Các vụ vỡ sân "thót tim" của BĐVN
Từ những năm cực thịnh đầu thập niên 90, cho tới giai đoạn thoái trào, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ vỡ sân vì công tác tổ chức hay sự "máu lửa" của CĐV và cả nguyên nhân bắt nguồn từ những sai sót của các ông vua sân cỏ.
* Từ "điểm nóng" sân Vinh
Bóng đá Việt Nam cuối những năm thập niên 90 và đầu những năm 2000 từng tạo ấn tượng về chất lượng chuyên môn, niềm tin của người hâm mộ và sự manh nha của việc xã hội hóa bóng đá. Thời điểm đó, cứ mỗi cuối tuần trên khắp các sân cỏ cả nước, như Hàng Đẫy, Cột Cờ, Lạch Tray, Chùa Cuối (giờ là Thiên Trường), Thanh Hóa, Vinh, Thống Nhất, Cao Lãnh luôn được phủ kín bởi các CĐV. Sự cuồng nhiệt và tình yêu bóng đá từ người hâm mộ, đã khiến nhiều lần các sân bị vỡ và ảnh hưởng tới hình ảnh và thành tich của các CLB.
Bẵng đi một thời gian, bóng đá Việt Nam không còn những cảnh chen chúc, leo trèo vào sân, hay quậy phá trên trên các khán đài. Nhưng vừa qua “chất xúc tác” trên sân Hàng Đẫy giữa Hà Nội.T&T-SLNA dường như đã đánh thức tinh thần yêu bóng đá của CĐV và để rồi những hình ảnh của thập niên 90 đã ùa về, với cảnh hàng vạn người hâm mộ trên 4 khán đài sân Vinh, hay cảnh tượng vỡ sân trước đó trong trận đấu giữa SLNA-XMXT.Sài Gòn.
Hình ảnh vỡ sân Vinh Chủ nhật vừa qua
Hình ảnh "sốc" đó đã khiến những ký ức của HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh ùa về. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông nói như thể đó là niềm tự hào của người xứ Nghệ và đó là những hình ảnh để mọi người sống lại những hào quang trong quá khứ.
“Tôi còn nhớ từ năm 1996 đến khoảng năm 2003, mỗi lần SLNA thi đấu trên sân Vinh, người hâm mộ từ các huyện trong tỉnh Nghệ An như Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu…, rồi cả các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh cứ ùn ùn đổ về sân Vinh. Họ đến với chỉ mong ước được xem và cổ vũ cho những thần tượng của mình như Hữu Thắng, Sỹ Sơn, Sỹ Thủy, Quang Trường... , hay ngôi sao mới sau này như Văn Quyến, Quốc Vượng… Đó là thời điểm người dân xứ Nghệ tự hào về các cầu thủ của mình. Sân Vinh luôn được nén đầy ắp khán giả và từ đó người ta mới đặt tên chảo lửa Thành Vinh”, cựu HLV trưởng SLNA Nguyễn Thành Vinh nhớ lại.
Cũng theo ông Vinh, trong quá khứ sân Vinh luôn là điểm nóng nhất trên cả nước và ở đó đã có rất nhiều lần sân bị vỡ vì sự cuồng nhiệt của các CĐV. “Trận đấu với Đồng Tháp tôi không còn nhớ rõ đó là năm nào, khi các khán đài sân Vinh đã kín chỗ, các CĐV đã phải dùng thang trèo lên các mái nhà, cột điện, cây cao để vào sân, hoặc xem trận đấu. Khi đó rất nhiều người đã trèo lên mái nhà của trung tâm thi đấu bên cạnh sân, mái nhà đó đã bị sập và một CĐV nhỏ tuổi đã xấu số qua đời. Thời điểm đó, nếu hỏi bất kỳ khán giả nào đi xem, họ đều có những ấn tượng về sự cuồng nhiệt của các CĐV xứ Nghệ”, ông Vinh kể tiếp.
Ở V-League 2008, khi còn tên gọi TCDK.SLNA, sân Vinh từng tiếp tục bị "vỡ", khi đội chủ nhà tiếp đón Thể Công. Cuộc hỗn chiến bùng nổ vào thời điểm gần kết thúc trận đấu. Một CĐV Thể Công đánh rơi cờ, lực lượng bảo vệ nhặt lên giúp, nhưng ngay lập tức bị đánh cán cờ vào tay. Cùng lúc đó cửa 12 mở, các CĐV SLNA ùa vào dùng gậy đánh CĐV Thể Công làm hai người bị thương: 1 người gãy tay và 1 người chảy máu đầu. Phải mất 3 tiếng đồng hồ các đơn vị chức năng mới giải tán được đám đông quá khích. Xe của Thể Công bị ném vỡ một miếng kính sau. Nhờ có sự hộ tống của cảnh sát, Hội CĐV Thể Công mới ra về an toàn. Sau sự cố này sân Vinh đã bị Ban Kỷ luật VFF tuyên án phạt phải đóng cửa 2 trận kế tiếp.
