Bóng đá VN nên học giải nhà nghề Hàn
Giải nhà nghề Hàn Quốc với tên gọi K-League là đích mà bóng đá Việt Nam nhắm đến sau khi đã học “một khóa” ở giải nhà nghề Nhật Bản (J-League).
Trước tiên cũng cần nhắc đến những tồn tại ở V-League dù đã có quá trình học J-League. Đó là không ít ban tổ chức sân ở V-League rất thích xả cổng để khán giả vào cửa tự do nhằm… mát mặt nhà tài trợ.
Suy nghĩ thay vì để sân không có khán giả thì xả cửa để thượng đế vào ngồi cho… đẹp rõ ràng là không chuyên nghiệp tí nào. Nguy hiểm hơn là cách làm này đã tự hủy hoại chất chuyên nghiệp và tạo thói quen xem bóng đá miễn phí. Điều này đi ngược lại cách làm của những nền bóng đá chuyên nghiệp như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để hút khán giả đến sân, họ đã thay đổi tích cực bằng cách nâng chất lượng trận đấu và công tác tổ chức lên để người hâm mộ thích thú và mua vé vào xem cho bằng được.
Những pha bóng bạo lực đã “giết” đi tình cảm của người hâm mộ. Ảnh: QUANG THẮNG
Thứ đến là công tác đào tạo trẻ, điều mà CLB chuyên nghiệp ở Thai-League, J-League và K-League đều chú trọng phát triển sâu rộng nền móng vững chắc qua việc đào tạo cầu thủ trẻ. Trong khi đó hiện nay 14 CLB chuyên nghiệp Việt Nam chỉ có vài CLB chú trọng đào tạo trẻ bằng lứa năng khiếu thực thụ.
Những nhà làm bóng đá Việt Nam từng tiếp thu công nghệ tổ chức của J-League nhưng đã ứng dụng được gì?
Vấn đề cốt lõi nhất là chất lượng các CLB hiện nay ra sao, chất lượng của những trận đấu V-League thế nào, cầu thủ có thể hiện tính chuyên nghiệp hay không thì có học K-League, hay học từ Serie A, La Liga hay Premier League cũng thế.
Việc xây dựng hình ảnh một CLB đá hay, đá đẹp là điều quan trọng nhưng ở V-League thì nhiều CLB không làm được điều đó thì làm sao xây dựng hình ảnh đẹp để có khán giả thực thụ được.
Những ca chấn thương rùng rợn trên sân, những cách phản ứng của cầu thủ rất vô lễ với trọng tài… đã “giết” đi tình cảm của người hâm mộ và đặc biệt là các phụ huynh đang có ý định đưa con em mình đến với bóng đá.
Chính vì lẽ đó xây dựng tính chuyên nghiệp trong bóng đá đòi hỏi ở mặt giáo dục cho cầu thủ từ bé rất cao nhưng đấy lại là điều mà V-League bỏ lỏng từ rất lâu dù đi học rất nhiều.
Thực chất thì những điều trên lãnh đạo các CLB biết hết nhưng chẳng qua họ không chịu làm mà thôi.
Sang K-League học hỏi cái công nghệ tổ chức là quan trọng nhưng ứng dụng ra sao lại là điều cần thiết mà VPF và VFF cần phải quan tâm việc nâng chất từ chính các CLB và từ công nghệ tổ chức mà ta rất ít đầu tư.
Bóng đá còn quá xa rời với cộng đồng Ở Nhật hay Hàn Quốc các CLB của địa phương họ gắn kết rất chặt chẽ với cộng đồng người dân. Các cầu thủ của đội luôn chia nhau đi đến các trường học nói chuyện nghề, dạy cho học sinh đá bóng, làm từ thiện thường xuyên để tạo mối gắn kết giữa CLB và người dân… nên mỗi khi đội nhà thi đấu là khán giả đến xem đông, cổ vũ… Trong khi đó hầu hết các CLB chuyên nghiệp Việt Nam không có làm điều này. Nếu có thì chỉ mang tính tượng trưng, qua loa mà thôi. Và rõ ràng những điều này thì đâu cần phải ra nước ngoài học hỏi. |