Bóng đá Việt Nam: Tinh thần Asiad và sức nóng Qatar
Gần hai năm trước, HLV Miura đem quân đi chơi Asiad với tâm thế thoải mái và bất ngờ gây địa chấn nhưng ở sân chơi châu Á lần này thì khác…
Có một điểm chung lớn nhất giữa hai lần dự giải châu Á của thầy trò Miura là giới hâm mộ… chẳng có hy vọng gì bóng đá Việt Nam làm nên chuyện. Điều này căn cứ vào đẳng cấp giữa các nền bóng đá châu lục luôn có sự chênh lệch rất lớn và bên cạnh đó còn là thói quen của các đội tuyển Việt Nam chơi cho có với người ta chứ không phải để kiếm chút thành tích.
Hơn một năm trước, ông Miura còn mới toanh ở đấu trường Asiad cả trong sự nghiệp của mình. Đấy cũng là lần đầu tiên, trên tư cách HLV trưởng đội tuyển Olympic quốc gia, ông thầy người Nhật đưa quân ra trận với một tâm thế không có gì để mất. Hơn nữa, thời điểm đầu tháng 9-2014 ấy, tiếng tăm của đội tuyển Olympic Việt Nam kém rất xa đàn em U-19 Việt Nam đang làm mưa làm gió ở các giải quốc tế. Thầy trò Miura gần như bị ghẻ lạnh bởi khán giả và ngay cả VFF cũng không mấy mặn mà với khả năng đi tiếp của đội tuyển ở sân chơi quá tầm.
Văn Thành (trái) chấn thương nên Tuấn Anh (phải) đã bị loại giờ lại trong chế độ chờ dù rất mong manh. Ảnh: XUÂN HUY
Gánh nặng đè lên vai các học trò HLV Miura. Ảnh: XUÂN HUY
Đội tuyển Olympic Việt Nam lặng lẽ lên đường sang Hàn Quốc tham dự Asiad 17 mà không mang theo chỉ tiêu cụ thể nào. Thầy trò ông Miura chỉ có lòng tự trọng nghề nghiệp và một chút chạnh lòng với lứa đàn em U-19 đang sở hữu lối chơi đẹp mắt hơn mình nên chỉ tự hứa hẹn sẽ chơi sao để không tủi hổ.
Thế rồi ngay ở trận ra quân, học trò ông Miura làm ngỡ ngàng cả làng bóng châu Á khi hạ gục ứng cử viên nặng ký Olympic Iran 4-1 bằng tất cả quyết tâm như những cảm tử quân. Họ chứng minh không ăn may khi ở trận tiếp theo nhẹ nhàng vượt qua Kyrgyzstan để lấy ngôi đầu bảng, lọt vào tốp 16 đội mạnh nhất giải. Olympic Việt Nam chỉ dừng chân ở vòng 1/16 khi để thua Olympic UAE 1-3 nhưng cũng đủ làm rạng danh HLV Miura lẫn điều chỉnh thái độ dè dặt hơn của giới chuyên môn trong nước khi nhìn nhận về năng lực của ông.
Đến mặt trận vòng chung kết U-23 châu Á lần này, thầy trò Miura đã được giới hâm mộ bóng đá quan tâm hơn, kèm theo nỗi hoài nghi khác với lần đá giải Asiad. Đấy là việc ông thầy người Nhật tự treo chỉ tiêu thật cao cho mình và các học trò là phải vào đến tứ kết. Nó giống một thứ áp lực đè nặng lên đội tuyển U-23 Việt Nam trong hoàn cảnh ông Miura không có lực lượng mạnh nhất.
Nỗi ngờ vực ông Miura “nói vào tứ kết cho vui” càng nhân lên sau hai giải đấu ở AFF Cup, SEA Games, các đội tuyển Việt Nam đều để lại nhiều sự hụt hẫng về con người lẫn lối chơi. Sức ép cho U-23 Việt Nam lần này thấy rõ hơn ở trận giao hữu với B. Bình Dương, người ta còn đưa những bangderole đòi ông Miura thay đổi lối chơi hoặc… về nhà làm bình luận viên truyền hình.
Mà biết đâu lần thứ hai ông Miura lại gây địa chấn…
Lần đầu tiên đội tuyển U-23 Việt Nam vào vòng chung kết U-23 châu Á với tư cách là một trong năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất ở vòng loại. Tại vòng chung kết có 16 đội bóng, chia bốn bảng thi đấu vòng tròn một lượt chọn ra hai đội đầu bảng vào tứ kết, bán kết, chung kết. Ba đội có thứ hạng cao nhất sẽ giành quyền chơi Olympic Rio 2016. Thầy trò Miura nằm trong nhóm hạt giống số 4 ở bảng D, lần lượt gặp U-23 Jordan (số 1) ngày 14-1, U-23 Úc (số 2) ngày 17-1, U-23 UAE (số 3) ngày 20-1. |