Buồn vui số phận cầu thủ Việt kiều
Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert, Mạc Hồng Quân và thậm chí là Đặng Văn Lâm đã nếm trải những thương đau khi sang Việt Nam chơi bóng.
Đặng Văn Robert, Michal Nguyễn: Thành công ở V.League, cay đắng ở ĐTQG
Đặng Văn Robert, trung vệ mang trong mình hai dòng máu Slovakia và Việt Nam có thể xem là Việt kiều thành công nhất ở V.League. Cụ thể, anh cùng B.Bình Dương vô địch V.League, Cúp QG, Siêu Cúp Quốc gia năm 2014, vô địch V.League và Siêu Cúp Quốc gia năm 2015. Thế nhưng, hành trình của cầu thủ này trên đội tuyển Việt Nam thì tỷ lệ nghịch hoàn toàn.
Thống kê của Soccerway chỉ ra rằng, anh chỉ có đúng 2 lần được đăng ký vào danh sách tham dự trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Đó là khi HLV Miura chọn anh vào lực lượng thi đấu với Thái Lan và Iraq hồi tháng 10/2015, trong khuôn khổ các trận đấu tại vòng loại thứ 2 World Cup 2018. Nhưng Đặng Văn Robert cũng chỉ dừng lại ở việc đăng ký thi đấu. Bởi anh không được vào sân một phút nào trong màu áo đội tuyển Việt Nam.
Nếu như Đặng Văn Robert tìm thấy một sự rạch ròi giữa thành công ở V.League và thất bại ở ĐTQG thì gam màu nơi Michal Nguyễn khi từ CH Czech về Việt Nam chơi bóng lại đan xen lẫn lộn giữa những tông màu sáng tối, giữa kỳ vọng và thất vọng.
Cầu thủ mang trong mình hai dòng máu CH Czech và Việt kiều được HLV Mai Đức Chung thuyết phục về Việt Nam thử sức ĐTQG. Nhưng rào cản về việc không thông thạo tiếng Việt đã khiến Michal Nguyễn lạc lõng. Anh bị động trong những pha dâng cao hay bọc lót cho đồng đội. Anh cũng không thể gọi những cầu thủ hai cánh lùi về hỗ trợ cho mình hay tỏ ra chậm chạp, khó hiểu trước thông báo của thủ môn.
Vậy nên, Michal Nguyễn suy cho cùng cũng chỉ thi đấu 2 trận cho ĐTQG Việt Nam, trong 2 thất bại trước Hong Kong và UAE tại vòng loại Asian Cup 2015. Chính ở trận đấu với UAE, Michal Nguyễn đã không phối hợp tốt với Gia Từ, dẫn đến tình huống phạm lỗi trong vòng cấm địa, kéo theo biếu không cho đội nhà một quả phạt đền.
Liên quan đến sự nghiệp tại V.League, phải đến năm 2015, Michal Nguyễn mới được B.Bình Dương liên hệ thử việc. Anh khoác áo Bình Dương trong ba mùa giải, nhưng không thực sự nổi bật trước dàn sao của đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam”.
Dù giành cú ăn ba cùng đội bóng này năm 2015, anh thường xuyên phải ngồi dự bị và nhìn những đàn anh như Phước Tứ, Đình Luật đá chính. Đến năm 2020, Michal Nguyễn về Việt Nam đầu quân cho Hải Phòng. Nhưng đó cũng là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của anh. Một chấn thương vào tháng 3/2020 trở thành nguồn cơn khiến Michal Nguyễn bị Hải Phòng thanh lý hợp đồng mà không được đền bù.
Đặng Văn Robert chưa chơi cho ĐTQG Việt Nam dù từng được triệu tập
Lao đao của Mạc Hồng Quân và nghị lực từ Đặng Văn Lâm
Một cầu thủ nữa cũng chịu sóng gió nghiệt ngã ở V.League là Mạc Hồng Quân, cầu thủ sinh ra ở Việt Nam trước khi sang CH Czech sinh sống. Nên nhớ, Bình Định là CLB thứ 6 ở V.League mà Mạc Hồng Quân đầu quân, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm anh sang Việt Nam chơi bóng.
Cũng giống như Michal Nguyễn, Mạc Hồng Quân có một xuất phát điểm ấn tượng ở CH Czech. Nhưng những ký ức ở Thanh Hoá và Quảng Nam có thể xem là tăm tối trong sự nghiệp của Hồng Quân. Anh phải tự bỏ tiền “chuộc” mình khỏi Thanh Hoá, sau khi bị đầy ải với những buổi tập một mình ở phòng gym.
Kế đến tại Quảng Nam, Hồng Quân không nằm trong kế hoạch của HLV Hoàng Văn Phúc. Anh bị đề nghị chuyển sang Cần Thơ theo diện cho mượn. Hồng Quân không đồng ý và bị yêu cầu trả tiền để đổi lấy sự tự do, số tiền rất lớn gần bằng hai năm hợp đồng. Sau đó, Quảng Ninh có tiếp cận Hồng Quân. Phía Quảng Ninh có hỗ trợ và sau đó phía Quảng Nam cũng chủ động giảm số tiền đền bù xuống.
