Các đội bóng “méo mặt” vì V-League hoãn quá lâu
Việc V-League 2021 hoãn tới tháng 2/2022 khiến nhiều đội bóng gặp khó khăn trong việc trả lương cho cầu thủ bởi kinh phí eo hẹp.
Chắc chắn sẽ có những hệ lụy kéo theo từ thực trạng này nhưng người trong cuộc lại đang loay hoay, chưa thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất.
V-League 2021 hoãn tới tháng 2/2022 khiến các đội bóng gặp khó khăn Ảnh: VPF
Rối loạn vì dịch bệnh
Đầu tháng 8, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã thống nhất với đề xuất của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về việc V-League 2021 sẽ hoãn tới tháng 2/2022.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam bị “vắt” sang năm tiếp theo Dương lịch. Điều này kéo theo hệ lụy xấu với các CLB tham dự V-League.
Nếu tính từ tháng 5, khi giải dừng vì Covid-19, đồng thời để đội tuyển Việt Nam hội quân đá vòng loại World Cup 2022, V-League 2021 sẽ nghỉ tới gần 9 tháng.
Quãng thời gian này quá dài, ảnh hưởng không nhỏ tới phong độ của các cầu thủ. Bên cạnh đó, việc không thi đấu cũng đem đến những khó khăn về công tác quản lý, tổ chức đội bóng.
Nhưng đáng ngại hơn cả là việc nhiều CLB không có tiền để trả lương cho cầu thủ. Cần biết rằng, đa số đội bóng V-League đều sống dựa vào tiền của nhà tài trợ, bao gồm cả khoản trả lương mỗi mùa.
Dựa trên hợp đồng ký kết giữa đội bóng và cầu thủ, nhà tài trợ sẽ rót tiền trả lương từ thời điểm chuẩn bị cho mùa giải mới tới khi giải khép lại. Nói cách khác, đội bóng trả lương cầu thủ theo thời gian thi đấu.
Kế hoạch ban đầu cho thấy V-League 2021 sẽ khép lại vào tháng 8/2021. Như vậy, giải đấu năm nay sẽ kéo dài thêm ít nhất 5 tháng. Các đội bóng hiện lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nếu tiếp tục trả lương cho cầu thủ như hợp đồng, khoảng thời gian còn lại cho tới ngày giải tái khởi tranh sẽ thiếu hụt kinh phí. Ngược lại, nếu không duy trì trả lương, đội bóng có thể mất cầu thủ.
Ông Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc CLB Becamex Bình Dương chia sẻ, kinh phí nhà tài trợ chi cho việc trả lương là cố định, không thể yêu cầu giải ngân thêm.
“Giải hoãn lâu, nhà tài trợ không đồng ý chi thêm nên chúng tôi buộc phải tính toán lại lực lượng. Đội một mỗi tháng ngốn 2 - 3 tỷ đồng, chúng tôi không thể co kéo được. Thời gian tới chúng tôi sẽ để cầu thủ về nhà. Mùa tới, việc Bình Dương có tham gia thi đấu hay không còn bỏ ngỏ”, ông Cường nói.
Ông Trần Thái Toán, Giám đốc điều hành CLB Nam Định cũng đưa ra ý kiến tương tự: “Các đội khó khăn thì Nam Định còn khó gấp 10 lần. Mùa nào chúng tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo lo kinh phí. Giờ giải hoãn như vậy chúng tôi cũng chưa biết phải làm sao ngoài giảm lương từ tháng 8. Các ngoại binh đều đã về quê và chưa xác định được ngày họ quay lại”.
Ông Bùi Xuân Hòa, Giám đốc điều hành CLB SHB Đà Nẵng thì phàn nàn về việc đàm phán giảm lương với cầu thủ. Với cầu thủ nội, mọi thứ dễ giải quyết nhưng cầu thủ ngoại rất khó tìm tiếng nói chung.
