Cải tổ FIFA - cuộc chiến quyền lực
Giống như khi Joao Havelange bị buộc phải ra đi năm 1998, việc Sepp Blatter tuyên bố từ chức chỉ vài ngày sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp có nguyên nhân sâu xa từ vô số vụ tham nhũng cũng như hiện tượng lạm quyền và quản lý tài chính kém.
Điểm lại 2 thời kỳ lãnh đạo FIFA của Joao Havelange (1974-1998) và Joseph Sepp Blatter (1998 đến nay), người ta không khỏi ngạc nhiên với vô số điểm chung giữa 2 “ông vua không ngai”, những người đã dày công “biến” FIFA thành công cụ làm ra tiền.
Hay nói đúng hơn, FIFA là một thể chế thương mại siêu lợi nhuận và qua đó, tự biến mình thành một dạng “trùm mafia” trong tổ chức nghề nghiệp của môn giải trí ưa thích của cả thế giới.
“Nhà độc tài” Joao Havelange
Rời khỏi ban lãnh đạo Ủy ban Olympic thế giới (IOC) năm 2011 và chính thức chia tay chức vụ chủ tịch danh dự FIFA năm 2013 khi đã 97 tuổi, không ai nói Havelange ra đi vì tuổi tác mà lý do chính là hàng loạt vụ tham nhũng thời ông nắm quyền bị phanh phui!
Havelange ngồi ghế chủ tịch 24 năm và rất nhiều lần phải nộp lại số tiền đã nhận khi ông không còn giải pháp nào khác. Vấn đề là ở chỗ Havelange luôn thoát tội, lúc thì đơn giản do sự việc xảy ra tại Thụy Sĩ mà quốc gia này chưa xem “hối lộ thương mại” là một tội, khi thì được hưởng quyền miễn khởi tố dành cho người trên 90 tuổi!
Tạo dựng nên một “vương quốc” có doanh số khoảng 25 tỉ USD mỗi năm, chỉ khi bị cáo buộc nhận 1 triệu USD trong vụ Công ty Tiếp thị thể thao ISL phá sản, Havelange buộc phải từ chức nhưng vẫn đưa được “cánh tay phải” Sepp Blatter lên kế nhiệm để giữ bí mật sổ sách cho FIFA. Havelange trước khi đến với bóng đá là một luật sư giỏi, biết những chỗ cần dừng, những chỗ cần lách, những chỗ cần che chắn để vừa điều hành vừa thách thức cả thế giới bóng đá trong vài chục năm mà vẫn bình chân như vại.
Đứng vững nhờ thủ thuật chính trị
Tương tự người tiền nhiệm, Sepp Blatter - một người tốt bụng, dễ gần - luôn biết cách tâng bốc đối thủ và dĩ nhiên, thẳng tay triệt hạ khi đối phương quá mạnh. Ông mượn tay Phó Chủ tịch Jack Warner để đánh bật một cấp phó khác là Mohamed Bin Hammam khỏi cuộc bầu cử năm 2011.
Sẵn vụ bố ráp của cảnh sát Thụy Sĩ tại Zurich hôm 27-5, Blatter tuyên bố cấm vĩnh viễn hoạt động bóng đá của các quan chức liên quan, trong đó có 2 cấp phó và dĩ nhiên là cả Jack Warner, người mới đây tuyên bố sẽ “kéo tất cả chết chùm vì không thể một mình chịu tội”. Cần nhớ, Jack Warner liên quan khá nhiều đến Blatter, từ vụ triệt hạ Bin Hammam, nhận hối lộ giúp Pháp rồi Nam Phi giành được quyền đăng cai World Cup 1998, 2010…
Hoàng thân Ali bin al-Hussein (trái) và Chủ tịch LĐBĐ châu Âu M.Platini là 2 ứng viên hàng đầu cho ghế chủ tịch FIFA Ảnh: REUTERS
Nhằm giảm thiểu sức mạnh của châu Âu, Blatter tranh thủ cảm tình của các nước nhỏ, khiến tất cả có cảm giác mình luôn được quan tâm mà việc 209 LĐBĐ thành viên được đối xử như nhau ở cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 65 là một minh chứng. Ông điều hành FIFA như một doanh nghiệp lớn mà những bên tham gia đều có lợi. Blatter thành công suốt 4 nhiệm kỳ qua, đứng vững trước mọi sóng gió nhờ tố chất của một nhà lãnh đạo hàng đầu, lạnh lùng cùng những thủ thuật chính trị mà người làm bóng đá đơn thuần không thể có được!