Bóng đá Việt Nam và giấc mơ vươn tới Nhật Bản
Việc đưa Công Phượng sang Nhật rèn luyện có thể coi là bước tiến tiếp theo của bóng đá Việt Nam trong nỗ lực đuổi kịp bóng đá Thái Lan và xa hơn nữa là thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á.
Clip thuộc bản quyền VTV:
Rất dễ để thấy mối quan hệ giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường và chú trọng trong suốt một năm qua.
Tháng 5 năm ngoái, ông Miura Toshiya được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá Nam. Gần 9 tháng sau, người đồng hương Norimatsu Takashi đảm nhận chiếc ghế tương tự ở đội tuyển nữ.
V-League 2015 cũng được “thơm” lây nhờ sự xuất hiện của nhà tài trợ chính Toyota. Trong khi những trận đấu cọ xát giữa các đội trẻ 2 nước liên tục được tổ chức.
Công Phượng sẽ sang Nhật thi đấu từ năm 2016
Việc Công Phượng sẽ đầu quân cho đội bóng đang chơi giải hạng 2 J-League Mito Hollyhock có lẽ cũng nằm trong kế hoạch này, dù đó là quyết định từ HAGL. Trong lứa tài năng của đội bóng phố Núi chỉ có một mình ngôi sao xứ Nghệ được đi “du học”.
Thật khập khiễng và vô nghĩa khi so sánh chuyến phiêu lưu sắp tới của Công Phượng với Công Vinh. Người đàn anh đồng hương đến Consadole Sapporo khi đang ở giai đoạn “chín” trong sự nghiệp. Anh có 6 tháng thành công tại xứ sở hoa anh đào với 4 bàn sau 11 trận.
Còn đối với Công Phượng, chàng trai mới 20 tuổi này không “chạy trốn” dù anh thừa nhận sự nghiệt ngã tại V-League. Em còn trẻ và không phải ai cũng có cơ hội thử sức ở một giải đấu hàng đầu khu vực.
Bóng chày là môn thể thao số 1 nhưng người Nhật Bản làm bóng đá vô cùng chuyên nghiệp. Từ đào tạo trẻ đến đội tuyển quốc gia, công tác quản lý của họ rất khoa học và thiết thực. Thậm chí nền bóng đá trường học cũng quy mô và mang tính cạnh tranh cao.
Dù rất muốn nhưng Việt Nam không thể “copy” y chang mọi thứ bởi cách biệt về nhiều yếu tố (kinh tế, cơ sở vật chất…). Chúng ta có lợi thế là tình hữu hòa giữa 2 nước, bên cạnh đó là vóc dáng, tố chất kỹ thuật lối chơi của cầu thủ 2 nước khá tương đồng.
Vấn đề với VFF là họ sẽ học hỏi những gì và như thế nào từ “Những Samurai xanh”. Điều này đòi hỏi những người lãnh đạo vừa phải có tầm nhìn xa trông rộng lẫn cái tâm với nền bóng đá nước nhà.
Việt Nam học J-league, Thái Lan học Premier League Không sai khi nói sức mạnh của một đội tuyển quốc gia được phản ánh qua giải vô địch của nước đó. Sau gần một thập kỷ không lối thoát, Thái Lan đã vươn lên mạnh mẽ kể từ năm 2013 và giờ đây vượt trội hoàn toàn so với khu vực. Tất cả là nhờ “kiến trúc sư” Art Kosingkha qua xứ sương mù học hỏi suốt 2 năm trời rồi về thành lập công ty Thai-League (giống VPF ở Việt Nam). Hiện tại Thai-League đang là giải đấu số 1 Đông Nam Á và được Toyota tài trợ 8 triệu USD, gấp 6 lần khoản tiền hãng xe hơi Nhật Bản này dành cho V-League. |