Bosnia &chiếc Cúp hơn cả vô địch thế giới
Các cầu thủ Bosnia thi đấu trước hết là để cho người dân của mình được tự hào.
Đêm xuống, nhưng adrenaline trong máu những người Bosnia lúc ấy mới bắt đầu bình minh. Hàng ngàn người tập trung tại Laisves Aleja, con phố chính của Kaunas, ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nước này trước Lithuania và lần đầu tiên được dự một giải đấu quốc tế lớn của họ. Tất cả bắt đầu hát: “Nema vise baraza!” (Không phải chơi play-off nữa!)
Họ không nói về chiến thắng. Niềm vui chỉ đơn giản thế thôi: Không phải đá play-off nữa. Cũng như cách đây gần 20 năm, người Bosnia cười trong nước mắt và những nỗi đau còn nóng hổi: Không còn chiến tranh nữa. Cuộc chiến đã cướp đi 100 nghìn sinh mạng và đẩy hơn 2 triệu người vào tình cảnh vô gia cư.
Những nỗi đau nhắc lại
Đất nước chỉ có gần 4 triệu dân ấy (còn kém cả dân số ở thủ đô Hà Nội, 6.5 triệu người) đã trải qua vô vàn thử thách để được đứng trên đôi chân của chính mình. Và sau ngày độc lập, thì bóng đá cũng là một nỗi đau khác. Bosnia luôn vấp ngã ở ngưỡng cửa cuối cùng đến một giải đấu lớn.
Điều đó đã xảy ra vào năm 2004, khi thế hệ đầy tài năng của Hasan Salihamidzic, Sergej Barbarez, Mo Konjic và Elvir Bolic không thể đánh bại Đan Mạch và đành phải xem EURO tại Bồ Đào Nha qua ti vi.
Hai năm sau, họ thất bại trước Serbia & Montenegro tại Belgrade trong một trận play-off khác, nhưng lần này là ở World Cup 2006.
Thế hệ hiện tại, dưới sự dẫn dắt của HLV Miroslav Blazevic, đã từng có cơ hội viết tên mình vào lịch sử ở vòng loại World Cup 2010, nhưng đã bị Nam Phi từ chối cũng sau một thất bại ở loạt play-off trước Bồ Đào Nha. Tiếp theo, Bosnia lỡ hẹn với EURO 2012, cũng bởi… play off.
“Tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu chúng tôi về thứ ba, thay vì lại đi đá play-off” – Adi Hodzic, một CĐV Bosnia 29 tuổi, cho biết trên ESPN: “Tôi sẽ không xem trận đấu ấy. Không xem tí nào luôn. Tôi nghĩ tôi khó mà sống sót nổi nữa.”
Khi trọng tài người Đức Felix Zwayer thổi hồi còi kết thúc trận đấu vào đêm thứ Ba, trong giây lát, các khán đài dành cho CĐV Bosnia im lặng. Họ hỏi nhau: Có thật không đấy? Họ thực sự làm được rồi à? Có gì sai không? Và có ai đó thì thầm lại với họ: “Các bạn thực sự làm được rồi. Các bạn đã ở World Cup.”
Đó là niềm vui thật nhỏ bé với các đội tuyển lớn, như Brazil, Tây Ban Nha, những người đã quá quen với VCK Cúp Thế giới. Những người không còn phải quan tâm đến việc làm sao để tới World Cup. Với họ, thất vọng là không giành được Cúp Vàng.
Niềm vui của NHM Bosnia
Nhưng đôi khi, nhìn những cảnh tượng trên sân sau khi trận đấu kết thúc, chúng ta cảm thấy nổi da gà hơn cả việc được chứng kiến một đội tuyển vô địch thế giới. Người Bosnia lóng ngóng và không biết cách nào để ăn mừng nữa. Một số quỳ sụp xuống như cầu nguyện, còn những người khác chỉ ngồi đó và khóc. Trên sân, các cầu thủ chạy quanh các khán đài với đôi mắt sáng rực và niềm vui khôn tả. Đó dường như là khoảnh khắc của cả cuộc đời.
“Tôi không thể tin được là điều này đã xảy ra” – Tiền vệ Miralem Pjanic bật khóc thốt lên trên kênh truyền hình quốc gia. “Đây là lý do tôi chơi bóng đá – Cái cảm giác này.”
Hạnh phúc giản đơn
Không một cầu thủ nào chưa từng ước mình đứng trên đỉnh cao thế giới, nhưng hạnh phúc đôi khi chỉ giản dị như vậy. Cúp Vàng thế giới chỉ có một, trong khi có đến 205 đội tuyển quốc gia, và hàng trăm nghìn cầu thủ chuyên nghiệp trên hành tinh này: “Đây là một trong những ngày tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của chúng tôi, một câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể cho con cháu mình nghe” – Asmir Begovic, thủ môn của Stoke City, nói. “Và chúng tôi sẽ làm hết sức mình tại Brazil, để khiến người dân của mình tự hào.”
Các cầu thủ Bosnia đã chơi rất hay
Các cầu thủ Bosnia có lẽ không phải chỉ được dẫn dắt vì mục tiêu vượt qua vòng loại. Họ chơi trước hết là “để cho người dân của mình được tự hào”, để những nỗi đau còn chưa xa được xoa dịu, để dân tộc này cho cả thế giới biết rằng đây không còn là đất nước của chiến tranh, xung đột và sắc tộc. Đây là một đất nước của bóng đá và niềm vui đang đâm chồi.
Đó là một câu chuyện đầy cảm hứng. Không phải đội tuyển nào cũng là Brazil hay TBN, nhưng không có nghĩa là họ sẽ không dấn thân vì một mục tiêu có ý nghĩa. Không phải ai trong chúng ta cũng có đủ năng lực để trở thành người giỏi nhất, nhưng nếu sống hết mình và được dẫn dắt bởi một động cơ có ý nghĩa, thì một ngày, ai cũng có thể được trải qua cái cảm giác mà Pjanic đã mô tả rằng “đó là lý do để tôi chơi bóng đá.”
Chúc cho tất cả các độc giả một lần được trải qua được cảm giác gai người ấy. Không phải là nhà vô địch mới thấy được hạnh phúc đích thực, giống như những gì mà người Bosnia vừa mới trải qua.