Cái thua của U-19 Việt Nam
U-19 Việt Nam đã thua một đối thủ cùng tuổi nhưng khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn và có một đấu pháp hoàn hảo hơn.
1. Sân Hassanal Bolkiah 15 năm trước chính là nơi chấm dứt thời hoàng kim của “thế hệ vàng” tham dự SEA Games.
Đó là trận chung kết SEA Games 20 năm 1999 với Thái Lan. Trận đấu mà người hâm mộ Việt Nam đi chuyên cơ từ phi trường Tân Sơn Nhất bay thẳng sang Brunei vào sáng sớm, rồi trở về trong đêm với hy vọng sẽ chứng kiến giây phút đăng quang của “thế hệ vàng” bóng đá Việt Nam.
Trận đấu mà trước khi bóng lăn, báo chí Đông Nam Á luôn nhắc đến “hàng phòng ngự thép” được giữ nguyên vẹn suốt 450 phút không thủng lưới, còn người hâm mộ Việt Nam đi chuyên cơ sang đã nhọc công làm cả cúp vàng (giả) cao hơn đầu người.
Trận đấu đấy suốt 39 phút đầu Thái Lan không sao khoét vào được hàng thủ Việt Nam. Lập tức họ chuyển sang sút xa và cú sút ngoài 25 m ở phút 40 của Thawatchai đã buộc thủ môn Trần Minh Quang lần đầu phải vào lưới nhặt bóng. Bàn thắng đấy đã dập tắt giấc mơ vàng SEA Games của “thế hệ vàng”.
Cái thua trên sẽ được rất nhiều vì tránh cho người lớn sự ngộ nhận và biết chúng ta đang ở đâu. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG
2. 15 năm sau, cũng cái sân Hassanal Bolkiah ấy và cũng bên cầu môn đấy, thủ môn Văn Trường của U-19 Việt Nam tung mình bất lực nhìn bóng cuộn vào góc xa ấn định tỉ số lên 4-3.
Có điểm gì giống và khác nhau ở cùng cầu môn đấy và cùng cái sân Hassanal Bolkiah ấy?
Giống ở cú sút xa mà đối thủ tung ra khi ta mất cảnh giác và giống ở bàn thua hạ gục những nỗ lực. Giống ở những gương mặt lên nhận HCB mà nước mắt ràn rụa. Tuy nhiên, lại khác ở 15 năm trước là kết thúc của thế hệ vàng còn bây giờ là bài học tuổi 19 khởi đầu cho một quá trình chinh phục huy chương vàng Đông Nam Á.
3. Nếu một năm trước tại giải U-19 Đông Nam Á, thầy trò HLV Guillaume đã thắng dễ U-19 Myanmar (3-1) và thua tức tưởi U-19 Indonesia trong trận chung kết thì vừa qua lại cho ra những thước đo khác biệt. U-19 Indonesia khi không có được lợi thế sân nhà và không được trợ giúp của trọng tài đã lộ diện là một đối thủ dưới cơ so với những cầu thủ trẻ Việt Nam.
Ngược lại thì U-19 Myanmar chỉ sau thời gian 10 tháng đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc. Đối thủ trước đó của U-19 Việt Nam ở bán kết là Thái Lan cũng thế. Họ thua nhưng vẫn hứa hẹn là một đội bóng giàu tiềm năng và sẵn sàng rửa hận bất cứ lúc nào lẫn bất cứ giải nào.
U-19 Việt Nam đã thua một đối thủ cùng tuổi nhưng khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn và có một đấu pháp hoàn hảo hơn. Cứ nhìn cái cách họ bị dẫn trước rồi gỡ hòa và hai lần vượt lên thật bản lĩnh. Lối đá chặt chẽ, pressing ngay từ giữa sân đòi hỏi thể lực rất dồi dào và họ đã thể hiện mạnh mẽ suốt 90 phút.
Nếu U-19 Việt Nam thua U-19 Malaysia là một tai nạn thì việc họ thua Myanmar trong trận chung kết là do năng lực. Dù sao cũng phải cảm ơn Myanmar đã cho mọi người và hơn hết là chính các cầu thủ U-19 Việt Nam nhận ra chúng ta đang ở đâu.
Đã có lúc nhiều người huyễn hoặc và ảo tưởng rằng với lứa cầu thủ này chúng ta đã bơi ra khỏi khu vực Đông Nam Á một cách nhanh chóng nhưng thực tế thì nhiều đối thủ ở Đông Nam Á cùng bơi và cùng chuyển mình.
Biết được mình để đánh giá đúng và để có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ không bao giờ thừa. Điều đấy tốt hơn rất nhiều so với những ngộ nhận đã ra khỏi vùng trũng và thậm chí là đã có thể đi dự World Cup như cái cách một quan chức VFF nhìn nhận.
Cái thua vừa qua không mất và sẽ được nếu chúng ta biết mình ở đâu, thiếu gì và đối thủ của chúng ta làm gì trong thời gian chúng ta tưởng chỉ một mình mình chạy.
|
|
|
|