Bóng đá Việt Nam no dồn, đói góp
Sau trận thắng Bình Định ở trận play off đoạt vé lên hạng nhất, Cà Mau bỗng dưng bỏ giải vì không đủ kinh phí lẫn chưa sẵn sàng về nhân sự cho cuộc chơi.
Lâm vào tình thế bất đắc dĩ, VPF vận động Bình Định lên thế chỗ Cà Mau tham dự giải hạng nhất cho đủ 10 đội ở mùa giải 2016.
Nghiệt nỗi Bình Định cho đến lúc này vẫn chưa chắc chắn tham gia vì chưa thể giải bài toán kinh phí bắt buộc 20 tỉ đồng như định mức của VPF. Lãnh đội Bình Định cho biết để tham dự giải, đội bóng phải có ít nhất 7,5 tỉ đồng mới đủ, trong lúc các doanh nghiệp trên địa bàn không đủ sức và không mấy mặn mà với “cỗ máy” tiêu tiền.
Bóng đá Bình Định (phải) từng nối gót HN. ACB (áo xanh) bỏ giải cấp cao vì không có kinh phí hoạt động, nay bóng đá Cà Mau cũng rơi vào thế tương tự
Còn nhớ cách đây ba mùa bóng, Bình Định từng đoạt vé lên chơi V-League nhưng lại bỏ giải vì không có 35 tỉ đồng tham gia nên bị đánh rớt xuống hạng ba. Cho nên việc họ phải cố kiếm cho đủ tiền để chơi giải hạng nhất mùa sau theo yêu cầu của VPF mà không có tham vọng vươn cao thì chơi để làm gì?
Từ chuyện Cà Mau bỏ giải và Bình Định sốt sắng đòi lên hạng khi chưa có tiền cho thấy bóng đá Việt Nam chỉ có cái vỏ chuyên nghiệp, còn phần hồn thì mang tính nghiệp dư. Việc VFF bắt buộc đến năm 2018 hai giải chuyên nghiệp có 14 đội V-League và 14 hạng nhất khiến cho nhà tổ chức VPF phải chạy theo nghị quyết một cách mệt mỏi. Ngay cả cựu Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cũng nói từ hồi đầu mùa bóng 2015 là nên tinh gọn số lượng đội tham dự nhằm đạt chất lượng cao, hơn là bắt ép các đội chưa sẵn sàng lên đá giải nhưng bị gạt đi bởi nghị quyết của VFF đã thông qua Ban Chấp hành nên phải chạy cho đúng lộ trình.
Cũng chính vì gấp gáp chạy theo số lượng khiến cho V-League mùa rồi đánh mất đi rất nhiều sự cạnh tranh và kém sự hấp dẫn vì chỉ có một đội lên, xuống hạng. Nói như chuyên gia Đoàn Minh Xương là giải chuyên nghiệp Việt Nam chẳng giống ai khi chơi theo kiểu no dồn, đói góp mà không chú trọng đến sản phẩm chất lượng để phục vụ công chúng.
Ông Xương nhận định với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của bóng đá Việt Nam thì phương án tốt nhất là chỉ cần 12 đội V-League hoặc ít hơn mà không nhất thiết phải chạy theo nghị quyết VFF “ép” các CLB lên chơi khi chưa có đủ khả năng. Hơn nữa, việc quy định số tiền phải có cho mỗi mùa giải cũng là một điều kiện không thực tế trong khi nhiều đội không cần đến vài chục tỉ vẫn có thể duy trì cuộc chơi.
Bóng đá Việt Nam sắp bước sang tuổi 16 mà đi mãi vẫn chưa thành đường.