Bóng đá VN: Đào tạo trẻ không vốn…
Hôm qua, đội tuyển U-14 Việt Nam đã xuất sắc qua mặt chủ nhà Myanmar ở vòng loại U-14 châu Á khu vực Đông Nam Á.
Tiếng là của bóng đá trẻ Việt Nam nhưng thực chất đấy là lứa “gà chọi” của Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF).
Giải Sanix mới đây diễn ra tại Nhật của các đội bóng châu Á, đại diện bóng đá Việt Nam cũng góp mặt nhưng là cầu thủ nhí U-17 của “lò” HA Gia Lai. Hơn 10 ngày ở Nhật có cả các quan chức của VFF đi theo và cầu thủ thì được tặng đồng phục của đội tuyển Việt Nam hẳn hoi.
Hằng năm giải đấu Đông Nam Á Yamaha Cup tổ chức tại các quốc gia trong khu vực, U-13 Viettel luôn khoác áo Việt Nam tham dự. Các lứa U lớn hơn một chút thông thường của “lò” SL Nghệ An hoặc là quân “góp” từ các CLB có truyền thống đào tạo trẻ như Đồng Tháp, Nam Định và gần đây là Đồng Nai.
Chợt giật mình khi nhớ đến cái Trung tâm Đào tạo trẻ VFF khai trương năm 2008 với kinh phí gần 80 tỉ đồng sau năm năm rồi vẫn không thấy bóng dáng cầu thủ trẻ nào.
Lứa cầu thủ trẻ U-14 do Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá (PVF) vừa có thu hoạch tốt ở Myanmar, nhưng đó là việc làm của quỹ chứ không có sự đầu tư của VFF
Nhớ cái hồi Chủ tịch FIFA Blatter đến cắt băng khánh thành, ông trầm trồ với cơ ngơi bề thế của trung tâm rồi không tiếc lời… hy vọng đây là cái nôi đào tạo các tài năng trẻ cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Ông sếp của bóng đá thế giới khẳng định đến sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam nhờ xuất phát điểm từ Trung tâm Đào tạo trẻ này. Nó chính là bộ mặt bóng đá của một quốc gia…
Nhớ lần ấy, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ không giấu nổi niềm tự hào khi đặt nền móng đào tạo trẻ do chính VFF đào tạo hoặc liên kết với các “lò” tư nhân của Học viện HA Gia Lai - Arsenal, Trung tâm Thành Long hay mời các đối tác Bayern Munich, Nhật Bản,…
Tiếc là chiến dịch thay các địa phương đào tạo trẻ thật bài bản kết hợp với việc học văn hóa của VFF vẫn nằm trên giấy và… nghe nói phải đến cuối năm 2014 mới có thể khởi động cái ý tưởng của năm năm trước.
Không ai lo cho cái chức năng rất rõ ràng ở Trung tâm Đào tạo cầu thủ trẻ VFF đã khiến những kế hoạch luôn bị động và giẫm chân tại chỗ trong khi các “lò” tư nhân lẫn địa phương đã chạy thật xa. Vì thế nên nhiều người vẫn nói vui là VFF xây Trung tâm Đào tạo trẻ bằng tiền FIFA nhưng đào tạo trẻ thì không cần vốn.
Tiếc cho đồng tiền của Nhà nước và các gói hỗ trợ của FIFA sử dụng chưa đúng mục đích vì cái chung bởi tư duy nhiệm kỳ của VFF lẫn suy nghĩ cha chung không ai khóc.
Vì sao FIFA đổ tiền nhiều cho bóng đá trẻ Việt Nam? Từ khóa II sang khóa III VFF, FIFA thăm và xem bóng đá Việt Nam là quốc gia nghèo nhưng đầy tiềm năng phát triển bóng đá. Qua những tham khảo, tìm tòi, nghiên cứu rồi đề nghị bóng đá Việt Nam báo cáo, giải trình nhiều thứ, FIFA đưa bóng đá Việt Nam vào danh sách những quốc gia cần được đầu tư để phát triển. Đó là thuận lợi lớn, tuy nhiên giữa việc đầu tư của FIFA và việc thực hiện lại không cùng điểm đến. Những chương trình như Tầm nhìn châu Á đầu tư cho ba địa phương ở Việt Nam là Long An, TP.HCM, Nghệ An đều gãy nặng và phần gặt xem như bằng không. Việc đổ tiền để xây Trung tâm Đào tạo trẻ là công của các nhiệm kỳ trước nhưng nhiệm kỳ V hưởng trọn. Tuy nhiên, phần phải thực hiện thì không đạt và chắc chắn điều đó khiến bóng đá Việt Nam mất điểm rất lớn với FIFA. Rất khó để có những sự đầu tư hoặc rót tiền từ FIFA như vừa qua đến với bóng đá Việt Nam nữa nếu mọi thứ không thay đổi tích cực đặc biệt là phát triển bóng đá trẻ. |