Các cô gái đá bóng và câu chuyện cô Tấm
Cuối tuần trước, trong khi ĐT Olympic Việt Nam thất bại trong trận đấu vòng 1/8 với Olympic UAE, qua đó lỡ cơ hội lịch sử lọt vào vòng tứ kết một kỳ ASIAD thì ĐT nữ Việt Nam lại làm nức lòng người hâm mộ khi đánh bại kình địch Thái Lan để tiến vào vòng bán kết ASIAD, một kỳ tích với bóng đá Việt Nam. Đó cũng là một hình ảnh rất quen thuộc với bóng đá Việt Nam khi các cô gái luôn là niềm tự hào còn các chàng trai thường để lại nỗi thất vọng.
Tuy nhiên, đáng nói hơn là suốt những năm qua, bóng đá nữ chưa bao giờ được coi trọng. Nếu như một cầu thủ nam ở tầm lên tuyển sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng đến cơm, áo, gạo, tiền và việc nhận lót tay vài tỷ đến cả chục tỷ không phải là hiếm, thì các "cô gái vàng" của bóng đá Việt Nam lại ngày ngày phải vật lộn để lo cho cuộc sống.
Hầu hết các tuyển thủ nữ đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, mà khi nghe kể nhiều người không dám tin đó là những "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam.
Tự hào các nữ cầu thủ Việt Nam
Nguyễn Thị Liễu, người vừa mới ghi bàn vào lưới Thái Lan trong trận đấu cuối tuần trước không còn cha mẹ và cuộc sống cũng rất khó khăn. Mới đây, cô đã phải vay mượn bạn bè chút vốn liếng để mở cửa hàng cắt tóc kiếm đồng ra - đồng vào mỗi khi nghỉ thi đấu.
Hoàn cảnh của Nguyễn Thị Hòa cũng xót xa chẳng kém, khi mẹ cô bị tai nạn phải cưa cả hai chân trong khi bố cô bị mắc chứng teo cơ do di chứng chiến tranh. Cuộc sống của cả nhà đều trông vào đồng lương ít ỏi của Hòa. Rồi Nguyễn Thị Muôn hay Tuyết Dung mỗi lần về nhà đều phải phụ giúp công việc đồng áng với bố mẹ…
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ các tuyển thủ nữ lên tiếng đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Ngay cả việc toàn đội được tăng thêm tiền ăn khoảng 400 nghìn/người/ngày trong giai đoạn chuẩn bị cho VCK ASIAN Cup 2014 rồi lại bị cắt sau khi không giành vé dự World Cup cũng chẳng khiến các cô gái áo đỏ nản lòng.
Bên cạnh đó, dù đồng lương chẳng đủ sống nhưng mỗi khi ra sân những Liễu, Hòa, Muôn, Dung vẫn đá hết mình vì màu cờ sắc áo và thành tích lọt vào bán kết ASIAD là phần thưởng xứng đáng với các học trò của HLV Mai Đức Chung. Nhờ đó, các cô gái của chúng ta nhận được phần thưởng gần 800 triệu đồng, nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu so với những hi sinh thầm lặng trước đó.
Bao năm qua, trong khi bóng đá nam Việt Nam luôn được ưu ái, được đầu tư nhưng chỉ có được duy nhất một chức vô địch AFF Cup 2008. Trong khi đó, ĐT nữ Việt Nam dù không nhận được nhiều sự quan tâm đã hai lần vô địch Giải bóng đá nữ Đông Nam Á, bốn lần lên ngôi ở SEA Games và mới nhất là thành tích lịch sử lọt vào bán kết ASIAD.
Câu chuyện của các tuyển thủ nữ Việt Nam có phần giống hoàn cảnh cô Tấm trong chuyện cổ tích với đức tính chịu thương, chịu khó dù bị đối xử ghẻ lạnh nhưng khác ở chỗ các cô gái áo đỏ đã tự mình nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh thay vì bị chôn vùi tài năng.
Có một nhà báo lão thành từng nói rằng “không nên gọi các tuyển thủ nữ Việt Nam là cầu thủ bởi họ chẳng thể sống được bằng cái nghiệp cầu thủ, hãy gọi họ là các cô gái đá bóng”.