2 ngày họp của UEFA ở Berlin - Đức cuối tuần này cũng sẽ được theo dõi sát sao để mọi người xem động thái mới từ Platini và các cộng sự. |