Bóng đá Việt thoát "ao làng": Công Phượng, Xuân Trường nên ra nước ngoài?
Nếu có cơ hội, những ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, v.v... có dám ra nước ngoài thi đấu?
Xem video Công Phượng tỏa sáng ở trận đấu Thanh Hóa - HAGL: (Nguồn OnSports)
Không dễ để một cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu, nhất là ở các giải chuyên nghiệp ở đẳng cấp cao hơn. Nhưng nếu có cơ hội, liệu các cầu thủ Việt Nam có nên tận dụng ngay lập tức, hay chấp nhận một sự nghiệp “an toàn” ở V-League?
Những Xuân Trường, Công Phượng có dám ra nước ngoài lần nữa?
Một thực tế là một số cầu thủ “có số má” ở V-League đã từ chối cơ hội chơi bóng ở nước ngoài khi được mời, bởi họ lo ngại cảnh dự bị ở nơi xa sẽ dẫn tới mất suất ở ĐTQG. Nghiêm Xuân Tú và Văn Quyết là hai ví dụ gần đây nhất, họ có cơ hội ra nước ngoài và Xuân Tú thậm chí đã đi Đức và được phản hồi tích cực từ CLB mình thử việc.
Một số nền bóng đá đã phải cần đến những cầu thủ dám ra nước ngoài để tiến bộ. Nhật Bản của thập niên 1970 vẫn là nền bóng đá nghiệp dư, nhưng sau khi Yasuhiko Okudera dũng cảm từ bỏ công việc ổn định ở công ty điện để khoác áo Koln và Werder Bremen trong 9 năm ở Đức, bóng đá Nhật đã đi một chặng dài để trở thành cường quốc châu Á ngày nay.
Vòng loại World Cup 2018 chứng kiến không ít cú sốc, lớn nhất là sự vắng mặt của Italia & Hà Lan. Nhưng ĐT Mỹ không được dự cũng gây bất ngờ không kém, họ được xem là thế lực hàng đầu của khu vực Bắc Trung Mỹ nhưng lại mất vé vào tay một Trinidad & Tobago bé nhỏ.
Bóng đá Mỹ nhận thất bại đầy tủi hổ tại vòng loại World Cup 2018
Trung vệ Geoff Cameron gần đây đã có một bài viết đầy tâm huyết nói về thực trạng của ĐT Mỹ nói riêng và bóng đá Mỹ nói chung. Từ sau khi HLV Jurgen Klinsmann bị sa thải, ĐT Mỹ đã bắt đầu một quá trình gọi đa số cầu thủ đang đá ở trong nước (giải nhà nghề MLS) vào đội tuyển và ngó lơ những cầu thủ trẻ đang chơi bóng ở châu Âu, với lý do họ muốn thưởng cho những cầu thủ đã ở lại để nâng cao giá trị của giải VĐQG.
Cameron viết rằng mặc dù giữa anh và Klinsmann không thực sự hòa thuận, anh rất đồng tình với chính sách của HLV người Đức. Klinsmann khuyến khích mọi cầu thủ trẻ giàu triển vọng tới châu Âu thi đấu, bất kể họ có phải học tiếng nước ngoài và chịu cảnh dự bị. Cameron viết: “Mấu chốt là ở chỗ đó, Klinsmann muốn các tuyển thủ Mỹ không bao giờ được cảm thấy thoải mái với chính mình”.
Bản thân Cameron là một minh chứng, anh chỉ bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp khi bước sang tuổi 22, rất muộn. Năm 2012 Cameron sang Premier League thi đấu và sẵn sàng đảm trách bất cứ vị trí nào ở Stoke. Nay đã 32 tuổi, Cameron đã có 6 mùa giải với bóng đá Anh, và đá từ trung vệ, hậu vệ phải cho tới tiền vệ.
Hậu vệ người Mỹ Geoff Cameron, người đã vật lộn 6 năm với bóng đá Anh trong màu áo Stoke
Cameron viết: “Kèm những Aguero, Drogba, Hazard hàng tuần khiến tôi trưởng thành. Ở châu Âu, anh phải lăn xả và đổ mồ hôi qua từng ngày để giành & giữ vị trí thi đấu trước những cầu thủ giỏi, không phải trong các trận đấu mà ngay trong những buổi tập. Liệu Sergio Ramos có thể trở thành hậu vệ giỏi nếu hàng ngày không đấu với Cristiano Ronaldo?”.
Cameron kết luận rằng cầu thủ Mỹ, hay cầu thủ ở những nền bóng đá chưa phát triển, hãy sẵn sàng nhận lấy cơ hội được ra nước ngoài chơi bóng ở các giải hàng đầu. “Hãy thể hiện tàn nhẫn, tham vọng, hiếu thắng và dũng cảm. Đừng sợ rời xa gia đình, đừng sợ những ngày cô đơn ngồi trong một căn hộ buồn tẻ, đừng sợ đối đầu với những cầu thủ giỏi nhất và đừng nhụt chí nếu bị những cầu thủ đó đánh bại”, Cameron viết.
Một nền bóng đá như nước Mỹ cũng đang phải chờ đợi có nhiều hơn những con người dũng cảm như vậy để có bước đột phá sau một nỗi xấu hổ mang tên vòng loại World Cup 2018 (và họ đã sẵn có không ít cầu thủ Mỹ ở châu Âu). Vậy còn bóng đá Việt Nam, bao giờ sẽ có những Cameron, những Okudera, sẵn sàng chớp lấy cơ hội để đến một giải bóng đá vượt xa tầm cỡ V-League?
Quang Hải đang có cơ hội trở thành Vua phá lưới của giải U23 châu Á 2018.