Bóng đá Việt Nam từng bị Mourinho ám chỉ xấu xí: Làm gì để thay đổi?
Khá nhiều lần bóng đá Việt Nam bị mang ra cho một phép so sánh kém tích cực bởi các HLV và ngôi sao bóng đá nổi tiếng. Câu chuyện ấy giờ đã khác trước rất nhiều với những diễn biến mới của bóng đá nước nhà, nhất là dưới thời HLV Park Hang Seo.
* Bóng đá Việt Nam từng bị nhiều HLV chê đủ điều
Trong các năm 2010 và 2012, HLV Jose Mourinho liên tục dùng bóng đá Việt Nam làm dẫn chứng cho những câu nói của ông.
Khi còn dẫn dắt Inter Milan vào năm 2010, HLV người Bồ Đào Nha gây sốc với phát biểu: "Năm nay, cả Juventus và AC Milan đều có nhiều sự thay đổi về đội hình. Họ đều không phải đối thủ dễ đánh bại. Muốn giành chiến thắng ở bất kỳ giải đấu nào cũng không hề dễ dàng, kể cả ở Việt Nam". Thời điểm đó, nhận định của "Người đặc biệt" như ám chỉ bóng đá Việt Nam ở hạng thấp, không đáng quan tâm.
Mourinho từng 2 lần nhắc đến bóng đá Việt Nam
Đến năm 2012, “Người đặc biệt” khi đó đang dẫn dắt Real Madrid cũng cho rằng ông “thà chuyển kênh để xem một trận đấu ở tận Việt Nam” sau khi cáo buộc trọng tài bắt trận đấu giữa Real và Sevilla “mắc 13 lỗi nghiêm trọng”, đồng thời khẳng định “nếu là một khán giả, tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền để mua vé xem trận đấu này”.
Những người Tây Ban Nha cũng từng có 2 lần “động chạm” đến bóng đá Việt Nam. Trung vệ ĐT Tây Ban Nha Raul Albiol nói về động lực trước trận gặp Australia ở vòng bảng World Cup 2014, cho rằng đây “là một trận đấu tại World Cup chứ không phải một trận giao hữu tại Việt Nam”.
Trong khi đó, báo AS từng ví von trận thua 0-2 của ĐT Tây Ban Nha trước ĐT Chile ở World Cup 2014: “Đừng nói Chile, ngay cả Việt Nam cũng đủ sức đánh bại Tây Ban Nha".
Bên cạnh đó, những người làm chuyên môn có tiếng trên thế giới từng có những nhận xét không mấy thiện cảm về bóng đá Việt Nam sau khi được trải nghiệm.
Cựu HLV CLB TP.HCM, Alain Fiard chia sẻ: “Nhiều cầu thủ đi chơi, uống bia trong khi cầu thủ nước ngoài ăn, tập xong là ngủ để giữ gìn phong độ. Hay tôi nhờ trợ lý chuẩn bị băng hình để phân tích đối thủ, cuối cùng, không ai làm cả và tôi tiếp tục tự làm. Sau khi xem xong, cũng không ai buồn thảo luận”.
Trong đó, một trong những sự vụ đáng chú ý nhất là nhận xét mới đây của cựu GĐTT của CLB Hà Nội Daniel Enriquez trên đài phát thanh El Espectador (Uruguay). Ông này chia sẻ về một dự án đã bị lãng quên dù từng được bầu Hiển và chủ tịch CLB Đỗ Vinh Quang ủng hộ, cho rằng đội bóng “không muốn thay đổi bởi vì đã là một nhà vô địch”.
Thêm nữa, ông Enriquez không đánh giá cao thái độ làm việc của các cầu thủ Việt Nam, ông cho rằng họ “gầy và nhanh nhẹn, nhưng không siêng năng. Họ không bao giờ bước vào phòng gym. Sức mạnh và thể lực bằng không”, và họ còn “không làm việc chăm chỉ” và “3 ngày tập của họ chỉ bằng 1 ngày ở Uruguay”.
Ông Daniel Enriquez (giữa) không mấy ấn tượng với bóng đá Việt Nam
* Vượt "vùng trũng", làm mới bóng đá Việt Nam để không còn "xấu xí"
Với vụ việc bán độ của 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp mới đây, có thể thấy bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để xóa đi những bóng đen tồn tại rất nhiều năm qua, để tạo nên sự chuyên nghiệp từ cầu thủ, HLV đến các câu lạc bộ và cả ở các đội tuyển.
Rào cản trong suy nghĩ của những người làm chuyên môn quốc tế với bóng đá Việt Nam là có thật, nhưng nhìn tổng thể chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai khác với những gì bóng đá Việt Nam đang sở hữu.
VFF, VPF và nhiều CLB đã có những chuyển động đáng chú ý trong thời gian vừa qua, để từng bước xóa bỏ những "vết đen" của bóng đá nước nhà, hướng tới đời sống bóng đá chuyên nghiệp hơn.
Đặc biệt, sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo thực sự đã làm thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta liên tiếp tạo ra tiếng vang ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục, có thêm nhiều cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu (Văn Lâm, Công Phượng, Văn Hậu, Xuân Trường).
Trải nghiệm của những HLV và chuyên gia nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam cũng không hẳn chỉ toàn những điều bất cập, mà HLV Park Hang Seo là ví dụ tiêu biểu hơn cả.
Trước đó, HLV Henrique Calisto có được những khoảng thời gian đáng nhớ với bóng đá Việt Nam, hay như GĐKT Jurgen Gede, HLV Alfred Riedl, cựu HLV thể lực Willander Fonseca từng có những nhận xét tích cực về cầu thủ Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận bóng đá Việt Nam sẽ còn phải đi một chặng đường rất dài nữa để tiến thêm trên nấc thang chuyên nghiệp. Vụ việc 11 cầu thủ bán độ vừa qua là một cú sảy chân không mong muốn và cần phải được kiểm soát chặt chẽ, làm nghiêm khắc, triệt để hơn.
Muốn phát triển, bóng đá Việt Nam cần phải “sạch”, làm bài bản từ đào tạo trẻ, từ các CLB (cái gốc của một nền bóng đá), mà để có được điều đó, không có con đường nào khác ngoài việc những người làm bóng đá phải chung tay, thể hiện bằng hành động mạnh mẽ, thiết thực hơn thay vì những lời nói.
Thứ hạng 94 trên bảng xếp hạng FIFA cho thấy bóng đá Việt Nam đang từng bước phát triển chứ không hoàn toàn chỉ có chuyện tiêu cực và cách làm bóng đá như mò mẫm trong bóng tối. Việt Nam đang dần vượt lên khỏi “vùng trũng” bóng đá Đông Nam Á để vươn tới những thử thách ở cấp cao hơn. Lứa cầu thủ hiện tại của bóng đá Việt Nam có thể được coi là “Thế hệ vàng 2.0”, với những kiến thức và hiểu biết nhiều hơn về cuộc chơi hiện đại, kể cả về ngoại ngữ vốn là điểm yếu của phần lớn các cầu thủ "quần đùi, áo số". Giải VĐQG Việt Nam (V-League) đã và đang thu hút được ngày càng nhiều những HLV ngoại và cầu thủ ngoại, cũng bước đầu tạo ra tiếng tăm ở những giải đấu cấp CLB tại châu lục. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sáng 20/5, một cựu tuyển thủ Việt Nam có tên Phan Quý Hoàng Lâm vừa ra đi sau một cơn đột quỵ tại quê nhà Bình Định.