Brexit ám bóng đá Anh
Quyền biểu quyết “Brexit” rời khối EU của người dân Anh không chỉ là tiền đề cho những biến động mạnh mẽ trên chính trường nước này mà còn là nỗi lo canh cánh cho NHM giải Ngoại hạng Anh.
Trong bối cảnh giá trị bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đang bùng nổ những năm gần đây, việc Vương quốc Anh rời EU chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy, tất nhiên, không phải chuyện “ngày một ngày hai” mà là của tương lai từ 2 đến 10 năm nữa đối với sân chơi bóng đá được cho là hay nhất hành tinh này.
Leicester vừa vô địch Premier League mùa trước
Một khi Anh trở thành quốc gia ngoài EU, việc cấp phép lao động cho các cầu thủ ngoại sẽ được xem xét theo hướng nghiêm ngặt hơn, cụ thể là tiêu chí thi đấu tối thiểu 30% tổng số trận của đội tuyển nước họ trong 2 năm gần nhất sẽ được tính tới đầu tiên. Khi đó, ngay cả cầu thủ đến từ các quốc gia khối EU cũng phải chịu ràng buộc bởi những điều khoản không khác mấy so với cầu thủ đến từ Nam Mỹ, châu Phi hoặc châu Á.
Trong khi Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh sớm đưa ra tuyên bố sẽ góp ý chính sách để bảo vệ các cầu thủ nước ngoài đang thi đấu tại Anh, tương lai của các ngoại binh tại sân cỏ ngoại hạng Anh chắc chắn cũng bấp bênh hơn xưa rất nhiều.
Anh rời EU, mệnh giá đồng bảng hẳn không còn giữ nguyên giá trị như trước, đồng nghĩa với việc các CLB phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi chuyển nhượng cầu thủ. Khi đó, khả năng sức thu hút của Premier League bị “sang tay” những giải đấu thuộc khối EU như La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức), Serie A (Ý) hay Ligue I (Pháp)... hoàn toàn có thể xảy ra.
Khó khăn chưa hiện hữu nhưng đến thời điểm này, sân cỏ nước Anh vẫn khá trầm lắng không như cùng kỳ các mùa giải trước. Chân sút hàng đầu G.Higuain chính thức quay lưng với đề nghị trị giá 42 triệu bảng kèm theo O.Giroud từ Arsenal để “bắt tay” với Juventus, đội bóng chịu chi đến 58 triệu bảng cùng hai cầu thủ tên tuổi khác cho Napoli.
MU của Mourinho vẫn sẽ có sức hút rất lớn
Tương tự, dù M.U treo giá đến 100 triệu bảng nhưng khả năng thất bại với phi vụ P.Pogba là rất lớn khi ngôi sao người Pháp chưa quên được nỗi bẽ bàng của những ngày lận đận tại chính sân Old Trafford trước đây.
Hợp đồng chuyển nhượng thành công nhất tính đến nay của các CLB Anh chính là việc đưa M.Batshuayi từ Marseille về Chelsea với giá 33 triệu bảng Anh. Khoản chi phí này quá bé ngay tại đội bóng của ông bầu tỉ phú Roman Abramovich và vì thế, chỉ như “hạt cát bỏ biển” trước khả năng phóng tay của các “đại gia” xứ sở sương mù. 56 triệu bảng cho chữ ký của bộ đôi E.Bailly, H.Mkhitaryan (M.U), 18 triệu cho Nolito (Man City)… chính là những ví dụ thể hiện sự thất thế của sân cỏ ngoại hạng Anh.
Cũng cần nhắc thêm, tên tuổi đình đám nhất châu Âu lúc này là Z.Ibrahimovic cũng chỉ cập bến M.U bằng một hợp đồng chuyển nhượng tự do, điều khó tưởng tượng cách đây ít năm.
Giải Ngoại hạng Anh đành bằng lòng với những vụ áp-phe “cây nhà lá vườn”, cụ thể là vụ chuyển nhượng “nội bộ” trị giá đến 50 triệu bảng, nhiều khả năng sẽ đưa trung vệ trẻ J.Stone từ Everton cập bến Man City. N’Golo Kante kiên quyết rời Leicester để đến Chelsea với khoản chi 32 triệu bảng của đội bóng thành London. Ngay đến “Cầu thủ xuất sắc nhất Euro” D.Payet cũng chỉ được hét giá 100 triệu bảng cho… vui là chính bởi West Ham sẽ còn lại gì nếu bán đi ngôi sao sáng nhất của mình?
Cũng có thể lý giải, Euro 2016 vừa kết thúc nên các vụ chuyển nhượng giờ mới được các CLB Anh đẩy nhanh tiến độ. Có quá muộn không khi cuối tháng này, hầu hết các đội đều phải lên đường tập huấn nước ngoài theo đúng thông lệ? Hay “Brexit” đã bắt đầu thể hiện quyền uy và tầm ảnh hưởng?