Bóng đá Việt Nam và lỗ hổng sau lứa U23
Bóng đá Việt Nam đang có một lứa U23 chất lượng, đồng đều, dày dạn kinh nghiệm.
Có thể khẳng định đây là lứa cầu thủ tốt bậc nhất lịch sử. Mặc dù vậy, đằng sau những Quang Hải, Văn Thanh, Tiến Dũng, Văn Hậu... là một khoảng trống không hề nhỏ.
U16 Việt Nam (phải) bị loại ngay từ vòng bảng Giải U16 Đông Nam Á 2018 - Ảnh: Nhật Đoàn
Dấu hỏi lực lượng kế cận
Cuối năm nay, tuyển Việt Nam sẽ bước vào tranh tài tại AFF Cup 2018, giải đấu đặc biệt quan trọng với bóng đá Việt Nam. Giới chuyên môn đánh giá, HLV Park Hang-seo sẽ trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ lứa U23 dự AFF Cup 2018 bởi trong tay ông đang có một dàn cầu thủ trên dưới U23 cực kỳ xuất sắc, toàn diện. Thành công tại Giải U23 châu Á 2018 và ASIAD 2018 là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này. Mặc dù vậy, phía sau lứa U23 hiện tại, lớp trẻ của bóng đá Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tiếp bước đàn anh.
Nếu tính trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á, U19 và U16 là hai lứa gần với U23 nhất. Nhưng hãy xem U19 Việt Nam làm được gì trong hai năm qua? Thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn hai lần tiếp tiếp bị loại ở Giải U19 Đông Nam Á dù trước đó từng lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại Giải U19 châu Á 2016. Tuyển U16 Việt Nam từng vô địch Giải U16 Đông Nam Á 2017 nhưng tới năm nay phải ra về ngay từ vòng bảng. Về mặt con người, lứa U19 hay U16 Việt Nam cũng không có nhiều cá nhân nổi trội, đáng chú ý giống như lứa U23 cách đây vài năm.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, đó là điều bình thường trong một nền bóng đá. “Đúng là nếu nhìn tổng thể thì tôi chưa thấy những cá nhân có tố chất nổi trội ở lứa U19, U16. Nhưng theo tôi không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngay cả những nền bóng đá phát triển cũng không thể liên tục sản sinh tài năng xuất chúng nên tôi cho rằng không thể đòi hỏi quá nhiều ở bóng đá Việt Nam”.
Trong khi đó, cựu danh thủ Nguyễn Việt Thắng cho rằng, để tạo ra được một lứa cầu thủ giỏi cần cả một quá trình dài: “Từ tấm HCB Tiger Cup 1998, mất 10 năm chúng ta mới có lứa cầu thủ vô địch AFF Cup 2008. 10 năm tiếp mới có lứa U23 hiện tại. 10 năm cũng là chu kỳ để một cầu thủ trưởng thành. Lứa U19, U16 cần thêm thời gian để phát triển”.
Không lo tre già măng chưa mọc
Dù nhìn nhận lớp kế cận của U23 không có nhân tố nổi bật nhưng bình luận viên Quang Tùng cho rằng, nếu đưa ra kết luận thời điểm này thì hơi sớm và có phần bất công với các em: “Hãy để các em được chơi thoải mái, được phát triển theo đúng định hướng. Đúng là cá nhân không xuất sắc nhưng biết đâu các em lại có sự xuất sắc ở khía cạnh tập thể. Tôi lấy ví dụ, lứa U23 hiện tại có một số cầu thủ mới chỉ được phát hiện trong khoảng 1 năm trở lại đây như Văn Đức, Xuân Mạnh”.
Xa hơn, bình luận viên Quang Tùng còn đề cập tới mục tiêu của cả nền bóng đá. “Cần phải làm rõ, chúng ta hướng tới thành tích giải trẻ hay thành tích của đội tuyển quốc gia. Tôi tin rằng, mục tiêu cao nhất vẫn phải là tìm kiếm các nhân tố nổi bật cho đội tuyển quốc gia. Nếu vậy, các lứa trẻ nếu thành công được thì tốt, còn không thành công cũng chẳng sao. Thất bại sẽ là trải nghiệm để cầu thủ trưởng thành hơn trong quá trình phát triển”.
HLV Phan Thanh Hùng của CLB Than Quảng Ninh cũng có góc nhìn tương tự: “Bóng đá trẻ Việt Nam thời gian cho thấy những tín hiệu lạc quan. Bản thân lứa dưới U23 cũng có nhân tố chứ không hẳn là quá thiếu hụt. Nhưng các em cần thêm thời gian để có thể kế thừa lớp đàn anh. Làm bóng đá không thể vội vàng, hấp tấp, quá chú ý vào những thành tích tại các giải trẻ”.
Bên cạnh đó, HLV Phan Thanh Hùng bày tỏ sự lạc quan vào hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. “Chúng ta đang có nhiều lò đào tạo trẻ rất tốt như: PVF, HAGL, Viettel, Hà Nội, SLNA... Ngoài ra, chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư cho đào tạo trẻ. Thế nên, tôi tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ không lo rơi vào cảnh tre già mà măng chưa mọc. Quan trọng là chúng ta giữ vững được hướng đi hiện tại”.
Công Phượng đối đầu nảy lửa Quang Hải khi HAGL tiếp Hà Nội chiều 19/9 ở Pleiku.