Bóng đá Việt Nam thời phú quý giật lùi
CLB Hà Nội là đội bóng thứ tư “chuyển vùng” vào TP.HCM lấy sân Thống Nhất làm sân nhà và lấy tên Sài Gòn làm thương hiệu sau Sài Gòn Hải An United, Sài Gòn Xuân Thành và Navibank Sài Gòn.
Người hâm mộ TP.HCM đón nhận thông tin này với một thái độ dè chừng bởi đã bị ăn ba quả lừa từ những đội khoác tên Sài Gòn để làm ăn. Dưới đây là những phân tích từ nỗi lo của nền bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu phú quý giật lùi nhân sự kiện cái tên Hà Nội sau bốn vòng đấu đã thành Sài Gòn.
CLB Hà Nội (áo hồng) "chuyển khẩu" vào TP HCM
• Đường lui của quy chế và quy định
Bóng đá Việt Nam có luật và có quy chế tưởng rất chặt nhưng luôn có đường lùi. Điển hình như khi mùa giải đang diễn ra, CLB không được thay đổi tên trừ khi có nguyên nhân chính đáng và chỉ được VFF quyết định (!?).
• VFF mang ơn bầu Hiển
Bầu Hiển là ông chủ của nhiều đội bóng từng bị các ông bầu phản ứng nhưng rồi ông đã lách bằng việc rút tên nhưng vẫn được xem là ông chủ của bốn đội đang đá V-League.
Bầu Hiển cũng là người hay giúp các quan chức VFF lo “việc lớn”, thậm chí là đưa các đội như Man. City sang thi đấu và sắp tới có thể là Barcelona. Chính vì thế mà vài tháng trước khi nghe nói CLB Hà Nội sẽ đổi tên Sài Gòn FC, nhiều người nói không được vì vi phạm nhưng cuối cùng thì cũng có kẽ hở và VFF cũng gật bởi cách chơi chữ trong điều lệ.
Cũng vì lẽ đó mà một cựu phó chủ tịch VFF đã phát biểu trên truyền hình rằng bóng đá Việt Nam phải mang ơn bầu Hiển (!?).
• Các đội có tên Sài Gòn trước đây đều nhắm đất vàng
Trừ Cảng Sài Gòn là cái tên truyền thống, các đội sau này ở các địa phương gắn tên Sài Gòn đều nhắm đến mục đích xin đất vàng với các dự án nghe rất lớn. Đến lúc dự án gãy thì các ông chủ buông đội bóng để lại cho người hâm mộ Sài Gòn nhiều hụt hẫng vì chẳng ai làm bóng đá vì người hâm mộ cả.
Chỉ cần 100.000 đồng sẽ trở thành cổ đông của Sài Gòn FC Sau khi CLB Hà Nội chuyển trụ sở và đổi tên thành Sài Gòn FC đã quyết định tăng vốn lên thành 100 tỉ đồng và triển khai theo mô hình công ty cổ phần đại chúng. 70%-75% vốn thuộc về các cổ đông chính là các doanh nghiệp, còn lại 25% sẽ bán ra thị trường mỗi cổ phần giá 10.000 đồng và mỗi CĐV chỉ cần mua 100.000 đồng là trở thành cổ đông CLB. |