Sân Thiên Trường (Chùa Cuối cũ) trong trận tiếp đón HAGL năm 2003
* Đến những "sự cố thót tim"
Ngoài sân Vinh, những năm đó bóng đá Việt Nam còn chứng kiến hàng loạt những vụ vỡ sân, hoặc công tác tổ chức "thót tim" ở các sân bóng khác. Ở đây có thể kể đến sân Chùa Cuối của Nam Định (nay là Thiên Trường). Còn nhớ năm 2003, khi đó vẫn còn tên gọi sân Chùa Cuối, người hâm mộ Thành Nam và các cầu thủ HAGL chắc không quên được “cơn ác mộng” ngày ấy, thời điểm đội bóng phố núi lần đầu tiên lên ngôi vô địch V-League 2003 với hàng loạt ngôi sao của 2 nền bóng đá Việt Nam, Thái Lan (trong đó có Kiatisak). Khi đó, do cả 4 khán đài sân Chùa Cuối đang sửa chữa để chuẩn bị phục vụ cho SEA Games 2003 nên có rất nhiều dàn giáo, sắt thép để đầy xung quanh đường chạy.
Dù vậy, do khán giả quá đông, BTC sân đã để cho cả chục ngàn khán giả vào sân cổ vũ. Hậu quả là khi hàng ngàn khán giả hò hét nhau trèo qua giàn giáo, nhảy xuống ngồi kín đường chạy để cổ vũ đội nhà cũng như "trấn áp" tinh thần đội khách thì BTC sân không thể ngăn cản vì sợ vỡ trận.
Với đội khách HAGL, một phần nhờ đã sớm đăng quang, một phần quá run do bị các CĐV hung hăng của Nam Định dọa “hỏi thăm” nên dù trận đấu diễn ra kịch tính thì quân tướng của bầu Đức cũng đã bị thua 2-3. Nhờ vậy, Nam Định có được tấm huy chương của giải (đứng thứ 3), còn đội bóng phố núi có được sự an toàn.
Gần đây nhất vào năm 2008, khi Nam Định tiếp Thể Công, đội bóng áo lính một thời cũng bị các CĐV thành Nam “quây” ngay tại sân, thậm chí CĐV Nam Định còn đuổi theo xe chở Thể Công để ném gạch đá.
Sân Thanh Hóa cũng không đứng ngoài những điểm nóng vỡ sân
Những hình ảnh vỡ sân, còn diễn ra tại sân Thanh Hóa. Trong mùa giải 2007, khi Thanh Hóa tiếp Đà Nẵng, ở phút 75, trọng tài Võ Minh Trí chưa chính thức công nhận bàn thắng gỡ hoà 1-1 cho Thanh Hóa thì hơn 100 con người quá khích ngồi sẵn trên đường piste tràn vào sân. Lực lượng an ninh phải vào cuộc xử lý vụ rượt đuổi trọng tài Trí và để giữ mình ông Trí phải công nhận bàn thắng. Với việc để vỡ sân, khi đó CLB Thanh Hóa đã bị xử thua 0-3.
Còn tại Lạch Tray, nơi cũng từng có biệt danh là “chảo lửa”, sức nóng và sự cuồng nhiệt của các CĐV đất Cảng có lẽ là điều không phải bàn cãi. Năm 2009, khi XM.Hải Phòng mua về siêu sao Denilson (dù chỉ trong thời gian ngắn), sức “nóng” trên sân càng được tăng lên theo cấp số nhân. Và trong cuộc đối đầu với SHB.Đà Nẵng, sân Lạch Tray đã không còn một chỗ trống, BTC sân đã phải quây dây thừng và cho CĐV ngồi ngay cửa ra vào gần sát đường piste khu khán đài C. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, mặt sân Lạch Tray đã được phủ kín bởi hàng nghìn CĐV, chỉ vì họ muốn được nhìn và sờ tận tay Denilson.
Từ ngày khoác áo chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã có nhiều trận đấu "quá nóng" về công tác tổ chức, bảo đảo an ninh, an toàn cho các trận đấu. Khán giả đến sân đông là điều đáng mừng, nhưng để đảm bảo tốt công tác tổ chức, việc nhìn lại những "sự cố" trong quá khứ sẽ không bao giờ thừa để bóng đá Việt Nam từng bước xây dựng những hình ảnh đẹp về khán giả đến sân, thay vì những nguy cơ bùng phát ẩu đả, gây mất trật tự ở các trận bóng đá.
Xem xét phạt Ban tổ chức Sân Vinh “Dù mức độ sai phạm đến đâu, chắc chắn BTC giải phải báo cáo sự việc sang Ban Kỷ luật, lúc đó chúng tôi sẽ xem xét. Tuy nhiên, trước mỗi trận đấu, BTC sân đã phải viết cam kết, đảm bảo an ninh an toàn trước và sau trận đấu cho cầu thủ, BHL, trọng tài…và các CĐV đến sân, một cách tuyệt đối, vậy nên chúng tôi sẽ phải “mổ băng” xem xét hồ sơ và những tình tiết quan trọng liên quan đến việc vỡ sân, và mức độ sai phạm ra sao, hậu quả thế nào. Lúc đó sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật, nhẹ thì cảnh cáo, nặng sẽ đóng cửa sân”, ông Hường cho biết. |