Bóng đá Việt Nam nổi sóng: Trọng tài “kiểu… Ý”
Không biết nên lý giải tình huống sai mà phía SLNA uất ức rằng “liều lĩnh và bất chấp tất cả” của trọng tài Hà Anh Chiến như thế nào cho “thuận tai”, nếu không phải là thuật ngữ kinh điển của giới cầm còi ở Việt Nam: “Trọng tài bắt kiểu… Ý”.
Video tình huống thổi 11m tranh cãi trận Thanh Hóa - SLNA (bản quyền VTV):
Vòng 9 V-League nổi sóng bởi các quyết định của trọng tài.
Ở Cẩm Phả, trọng tài Nguyễn Trọng Thư chỉ tay vào chấm 11m ở phút 87, trong tình huống “không hiểu vì sao lại phạt” khi bóng câu bổng, nhưng không nằm trong tầm tranh chấp và trung vệ Andrew có động tác gác tay khi nhảy lên cùng với Diachenko.
Ở Thanh Hóa, cũng phút 87, trọng tài Hà Anh Chiến thổi penalty đội khách, khi tiền đạo Omar va chạm với trung vệ Đình Hoàng (SLNA) khi chạy không bóng trước vạch 16m50.
Còn một ngày trước đó, ở Long An trọng tài Đức Vũ thổi quả 11m ở phút 90+3 khi Trường Giang của Đồng Tháp phạm lỗi với Tài Lộc của Long An trước vạch 16m50.
Trọng tài Hà Anh Chiến (giữa)
Có nhiều điểm chung ở 3 tình huống gây bão này: Thứ nhất, đó đều là những quyết định thổi phạt 11m ở những phút cuối trận và 2 trong số đó quyết định trực tiếp đến số phận của trận đấu. Thứ hai, đội được quả phạt đều là chủ nhà. Và thứ ba, các quyết định thổi phạt của các ông Vua sân cỏ đều gây khó hiểu, thậm chí là “không thể tin nổi”, nhưng nó vẫn được quyết định theo cách khó tin nhất.
Xem lại pha quay chậm, đúng là trung vệ của Sài Gòn FC có động tác gác tay khi nhảy lên cùng với Diachenko. Tuy nhiên, bóng đi hết biên chứ không hề trong tầm tranh chấp và tác động của Andrew là gần như không có.
Thế nên mới có tình huống cười ra nước mắt khiến bao người cười bò khi xem lại tình huống này: Tiền đạo của đội chủ nhà ngã xuống và khi thấy trọng tài Thư chỉ tay vào chấm 11m đã… ôm bụng lăn lộn, chứ không phải ôm gáy, hay đầu vì đau.
Khôi hài là ở chỗ đó. Và với những người chơi bóng, biết và hiểu về bóng đá thì tình huống thổi penalty trên sân Cẩm Phả thời điểm đó đơn giản là “chỉ chờ có thế”. Chỉ cần chờ có va chạm, có ngã ra sân, hay lý do bất kỳ nào có thể biến thành cái cớ là tiếng còi ngay lập tức cất lên và penalty.
Những phản ứng của Sài Gòn FC không mạnh lắm, bởi họ hiểu chuyện và chấp nhận. Đó là lý do tan trận, trung vệ Andrew được mấy trụ cột trong đội gọi riêng ra quán nhậu để “bổ não”. Kết luận được đưa ra, cần phải học, rút kinh nghiệm để lần sau biết mà tránh, tuyệt đối không để xuất hiện va chạm trong khu vực nhạy cảm như trong vòng 16m50, ở thời điểm nhạy cảm cuối trận đấu.
Andrew bị trách bởi không ý thức được vấn đề, nhưng với quả 11m ở sân Thanh Hóa, BHL hay cầu thủ SLNA muốn trách Đình Hoàng cũng khó. Cùng chạy, Omar đâm vào người hậu vệ SLNA bên ngoài vòng cấm và va chạm diễn ra ở bên ngoài vòng cấm nhưng trọng tài lại chỉ tay vào chấm trắng.
Phạm lỗi bên ngoài vòng 16m50 rõ ràng, nhưng lại thổi 11m, thậm chí, tình huống này cũng gây tranh cãi như quả 11m ở sân Cẩm Phả, khi việc xác định Đình Hoàng có phạm lỗi với Omar hay không không hề đơn giản. Thậm chí, có người còn cho rằng có thể phạt… Omar vì xô ngã hậu vệ của SLNA.
Tình huống phạm lỗi diễn ra ở ngoài vòng 16m50
Không phải tình huống khó, tầm nhìn và góc quan sát tốt nhưng trọng tài Hà Anh Chiến vẫn phạt. Ngạc nhiên đó cũng giống như việc kéo giật điểm phạt từ bên ngoài vào vòng cấm để quyết định penalty của trọng tài Đức Vũ trận Long An – Đồng Tháp. Nó khó hiểu và không biết lý giải như thế nào, khi không thể tìm được lý do chủ quan, hay khách quan để biện hộ cho cái sai này.
“Dẫu biết sai lầm là một phần của bóng đá nhưng bắt ép kiểu này thì trắng trợn quá. Mọi cuộc chơi đều có luật và tình huống này có lẽ là luật mới chúng tôi chưa được dạy…”. Phẫn uất vì bị “cướp” chiến thắng, trung vệ Quế Ngọc Hải lên face cảm thán như thế.
Khái niệm “luật mới” mà tuyển thủ quốc gia này đề cập đến sau quả penalty tưởng tượng của trọng tài, thực ra cũng không hề mới. Thậm chí, những cầu thủ như Ngọc Hải, giống bao cầu thủ Việt khác, đều đã “được dạy” từ nhỏ, khi được đào tạo và trưởng thành trong môi trường BĐVN.
Họ được dạy về luật của cuộc chơi để đề phòng, tránh và đối phó với những trọng tài “bắt kiểu… Ý”: Bắt theo ý của người cầm cờ, cầm còi chứ đôi khi chẳng cần luật lệ, đúng sai gì hết.
Ý của “Vua sân cỏ”, nó không chỉ là chuyện của “nhận định con người” mà còn là chuyện của cấp trên, của ban tổ chức lẫn đội bóng mà quyết định đưa ra có lợi, hay hại cho ai…
Ôi, bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam và trọng tài “bắt kiểu… Ý”!