Bóng đá VN: Nhìn vào sự thật thay cho vẻ hào nhoáng
Cái thua toàn diện trong trận play-off tranh vé dự World Cup 2015 trên sân nhà giúp những nhà điều hành bóng đá hiểu về chương trình lẫn chiến lược đầu tư cho bóng đá nữ nước nhà nhiều hơn.
Xét cho cùng cái thua của đội nữ Việt Nam trong trận play-off và vuột mất chiếc vé dự World Cup cũng giống cái thua trong trận chung kết SEA Games 22-2003 của bóng đá nam. Đối tượng trong hai trận thua đấy đều là bóng đá Thái Lan.
Từ Mỹ Đình 2003 đến Thống Nhất 2014
Hồi đấy, sau trận thua của đội U23 Việt Nam trên sân Mỹ Đình, một số quan chức của ngành thể thao đã trách móc những nhà làm bóng đá thời bấy giờ là không biết tận dụng thời cơ vì trước đó đội Thái Lan sợ đá sân Mỹ Đình đến độ đề nghị cho máy bay trực thăng hạ cánh xuống sân để đưa cầu thủ rời sân sau trận đấu. Tuy nhiên, đại diện BTC SEA Games khi ấy là ông Hoàng Vĩnh Giang đã cam kết rằng Việt Nam đảm bảo được công tác an ninh và sẽ không có một cầu thủ Thái Lan nào bị “tai nạn”, dù sân Mỹ Đình luôn đông nghẹt và dù người hâm mộ Việt Nam mong chiếc HCV đến cỡ nào.
Nhắc chuyện 11 năm trước mà Việt Nam mất HCV SEA Games để thấy tiếc cho cơ hội bị đánh mất lớn như thế nào. Điều mà sau này chính ông Hoàng Vĩnh Giang cũng trách ngược những nhà làm bóng đá là không biết tận dụng thời cơ thuận lợi mà không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới có lại
Tuần qua, bóng đá nữ thua Thái Lan trong trận play-off ngay trên sân Thống Nhất lại nằm ở khía cạnh khác. Về lực các cầu thủ nữ thua xa các cầu thủ Thái Lan, khác với đội nam SEA Games 2003 chỉ thua trong những khoảnh khắc và tình huống nhất định.
Bây giờ, khi bình tĩnh lại mới thấy giấc mơ World Cup dang dở khiến nhiều người buồn chứ không tiếc
Gieo và gặt
Bây giờ, khi bình tĩnh lại mới thấy giấc mơ World Cup dang dở khiến nhiều người buồn chứ không tiếc, bởi so với Thái Lan thì chúng ta đầu tư quá ít và quá kém cho các cô gái vàng đi đá bóng.
Mới đây, trả lời một tờ báo, Tổng cục Phó Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn, cũng từng là Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ VI, chia sẻ: “Rõ ràng, chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt. Chiến thắng mới chỉ dựa vào những yếu tố cơ bản: tiền thưởng + tinh thần cầu thủ tốt + với sự lạc quan đám đông! Lẽ ra, chúng ta phải tập trung được sự tư vấn, tương tác, hiến kế của nhiều thành phần trong xã hội, làm sao để đoạt được vé đi dự World Cup với cơ sở cụ thể. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc bóng đá nữ thua Thái Lan cũng là kết cục hợp lý. Về lối chơi, chúng ta vẫn thua từ trong ra ngoài, chơi phòng ngự 3-5-2, thậm chí có lúc 5-3-2, thiếu tự tin. Lực lượng của chúng ta đã già nua, toàn những gương mặt cũ. Trong số đó ai cũng biết quá nhiều em vất vả trường kỳ…”.
Chính Chủ tịch VFF – ông Lê Hùng Dũng sau thất bại trước Thái Lan cũng thừa nhận rằng ai cũng biết phải làm lại từ nền tảng như thế nào để đội tuyển nữ mạnh và phát triển, nhưng vấn đề là tiền đâu khi mà ở trên chỉ rót như thế, còn kêu gọi tài trợ thì rất ít doanh nghiệp quan tâm.
Theo cá nhấn tôi, đội nữ Việt Nam thất bại cũng có cái hay riêng, đó là những nhà làm bóng đá chịu nhìn vào sự thật thay cho vẻ hào nhoáng của danh hiệu hay của lớp áo dự World Cup mà không nhìn vào phần gốc rễ, phần nền tảng.
Thái Lan thắng đội nữ Việt Nam toàn diện bởi họ chuẩn bị tốt hơn và có lộ trình nhiều năm chứ không phải đến mùa thì tiếp sức cho bóng đá nữ bằng “doping tăng trưởng” với liều mạnh là những chuyến tập huấn sau giải vô địch quốc gia èo uột cứ 6 đội đá hoài với nhau.
Nói bóng đá nữ Việt Nam không có doanh nghiệp thiết tha tài trợ là đúng, nhưng chưa đủ. Cứ nhìn vào sức hút của khán giả ở giải VĐQG khi tổ chức trên sân Hà Nam, hay ở trận Việt Nam – Thái Lan thì nhà tài trợ nào không thích. Chỉ có điều là khi họ tài trợ vào đấy thì họ được gì.
Lâu nay những nhà làm bóng đá Việt Nam cứ hay kêu tài trợ và có hoa hồng cho người mang về, nhưng để nhà tài trợ đến và tin yêu rồi xin theo, như những nhà tài trợ vàng Thái Lan theo bóng đá nữ của Thái, đòi hỏi phải có nền tảng ban đầu từ công tác tổ chức và định hướng cho bóng đá nữ.
Có thể xác định khả năng và mặt bằng của bóng đá nữ Việt Nam khi mơ World Cup là trách nhiệm của nhiệm kỳ VI và với nhiệm kỳ VII thì tất cả mới chỉ bắt đầu.
Điều quan trọng là nhiệm kỳ VII sau khi nhìn thấy khả năng thực lực của bóng đá nữ rồi sẽ làm gì.
Hay lại vẫn là điệp khúc như các nhiệm kỳ qua theo kiểu “Khó lắm!”, “Không ai tài trợ!”.
Xét cho cùng việc bóng đá nữ được phân phối lại từ một phần trong gói tài trợ của bóng đá nam sẽ không thể là động lực phát triển tốt. Tiếc là chúng ta vẫn đi theo con đường đấy.
Con đường mà thành tích thì gỡ cho cả nền bóng đá nhưng quyền lợi thì họ vẫn được đầu tư nhỏ giọt từ những gói lớn của bóng đá nam đá hoài không có HCV SEA Games.