Cái giá của ông Miura
Cùng với U-23 Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á (và chủ nhà Qatar), thầy trò Miura lần đầu tiên góp mặt ở vòng chung kết U-23 châu Á.
Đấy cũng là một chiến tích của ông thầy người Nhật làm cho bóng đá Việt Nam dù nhiều người vẫn không mấy thuyết phục khi ở vòng loại chỉ thắng chủ nhà Malaysia 2-1 và Macau 7-0 (thua Nhật Bản 0-2).
Mong ước của ông Miura từ những ngày đầu về cộng tác với VFF không chỉ dừng lại ở các đấu trường Đông Nam Á mà còn hướng đến sân chơi cao hơn ở tầm châu lục.
Tuy nhiên, ông thầy người Nhật không phải lúc nào cũng thỏa mãn với những điều kiện và mục tiêu của mình. Đấy là lý do khiến ông thường chia sẻ với truyền thông quê nhà rằng bóng đá Việt Nam hay lo nghĩ và vui buồn về chuyện thắng thua ở một trận đấu AFF Cup hoặc SEA Games mà không chịu hướng đến cột mốc xa hơn.
HLV Miura đặt mục tiêu vào tứ kết nhưng cũng không biết được số phận của mình sau sân chơi này. Ảnh: XUÂN HUY
Từ chiến tích lần đầu tiên ông Miura dẫn dắt Olympic Việt Nam vào đến tứ kết Asiad 17 thì ở vòng chung kết U-23 châu Á lần này, ông đang nuôi mộng tái lập lịch sử.
Điều này không phải là ước vọng viển vông của HLV Miura nhờ sự hiểu biết lẫn nắm bắt rõ hơn làng bóng châu Á, dù rằng khả năng gây bất ngờ lớn ở cuộc chơi này khác hẳn lần trước, khi các đối thủ đã xem trọng và chịu khó phân tích U-23 Việt Nam hơn.
Rõ ràng ông Miura có cái giá của mình sau gần hai năm gắn bó với làng bóng Việt Nam, bất chấp nội bộ VFF có những đánh giá trái chiều và không có nhiều hứa hẹn cho tương lai của ông.
Khả năng HLV Miura thỏa mãn VFF (lẫn giới hâm mộ) một chiếc vé vào tứ kết U-23 châu Á. Được vậy, chắc chắn ông sẽ lên giá rất nhiều trong mắt làng bóng châu lục và không còn sợ… thất nghiệp. Ngược lại, chiếc ghế của ông sẽ lung lay khi thời hạn hợp đồng với VFF chỉ đến tháng 4-2016.