Bùi Tiến Dũng và 2 năm đầy thăng trầm: "Người hùng Thường Châu" lạc lối
Sai lầm của Bùi Tiến Dũng trong trận đấu với U23 Triều Tiên nói lên nhiều điều về anh trong 2 năm qua.
Cũng vào khoảng thời gian này năm 2018, các CĐV Việt Nam đang ngây ngất với màn trình diễn của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, với điểm nhấn là phong độ tuyệt vời của Bùi Tiến Dũng trong khung gỗ. Thủ môn gốc Thanh Hóa tỏa sáng trong cả 2 loạt sút luân lưu ở tứ kết và bán kết, đưa U23 Việt Nam lập hết kỳ tích này đến thành tích khác. “Người hùng Thường Châu”, đấy là những gì người ta gọi anh sau chiến công lịch sử đó.
Bùi Tiến Dũng cần một khoảng lặng để nhìn lại mình
Thế nhưng những gì xảy ra sau đó là một thế giới đầy cạm bẫy với Dũng. Trở về từ Thường Châu, thủ thành này trở thành gương mặt đại diện cho vô số nhãn hàng, được truyền thông săn đuổi, vụt biến thành cầu thủ được hâm mộ bậc nhất Việt Nam, thậm chí còn được đưa lên trình diễn thời trang. Anh bỗng nhiên trở thành người nổi tiếng trong làng cầu thủ Việt.
Dũng có thần thái của một người tạo ra tầm ảnh hưởng. Anh có tài năng đã được kiểm chứng ở một trong những giải đấu trẻ uy tín nhất châu lục. Anh có vẻ ngoài bắt mắt và một thể hình lý tưởng. Những cầu thủ như anh có thể tạo ra một làn sóng mới cho các cầu thủ Việt, thúc đẩy họ chăm chút cho cả chuyên môn lẫn danh tiếng, để vươn tầm ra thế giới.
Để có thể trở thành tấm gương cho cả một thế hệ cầu thủ Việt, Dũng phải thể hiện được mình trên sân đấu, phải có được những danh hiệu. Nhưng sự thật là Dũng đã trượt những bước rất dài trên con đường sự nghiệp.
Anh mắc lỗi trực tiếp vào hai bàn thua của Thanh Hóa trước Bình Dương ở trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2018, với một pha đấm bóng vào lưới và một cú đá bóng trúng chân cầu thủ đối phương nẩy vào lưới. Chuyển sang CLB Hà Nội những tưởng là một trang khác trong sự nghiệp của Dũng, nhưng anh gần như không được bắt chính. Dẫu vậy, anh vẫn là thủ thành số 1 của U22 Việt Nam dự SEA Games 30.
Nơi đó chứng kiến một trong những sai lầm trớ trêu nhất của một thủ môn, khi Dũng bắt hụt bóng từ một tình huống không quá phức tạp, tạo điều kiện cho cầu thủ Indonesia lao vào đánh đầu ghi bàn. Với sự vươn lên mạnh mẽ của Văn Toản, những tưởng Dũng sẽ bị mất chỗ ở U23 châu Á 2020, nhưng không, anh vẫn được thầy Park tin tưởng. Thế rồi Dũng “tắm hai lần trên một dòng sông”, với một sai sót gần như tương tự ở SEA Games, góp thêm cay đắng cho một giải đấu thất bại của U23 Việt Nam.
Một pha cản phá của Dũng ở trận gặp U23 Jordan
Hai năm trước, Dũng là người hùng của bóng đá Việt Nam, với những lời tung hô và khen ngợi. Hai năm sau, anh chỉ còn là cái bóng của chính mình. Dũng thật giống với trường hợp của thủ thành Phí Minh Long của CLB Hà Nội, người gần như đã không thể cứu vãn được sự nghiệp sau cơn ác mộng mang tên Thái Lan tại SEA Games 2017.
Nhưng khác với Long, Dũng vẫn còn những điều để người ta hy vọng. Anh đã thể hiện sự chắc chắn, quyết tâm lớn, và những pha cứu thua mười mươi ở 2 trận hòa của U23 Việt Nam trước U23 Jordan và U23 UAE. Câu chuyện về kiểu “sai lầm hệ thống” của Dũng thật sự rất đáng buồn, nhưng không phải là Dũng không còn cơ hội để sửa sai.
Anh đã chuyển tới một CLB mới, nơi anh chắc chắn có được suất bắt chính. Tại TP.HCM, Dũng sẽ được tận hưởng bầu không khí của cả V-League lẫn đấu trường châu Á, nếu may mắn thậm chí là AFC Champions League. Không khí tranh đấu cho thành công và thời gian ra sân thường xuyên chắc chắn sẽ giúp Dũng cải thiện về mặt kỹ năng cũng như tâm lý thi đấu.
Dũng nói trên trang cá nhân rằng tuổi 23 của anh đã kết thúc. Nhưng tuổi 24 và cả một chặng đường tương lai trước mắt Dũng, sẽ đầy ắp thử thách và chinh phục. Mọi vấn đề của Dũng bây giờ, là tập trung vào chuyên môn và đưa mình trở lại đúng vị thế mà người ta từng nhìn thấy ở anh.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình huống đấm bóng bay ngược vào lưới nhà đã xóa nỗ lực trước đó của Tiến Dũng.