Ông Hòa tiết lộ, họ (ngoại binh) yêu cầu nhiều và tinh thần chung là không muốn bị cắt thu nhập. “Tôi sẽ xin ý kiến Hội đồng quản trị và nhà tài trợ xem hướng xử lý ra sao”.
VPF cũng rất khó khăn, chưa biết xoay xở ra sao
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hiện tại rất nhiều ngoại binh tại V-League đã thanh lý hợp đồng để trở về quê nhà. Số khác không thanh lý thì nhận từ 20 - 50% lương để tiếp tục đợi cơ hội chơi bóng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhà môi giới Nguyễn Minh Châu, đại đa số cầu thủ nước ngoài chấp nhận giảm một phần lương để cầm cự thì trình độ đều không cao. Số có năng lực sẽ muốn thanh lý để tìm bến đỗ mới.
“Đây là thời điểm nhiều giải bóng đá vô địch quốc gia ở châu Âu, châu Phi và vài giải châu Á bước vào giai đoạn săn người cho mùa giải mới. Những cái tên có năng lực sẽ tìm bến đỗ để được thi đấu và đảm bảo thu nhập còn nuôi sống gia đình. Một số cầu thủ họ nói với tôi sẽ không trở lại nữa”, ông Châu thông tin.
Ông Châu cũng nhấn mạnh, các ngành nghề khác có hỗ trợ khi người lao động thất nghiệp, bóng đá cũng nên làm vậy.
“Có cầu thủ nói chuyện với tôi bảo chỉ cần 2 - 5 triệu đồng/tháng là họ cũng rất quý rồi. Tháng 11, nhiều đội đã hội quân chuẩn bị mùa giải mới theo thông lệ nên kinh phí sẽ không quá đáng ngại nhưng tháng 8, 9 và 10 sẽ rất khó khăn. Nếu VPF hỗ trợ thì nên chọn thời điểm hiện tại”.
Giám đốc điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán cho rằng, ngoại binh có thể thanh lý, cầu thủ nội hết hợp đồng cũng có thể thanh lý nhưng với cầu thủ còn hợp đồng mà vẫn muốn gắn bó, các đội bóng vẫn phải chăm lo.
Bằng không, khi giải lăn bóng trở lại sẽ không có lực lượng để đá. “Trong bối cảnh hiện nay, VPF nên có động thái hỗ trợ CLB, cầu thủ”, ông Toán nói.
Tuy nhiên, trao đổi cùng Báo Giao thông, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cho biết, đơn vị này hiện tại cũng không có nguồn thu để có thể hỗ trợ các CLB.
“Giải dừng, nguồn thu của VPF sụt giảm nghiêm trọng. Tiền tài trợ chính chưa giải ngân hết do giải còn chưa kết thúc giai đoạn 1. Các trận đấu không diễn ra, đồng nghĩa các hợp đồng quảng cáo, tài trợ nhỏ lẻ cũng không có. Nói cách khác, VPF hiện tại cũng rất khó khăn, phải cắt giảm nhiều khoản chi để duy trì hoạt động”.
Tình trạng của Becamex Bình Dương hay Nam Định, SHB Đà Nẵng cũng là khó khăn chung của phần lớn CLB V-League. Ngay cả đội bóng giàu tiềm lực như Hà Nội FC cũng cho biết, hiện tại mọi chế độ của cầu thủ vẫn giữ nguyên nhưng chưa thể nói trước điều gì. Cùng quan điểm, SLNA sau khi có nhà tài trợ mới vẫn đang sống khỏe nhưng nếu kéo dài, đội bóng xứ Nghệ không loại trừ khả năng phải điều chỉnh. |
Nguồn: [Link nguồn]
Công Phượng bị hỏi han về chuyện cô vợ Viên Minh sắp sinh con đầu lòng, trong khi thủ thành Bùi Tiến Dũng kỷ niệm dịp...