Để rồi suốt từ mùa giải 2015 đến nay, cầu thủ này gắn bó theo biên chế của Than.QN. Hơn 5 năm chơi bóng cho Than Quảng Ninh với Hồng Quân là một niềm hạnh phúc. Nhưng anh cũng một lần nữa phải chia tay đội bóng đất Mỏ trong một sự cay đắng. Biến động về tài chính ở CLB đất mỏ khiến Hồng Quân và các cầu thủ rơi vào tình cảnh nợ lương, lót tay trong một thời gian dài. Để rồi dù rất muốn ở lại Than Quảng Ninh vì nghĩa ân tình, Hồng Quân vẫn phải đến Bình Định để giải quyết câu chuyện tiền bạc của bản thân.
Người cuối cùng có lẽ đã và đang thành công nhất chính là Đặng Văn Lâm. Tuy nhiên, thủ môn mang trong mình hai dòng máu Nga và Việt Nam cũng đã có lúc khốn khổ và tưởng chừng như sẽ phải rời Việt Nam trong quá khứ.
Để có thể vươn mình trở thành cầu thủ Việt kiều thành công nhất khi sang Việt Nam chơi bóng, với tâm thế thủ môn số 1 và cùng đội tuyển Việt nam vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và có một chuỗi trận giữ sạch lưới để đóng góp cho đội tuyển quốc gia tấm vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, Văn Lâm cũng đã trải qua một giai đoạn dài làm kép phụ trên đội tuyển Việt Nam từ năm 2016 đến 2018.
Thậm chí, anh từng gặp sự cố rất lớn với cựu trợ lý Lê Sỹ Mạnh CLB Hải Phòng vào năm 2017 dẫn đến chấn thương nặng vào cuối năm 2017. Đó cũng là lúc mà người ta đã nghĩ Văn Lâm sẽ nói lời chia tay bóng đá Việt Nam.
Nhưng nghị lực chính là thứ vũ khí quan trọng nhất để Văn Lâm có được thành công như bây giờ. Sau biến cố chấn thương ấy, Văn Lâm dành 6 tháng để điều trị dứt điểm vêtë đau ở cổ chân trái với chuyên gia vật lý trị liệu Pablo Sawicky và HLV thủ môn Jason Brown. Những chuyến đi tốn cả triệu bạc từ Hải Phòng ra Hưng Yên rồi ngược lại trong năm 2018 cứ đều như vắt chanh.
Rồi suốt giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán, Văn Lâm một mình ở Hải Phòng, sống chung với phòng gym. Đó cũng là đòn bẩy để Văn Lâm trở lại đầy mạnh mẽ trong màu áo Hải Phòng tại V.League 2018, trước khi lập kỷ lục về chuỗi trận sạch lưới liên tiếp tại AFF Cup với tổng thời gian là 405 phút.
Sau khi cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 rồi toả sáng để vào đến tứ kết Asian Cup 2019, anh đã được Muangthong United của Thái Lan chiêu mộ trước khi tới Cerezo Osaka của Nhật Bản đầu quân như hiện nay.
Adriano Schmidt cần thời gian ở ĐT Việt Nam Đây là một giai đoạn khó khăn với đội tuyển Việt Nam. Bởi tính đến hiện tại, lực lượng trong tay ông Park đã bị sứt mẻ đáng kể vì dịch COVID-19 và chấn thương. Đương nhiên, đó cũng là cơ hội để Adriano Schmidt, cầu thủ Việt kiều có thể chen chân vào một trong ba vị trí trung vệ của đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng cơ hội ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam, như nguyện vọng từng kéo dài suốt 5 năm qua của Adriano Schmidt khó lòng thành hiện thực. Nên nhớ rằng trong trận đấu tập mà đội tuyển Việt Nam thắng 2-0 U23 Việt Nam cách đây 2 ngày, Adriano Schmidt đã không chứng minh được nhiều khi được HLV Park Hang-seo thử nghiệm. Anh lạc nhịp trong cách chơi của đội tuyển Việt Nam, bị động trong xoay xở và có phần chậm chạp khi đeo bám. Tất nhiên, cũng phải hiểu rằng Adriano Schmidt mới chỉ có lần đầu tiên lên tập trung đội tuyển Việt Nam. Nhưng cũng từ đó, giới mộ điệu cũng hiểu rằng không phải cứ là cầu thủ Việt kiều lên đội tuyển Việt Nam là lập tức có được thành công như mong đợi. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo nhiều nguồn tin, Hà Nội FC đang cố gắng đàm phán để giữ chân Quang Hải sau khi đôi bên tưởng chừng đã đường ai nấy đi.