Bóng đá VN: Dấu hỏi về bộ máy lo cho tuyển
VFF khóa VII đã hoạt động, nhưng bộ máy và con người gắn với các hoạt động của khóa VII lại đang là vấn đề khiến người hâm mộ có nhiều băn khoăn.
Khóa VI của VFF là khóa gặp trục trặc lớn trong công tác quản lý và điều hành các đội tuyển liên quan cả đến việc tuyển chọn HLV. Đây là khóa mà cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ bất an vì phần “chìa khóa” điều hành các đội tuyển được trao cho phòng các đội tuyển. Mà nhân sự điều hành bộ phận này thì rõ ràng được dựng lên trong sự ngờ vực của giới chuyên môn.
Chính các HLV và những chuyên gia bóng đá khi nói về câu chuyện các ĐTQG đã đưa ra nhận xét rất đau lòng là “Trao nhiệm vụ rất quan trọng quyết định nhiều đến sự thành bại của một nền bóng đá mà lại đặt vào tay một người không có uy tín, không có chuyên môn và không đủ khả năng thuyết phục lẫn phản biện thì làm sao các đội tuyển có thể khá lên được”.
Ở đây, nhiều người muốn đề cập đến phần việc được trao tay cho ông nguyên Trưởng phòng các đội tuyển Trương Hải Tùng. Ông Tùng từng là bộ đôi thân thiện với HLV Hoàng Văn Phúc và cũng là người từng bị định chỉ khỏi chức trưởng đoàn đội U23 Việt Nam ngay trước SEA Games 27, nhưng rồi cuối cùng vẫn có mặt trong thành phần đội tuyển nữ ở Myanmar và các hoạt động có tính chất lễ lạt…
Chính trong nội bộ VFF khóa VI từng có người đặt ra câu hỏi rằng ông Trưởng phòng các đội tuyển là người của ai, hoặc của “dây” nào mà cứ nghiễm nhiên có phần, có suất trong các hoạt động của các đội tuyển, dù sự hiện diện đấy mờ nhạt và nhiều khi lại là trở lực của đội tuyển…
Ông Trương Hải Tùng (trái) vẫn có mặt trong thành phần đội tuyển nữ
Sang đến nhiệm kỳ VII, khi ông Trần Quốc Tuấn lên làm Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn thì mọi việc lại càng rõ lên. Phòng các đội tuyển chưa thấy được cấu trúc lại và hầu như nó vẫn là hiện thân của phòng cũ với những con người cũ, bất chấp dư luận vốn không hài lòng từ những “sự cố” ở nhiệm kỳ VI.
Cũng từng có những bàn tán được đặt ra xoay quanh chuyện họ là “cạ” với nhau và hay ngồi cùng nhau ở những “phần việc” khác. Tuy nhiên một điểm phải thừa nhận là tính hiệu quả và sự nghiêm túc trong công việc hệ trọng liên quan đến đội tuyển đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ thái độ làm việc đến phần chuyên môn cần phải xem lại.
Thời gian này VFF đang chuẩn bị chọn thầy ngoại và mọi người có quyền lo vì bộ máy tư vấn, thẩm định chưa đủ sức mạnh, chưa quy tụ được người tài, người đủ khả năng để đưa ra các luận chứng hay những phản biện cần thiết.
Ông Trần Quốc Tuấn vốn là Phó Chủ tịch chưa đủ mạnh về chuyên môn nên ông rất cần có những ban, bệ, những người giỏi về chuyên môn ở bên cạnh ông và tư vấn cho ông. Thế nhưng với những diễn tiến đang xảy ra thì người hâm mộ và giới chuyên môn có quyền lo cho vận mệnh của các đội tuyển.
Ở nhiệm kỳ VI, bóng đá Việt Nam cứ lúng túng trong việc chọn thầy, chọn HLV trưởng vì vai trò mờ nhạt của phòng các đội tuyển, những tính toán hậu trường và người cầm trịch không đủ uy tín khiến nhiều HLV giỏi từ chối tham gia. Họ từ chối không phải vì sợ trách nhiệm mà đa phần vì những người mời mình hợp tác không đủ cơ và đủ uy tín để tin tưởng sẽ có cuộc làm việc tốt ở tương lai.
Một phòng các đội tuyển cần được điều hành bởi người giỏi, người đủ năng lực và có uy tín lẫn biết việc để có thể quy tụ được nhiều người tài góp sức cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Điều mà ở nhiệm kỳ VI không thể làm được và nhiều khả năng nhiệm kỳ VII sẽ theo vết xe đổ đó.
Một phòng các đội tuyển cần phải có người đứng đầu biết trân trọng và biết quý trí tuệ của Hội đồng HLV quốc gia, thay vì để hội đồng này trở thành “hữu danh vô thực” và đẩy quyền quyết và quyết chưa đúng sang quyền lực của một người ở phòng các đội tuyển.
Tự dưng lại thấy rất lo cho nhiệm kỳ VII khi rập khuôn lại con đường ở nhiệm kỳ VI cùng “bệnh ê kíp” của những người “chung cạ” với nhau hơn là vì cái chung cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.