Bóng đá VN & tiền thưởng: Từ 1 triệu đô xuống số 0
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc hẳn vẫn chưa quên câu chuyện bầu Đức và Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (nhiệm kỳ VI) treo thưởng cho U23 Việt Nam lên tới 22 tỷ đồng tại SEA Games 26.
3 năm đã trôi qua, số tiền tương đương 1 triệu USD lúc ấy cho tới bây giờ vẫn là cột mốc lịch sử trong làng bóng Việt. Tuy nhiên, với suy nghĩ mới của những người làm bóng đá, và cả nguyên nhân khách quan từ những khó khăn tài chính, chuyện thưởng "tiền tấn" cho các đội tuyển quốc gia giờ đang lùi vào dĩ vãng.
Đội U23 Việt Nam tại SEA Games 26 đã từng được treo thưởng lớn, nhưng họ đã thất bại
Mới đây, sau khi lên nắm giữ chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) hay chính tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã đồng loạt khẳng định. “Đồng tiền đang làm các cầu thủ Việt Nam hư hỏng… và từ thời điểm này VFF sẽ không treo thưởng cho các đội tuyển mỗi khi tham dự giải đấu. Đã lên tuyển thì phải đá vì màu cờ sắc áo”.
Đến đây nhiều người lại nhớ đến những lần vung tay treo thưởng “vô tiền khoáng hậu” của VFF, các nhà tài trợ.
Ngoài chuyện bầu Đức, hay ông Lê Hùng Dũng (khi ấy là đại diện của nhà tài trợ) tuyên bố trước toàn đội U23 Việt Nam trên đất Lào tại SEA Games 26 rằng nếu vô địch, thầy trò HLV Calisto sẽ bỏ túi 22 tỷ đồng, thì cũng chỉ cách đây 1 năm tại SEA Games 27, nguyên Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung bay từ Việt Nam sang Mynamar để tuyên bố trước toàn đội, nếu vô địch VFF sẽ thưởng 2 tỷ đồng.
Hay mới đây, khi bóng đá nữ đứng trước vận mệnh lịch sử cho tấm vé dự VCK World Cup bóng đá nữ, người ta cũng nghe nhiều đến việc VFF, hay một số đơn vị hứa thưởng đến cả chục tỷ đồng.
Đó còn chưa kể đến những khoản tiền thưởng nóng sau mỗi trận đấu, mỗi giải đấu mà cho tới thời điểm này, nếu người ta thống kê ra có lẽ sẽ rất nhiều…Tuy nhiên, những mức treo thưởng kỷ lục đó đến thời điểm này đa số vẫn chỉ là “thưởng hụt”.
Chỉ có 1 lần các tuyển thủ đón nhận “cơn mưa” tiền thưởng thật. Đó là thời điểm thầy trò HLV Calisto lên ngôi cao nhất của bóng đá Đông Nam Á (2008), toàn đội đã bỏ túi khoản tiền thưởng 10 tỷ đồng từ VFF, các “Mạnh Thường Quân”.
U19 Việt Nam tạo dấu ấn ở giải U19 Đông Nam Á và không có chuyện treo thưởng cho đội
Còn thời điểm này, chuyện "tung tiền tấn" để treo thưởng cho các đội tuyển thi đấu các giải quốc tế đã không còn rầm rộ như trước, thậm chí nhiều người trong cuộc đã thay đổi cách làm.
Khi U19 Việt Nam (nòng cốt là Học viện bóng đá HAGL Arsenal-JMG) có những màn thể hiện đầy thuyết phục tại 2 giải đấu gần đây là U22 và U19 Đông Nam Á, những người có trách nhiệm tại VFF đã tuyên bố những cầu thủ trẻ này không được phép nhận thưởng, hoặc sẽ không có tiền thưởng.
Cách đây mấy ngày, Olympic Việt Nam tạo “cơn địa chấn” tại Asiad 17 khi đánh bại đối thủ lớn Iran và đã chắc chắn có mặt vòng 1/16, một chiến tích đầy tự hào của bóng đá Việt Nam. Nếu không phải thời điểm khó khăn như lúc này, có lẽ thầy trò ông Miura đã có thể nhận khoản tiền thưởng đáng kể cho thành tích trên.
Câu chuyện tiền thưởng với bóng đá Việt Nam đang bị lắng xuống thời hậu kim tiền. Cũng chính vì thế mà khi ĐT Việt Nam chuẩn bị hướng tới AFF Cup 2014 trên sân nhà, “cảnh đói thưởng và nói không với tiền thưởng” vẫn đang được VFF và các "Mạnh Thường Quân" thực hiện triệt để.
Bởi đó là cách mà VFF hay những nhà làm bóng đá đang muốn hướng tới. Họ đang “nắn” bóng đá Việt Nam đến với những thành công với tiêu chí nói không với “doping tiền thưởng” để các cầu thủ toàn tâm toàn ý cống hiến cho tập luyện, thi đấu trên sân, thay vì lăn tăn chuyện được thưởng như thế nào mới thể hiện tinh thần thi đấu trên sân.
Đá tốt, chắc chắn các tuyển thủ quốc gia sẽ được thưởng tương xứng sau đó, chứ không phải treo thưởng thật lớn thì đội tuyển mới có thành tích.
Video Olympic Việt Nam đánh bại Olympic Iran 4-1 tại vòng bảng ASIAD 2014: