Bóng đá Việt Nam: Từ cơ hội thành bàn thắng
Để tạo ra được cơ hội vốn đã khó, nhưng biến cơ hội ấy thành bàn thắng những tưởng là công việc rất dễ, nhưng nó vẫn là khoảng cách lớn mà biết bao nhiều lần đứng trước ngưỡng cửa lịch sử Thể thao Việt Nam vẫn không thể vượt qua được.
Giá như chỉ cần 1 trong hàng tá cơ hội mà các cầu thủ Olympic Việt Nam tạo ra trước UAE được chuyển hóa thành bàn thắng, thì có lẽ bây giờ thầy trò HLV Miura đã làm nên lịch sử.
Để tạo ra được cơ hội vốn đã khó, nhưng biến cơ hội ấy thành bàn thắng những tưởng là công việc rất dễ, nhưng nó vẫn là khoảng cách lớn mà biết bao nhiều lần đứng trước ngưỡng cửa lịch sử Thể thao Việt Nam vẫn không thể vượt qua được.
Một vòng luẩn quẩn
Đến bây giờ HLV Mai Đức Chung vẫn tiếc hùi hụi về cơ hội lập nên kỳ tích tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.
Tạo ra rất nhiều cơ hội, nhưng Olympic Việt Nam vẫn phải dừng chân đáng tiếc
Lúc ấy, ĐT U.22 dưới sự dẫn dắt của bộ đôi A.Riedl – Đức Chung đã giành chức vô địch Merdeka Cup sau đó là lọt tới vòng loại cuối cùng khu vực châu Á, thậm chí chúng ta đã có những trận đấu ngang cơ trước những đội bóng mạnh như Nhật Bản – Saudi Arabi (2 trận hòa), nhưng rồi không thể làm được gì hơn, bởi khi ấy theo như ông Chung thì VFF chỉ xem giải đấu ấy là một sân chơi mang tính chất phiêu lưu “được chăng hay chớ” chứ không sẵn sàng chuẩn bị để nắm bắt cơ hội.
Thực tế, từ thành tích năm ấy của U.22 Việt Nam cho đến cùng thời điểm là sự kiện ĐTQG làm nên lịch sử với việc vào tứ kết Asian Cup rồi vô địch AFF Cup 1 năm sau, thì rõ ràng các kết quả kể trên là cả một quá trình diễn ra liên tục chứ không phải yếu tố quá bất ngờ nhất thời.
Nhưng tiếc rằng, VFF đã không nắm được thời cơ ấy để tập trung tạo nên sự đột phá. Sau chức vô địch AFF Cup 2008, VFF thay vì hướng ĐTQG ra đấu trường châu lục, lại tiếp tục coi sân chơi này chỉ mang tính chất phiêu lưu. Thế là, họ sẵn sàng hy sinh ĐTQG để tập trung cho ĐT Olympic với giấc mơ SEA Games năm 2009.
Điệp khúc giá như tiếp tục tồn tại 1 năm sau nữa khi ĐT Olympic tham dự Asian Games 2010 và bị VFF bỏ quên nhằm tập trung cho đấu trường Đông Nam Á. Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đã làm nên lịch sử khi vào đến vòng 1/8, mà theo người trong cuộc nếu như được chuẩn bị tốt hơn chúng ta có thể làm được hơn vậy. Sự việc tiếp tục được lặp đi, lặp lại qua từng năm. Năm chẵn thì tập trung cho AFF, còn năm lẻ thì hy sinh ĐTQG cho mục tiêu SEA Games.
Một vòng luẩn quẩn bởi nỗi ám ảnh thành tích khu vực Đông Nam Á ấy đã khiến cho biết bao nhiêu cơ hội được tạo ra để lại chỉ là là những câu cảm thán tiếc nuối “giá như chúng ta chuẩn bị tốt hơn”.
Thể thao không phải canh bạc
Trong thể thao, để tạo ra những cơ hội chiến thắng ở những đấu trường lớn, luôn rất khó khăn, đặc biệt với những môn thể thao Olympic. Khi muốn làm được điều ấy thì phải có thực lực hẳn hoi và thực lực đó phải được xây dựng và chuẩn bị trong cả một quá trình chứ không phải chỉ nhất thời.
Thế nên, thành hay bại trong suốt một chặng đường luôn bắt đầu từ việc có nắm bắt được cơ hội trong những cột mốc mà mình đã tạo ra. Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan kể từ Asian Games 1998 đến nay luôn có mặt ít nhất ở tứ kết (2 lần vào bán kết) vì trước mỗi giải đấu họ đều chuẩn bị một cách rất nghiêm túc và có mục tiêu rõ ràng.
Thành tích của Thạch Kim Tuấn khi phá kỷ lục Asian Games là một tiếp nối cho những gì người đàn anh Hoàng Anh Tuấn đã làm được, và nếu như bộ môn cử tạ vẫn tiếp tục được quan tâm một cách nghiêm túc thì khả năng Thạch Kim Tuấn hoặc thế hệ kế cận có thể giành thành tích cao hơn là hoàn toàn không bất ngờ.
ĐT nữ Việt Nam vào bán kết, nhưng liệu chúng ta có nắm bắt cơ hội này để vươn ra châu lục
Thế nên, những cột mốc mang tính lịch sử như của Hà Thanh, Ánh Viên hay ĐT nữ Việt Nam tại Asian Games lần này mới chỉ là viên gạch đầu tiên để chúng ta có thể mơ đến thành tích cao hơn. ĐT nữ Việt Nam đã vào bán kết Asian Games nhưng chắc chắn ai cũng hiểu rằng chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá lớn để thực sự ngang hàng với 4 đội bóng mạnh nhất khu vực.
Những tấm huy chương của Hà Thanh hay Ánh Viên để có thể chuyển hóa thành vàng cũng còn cả một chặng đường rất dài. Tất cả mọi chiến thắng đều phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và sự đầu tư nghiêm túc, hay nói cách khác phải “trồng cây mới mong có ngày gặt quả” chứ không phải bỗng dưng mà đến.
Chắc chắn, chúng ta vẫn còn tiếc nuối về hàng tá cơ hội mà ĐT Olympic Việt Nam bỏ lỡ trong trận gặp UAE. Thậm chí, nhiều người còn bảo nếu được phép đá lại thì có thể giành chiến thắng. Nhưng một đội tuyển không được đầu tư và chuẩn bị nghiêm túc trước khi giải đấu bắt đầu thì thành hay bại cũng chỉ đổ tại “may mắn” mà thôi. Vậy có thiếu may mắn bỏ lỡ những cơ hội thì có gì nuối tiếc khi từ đầu vốn dĩ đã xem đấy là một canh bạc.