Cái chân gãy và nỗi đau của nền bóng đá
Nhỏ mà đã học thế thì làm sao lớn là cầu thủ tử tế?
1. Nguyễn Anh Hùng là cầu thủ trưởng thành từ lò bóng đá trẻ SL Nghệ An nhưng không may mắn như cầu thủ đàn anh Đình Đồng được ở lại thi đấu cho đội bóng quê hương.
Niềm vui đấy không trọn vẹn nhất là mẹ Hùng khi chứng kiến con mình ngất đi trên sân với cái chân gãy và khả năng từ giã nghiệp cầu thủ.
2. Sân Vinh hay được ví là đi dễ khó về bởi sự cuồng nhiệt của người xem và tinh thần thi đấu cao của các cầu thủ SL Nghệ An. Tiếc là những mỹ từ đấy đôi khi lại hay bị chính ban huấn luyện và cầu thủ Nghệ An hiểu sai. Máu lửa và tinh thần thép khác rất xa với bạo lực, với kiểu vào bóng để dằn mặt, để đối thủ sợ và chùn chân.
HLV Hữu Thắng
3. Hồi HLV Hữu Thắng là cầu thủ với cái tên trung vệ thép, Thắng nổi tiếng là luôn cháy hết mình khi ra sân. Tôi còn nhớ hình ảnh trận chung kết SEA Games 18 - 1995 với Thái Lan Thắng bị sốt cao nhưng vẫn xin ra sân đá rồi ngất đi vì lăn xả hết mình đến lúc tỉnh lại thì thấy mình trong nhà thương với chiếc HCB bên cạnh. Hình ảnh đấy khác rất xa với những cú vào bóng kiểu triệt hạ mà sau này những thế hệ cầu thủ cứ ngộ nhận rằng mình làm thế vì truyền thống của bóng đá Nghệ An là hết mình.
4. Cầu thủ không dám đá láo nếu lãnh đạo đội bóng triệt để chuyện ra sân phải đá bóng chứ không đá người. Trọng tài cũng không dám “quên còi” nếu phía trên mình là những vị giám sát nghiêm minh và luật được thực thi đảm bảo.
Lại nhớ đến chuyện các em khiêng cáng trên sân Ninh Bình đều là cầu thủ năng khiếu. Nếu các em được giáo dục đúng và không được người lớn dạy xấu hay bật đèn xanh thì làm gì có chuyện khiêng cầu thủ đội bạn rồi ném xuống sân theo kiểu “cho mày chết nè!”.
Nhỏ mà đã học thế thì làm sao lớn là cầu thủ tử tế?
Đó là nỗi đau của cả nền bóng đá.