Brazil: Hào nhoáng nhưng cũng rất xù xì gai góc
Confederations Cup 2013 được gọi là giải đấu tiền World Cup và thông qua nó, người hâm mộ có thể hình dung về con người cũng như phong cách chơi bóng của các đội tuyển ở giải đấu lớn 12 tháng sau.
Có thể nhận thấy điều đó rất rõ nét ở đội tuyển Brazil, khi HLV Luiz Felipe Scolari đưa 17 cầu thủ vô địch một năm trước vào danh sách đăng ký cho World Cup 2014.
Neymar là ngôi sao lớn nhất của Brazil ở cả hai giải đấu. Có hai thống kê quan trọng liên quan đến chân sút tài năng này. Thông tin thứ nhất, Neymar là cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất Confeds Cup 2013, 30 lần. Thông tin thứ hai, chính Neymar là người phạm nhiều lỗi nhất giải, 17 lỗi.
Neymar có thể là đối tượng bị tìm và diệt…
Con số 30 lần bị phạm lỗi của Neymar, bình quân 6 lần/trận, có lẽ chẳng khiến ai ngạc nhiên. Lối chơi của cựu tiền đạo Santos rất khó chịu với đối thủ, anh thường xuyên có những pha rê dắt, những cú đảo chân qua người khiến các hậu vệ nóng mặt. Neymar cũng đặc biệt nguy hiểm ở khu vực xung quanh vòng cấm bởi tài sút xa siêu hạng và khả năng đá phạt trực tiếp rất tốt. Bởi vậy, phạm lỗi từ xa, tránh khu vực báo động là lựa chọn của rất nhiều cầu thủ khi đương đầu với tiền đạo 22 tuổi.
Nhưng còn con số 17 lần phạm lỗi có thể là một điều ngạc nhiên nho nhỏ đối với khán giả bởi Neymar là một ngôi sao tấn công, không phải ngôi sao phòng ngự. Và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng đứng ngay sau Neymar là Oscar, cầu thủ cũng phạm tới 14 lỗi, gấp đôi số lần anh sắm vai nạn nhân (7 lần).
Neymar chơi 412 phút tổng cộng và phạm 17 lỗi, trong khi Thiago Silva chơi đủ 5 trận trọn vẹn và phạm 7 lỗi, còn David Luiz thậm chí chỉ phạm 5 lỗi trong 5 trận. Điều đó có nghĩa là số lần truy cản trái phép của Neymar còn cao hơn 2 trung vệ ở phía sau cộng lại. Sergio Ramos đá 435 phút, phạm 10 lỗi. Diego Godin nổi tiếng đá rắn cũng chỉ mắc 8 lỗi sau 390 phút. Hay Gerard Pique thậm chí chỉ có 3 lần phạm lỗi sau 368 phút thi đấu. Quả là nghịch lý!
Sự phi lý ấy thể hiện rõ nét triết lý bóng đá của Scolari và một lần nữa khẳng định tên tuổi của ông, một con người đề cao tính thực dụng nhưng vẫn biết cách chơi ép sân và quan trọng là đầy hiệu quả.
… Nhưng chính Neymar cũng thường xuyên phạm lỗi
Đội tuyển Brazil đã thay đổi chóng mặt kể từ sau trận thua Hà Lan ở tứ kết World Cup 2010. Carlos Dunga ra đi ngay sau giải đấu và thay thế bởi Mano Menezes. Dunga là một HLV thực dụng đến mức có trận dùng 3 tiền vệ phòng ngự, trong khi Menezes ở phía đối nghịch. Ngay khi lên nắm quyền, Menezes liền loại bỏ các cựu binh và triệu tập những ngôi sao tấn công trẻ trung như Neymar hay Oscar. Về mặt lối chơi, Menezes tỏ ra cực kỳ phóng khoáng với tham vọng đưa Brazil trở lại thời hoàng kim năm 1970.
Dĩ nhiên là Menezes đã nhanh chóng thất bại bởi Brazil của ông không biết làm gì khi đối thủ chơi phòng ngự số đông, trong khi kiểu chơi tấn công nửa sân để lộ ra những khoảng trống chết người bên phần sân nhà cho đối phương tha hồ khai thác.
Mano Menezes bị sa thải, Felipe Scolari trở lại và làm cách mạng ngay lập tức. Ông trở lại với phương án dùng trung phong cổ điển (Fred). Ông tái sử dụng tiền vệ phòng ngự càn quét phía trên cặp trung vệ, đầu tiên là Luiz Gustavo và sau là Paulinho. Scolari không chủ trương thay đổi về mặt con người, nòng cốt đội hình Brazil bây giờ do Menezes xây dựng, nhưng lại khoác lên những con người ấy một tấm áo hoàn toàn mới.
Trong triết lý bóng đá của Scolari, tiền đạo chính là hậu vệ đầu tiên. Brazil của ông vẫn chơi ép sân và vẫn lấy tấn công làm đầu, giống như Menezes, nhưng cũng chuẩn bị rất tốt phương án chống phản công. Ngoài Paulinho là chốt chặn của hệ thống phòng ngự từ xa thì những Neymar, Oscar, Hulk cũng được yêu cầu phải phạm lỗi ngay bên phần sân đối thủ ngay khi mất bóng.
Scolari biến Brazil và các ngôi sao thành những người hai mặt
Scolari đã khẳng định phong cách từ những năm 1990. Khi còn ở Palmeiras năm 1999, Scolari từng nói về quan điểm bóng đá của mình như sau: “Một cầu thủ chỉ chơi tốt nếu anh ta biết cách phạm lỗi, một cú đẩy, một cái kéo áo kín, một cái huých vai…, phạm lỗi kiểu ấy ít khi bị trọng tài phạt mà lại khiến đối phương không thể tổ chức tấn công”.
Phong cách của Scolari có thể khái quát hóa như sau: các cầu thủ cố gắng giữ bóng trong chân và ngay khi để mất thì phải cướp lấy hoặc phải phạm lỗi để ngăn đối phương gây thiệt hại cho mình. Neymar và Oscar đã làm rất tốt, trong khi Willian cũng thấm nhuần kiểu chơi này trong các buổi tập.
Brazil hiện nay mang hai vẻ mặt, một hào nhoáng, một xù xì gai góc. Tính hai mặt cũng thể hiện ở các cầu thủ của Scolari.