Bóng đá Việt Nam: Nhà giàu đã khóc (Kỳ cuối)
Bóng đá Việt Nam đang phải trả những cái giá rất đắt sau một giai đoạn phát triển mất phương hướng. Thế nên, sau những gì diễn ra người ta không thật sự tin rằng VFF và VPF sẽ vững tay chèo lái đưa con thuyền bóng đá Việt Nam vượt qua giông tố.
* Từ chuyện HLV ĐTQG: Như mớ bòng bong
Cứ sau mỗi lần đội tuyển quốc gia thất bại, VFF lại rối lên vì chuyện tìm thầy cho đội tuyển. Thôi thì đủ các phương án, nhưng quan trọng nhất vẫn là quan điểm dùng thầy thay đổi xoành xoạch, khiến các tuyển thủ phải tìm cách thích nghi với những ông thầy mới, chiến thuật cùng tư duy chơi bóng kiểu mới. Mới đầu tháng 12 này, VFF còn quả quyết tiếp tục tin dùng thầy nội, bất chấp việc đội tuyển thi đấu thất vọng tại AFF Suzuki Cup 2012. Tuy nhiên, sau khi HLV Phan Thanh Hùng xin từ chức thì VFF lại muốn chuyển sang phương án sẽ thuê thầy ngoại.
Thật ra, sau AFF Cup 2012, chuyện ông Hùng phải từ chức có thể coi là thất bại của VFF trong việc dùng thầy nội, ngay từ đầu đã thiếu nhất quán khi chấp nhận cho tạm quyền rồi kiêm nhiệm và trong quá trình chuẩn bị cho cuộc đua ở giải khu vực đá xảy ra không ít “sự cố”. Thế nên, vấn đề đặt ra không phải là thầy nội hay thầy ngoại sẽ nắm đội tuyển mà cái chính là cách dùng người thiếu nhất quán của VFF khó có thể đem lại thành công cho đội tuyển.
Chuyện dùng thầy nội hay thầy ngoại đều phải có định hướng rõ ràng với những mục tiêu cụ thể cho đội tuyển chứ không thể chạy theo thời cuộc. VFF có thể học theo cách làm của bóng đá Malaysia, Nhật Bản hay thậm chí cả đội tuyển Lào… nhưng nếu cứ thay đổi xoành xoạch hết thầy Bồ Đào Nha lại quay sang thầy Đức, thầy Nhật… thì không chỉ tốn kém thêm tiền của mà còn mất thời gian vào những phương án xoay tua theo kiểu thời vụ.
Những tranh cãi xung quanh việc tìm thầy nội hay thầy ngoại dẫn dắt đội tuyển chỉ tạm lắng xuống sau khi VFF thống nhất chủ trương, trước mắt sẽ sử dụng HLV nội tạm quyền tại vòng loại Asian Cup 2015 khởi tranh vào đầu tháng 2/2013. Một phần do thời gian quá gấp gáp, nhưng cái chính là việc VFF luôn tỏ ra thụ động với những phương án của mình. Thế nên, không bất ngờ khi chiếc ghế HLV tạm quyền đội tuyển quốc gia hiện đang phụ thuộc vào việc lãnh đạo Công ty cổ phần thể thao T&T có đồng ý cho HLV Hoàng Văn Phúc bỏ CLB Hà Nội (giải hạng Nhất) để lên nắm đội tuyển hay không?
Trong cảnh rối ren
* Đến V-League rối bởi VPF?
Mùa giải 2013 tạm thời được vãn hồi trật tự sau những quyết định từ BCH VFF như U22 quốc gia sẽ không tham dự V-League 2013, giải đấu hàng đầu Việt Nam vẫn có đội xuống hạng sau khi đã chốt được danh sách các đội tham dự. Lịch thi đấu, ngày khai mạc cho mùa giải 2013 cũng đã được VPF ấn định. Thế nhưng, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khác và không loại trừ khả năng, VPF có thể phải tiến hành bốc thăm, xếp lại lịch thi đấu nếu các CLB lại có “sự cố” ở những ngày sắp tới.
Sau cơn bão giải tán, giải thể đội bóng, giờ đến lúc V-League đang thịnh hành “mốt” các ông chủ đội bóng thi nhau từ chức, nhường ghế cho thuộc cấp lên nắm quyền Chủ tịch CLB để lui về hậu trường. Sau vụ bầu Hiển không thừa nhận là chủ sở hữu nhiều đội bóng ở V-League và giải hạng Nhất, đến lượt bầu Trường cũng từ chức Chủ tịch CLB XM Ninh Bình và “bổ nhiệm” Giám đốc điều hành Phạm Văn Lệ lên thay. Mới đây, lại đến lượt bầu Thụy xin rút khỏi chức danh chủ tịch CLB Sài Gòn Xuân Thành để nhường ghế cho chính em trai của mình, đồng thời đổi tên đội bóng thành Xi măng Xuân Thành Sài Gòn.
Chưa biết rồi đây, sẽ còn thêm ông bầu nào chối bỏ cái quyền làm chủ, nhưng chỉ cần nhìn vào những gì diễn ra ở V-League có thể thấy được, việc quản lý các các CLB đang rối tới cỡ nào.
Và sau tất cả những gì đã và đang diễn ra, người ta buộc phải hỏi đâu là vai trò, bản lĩnh của VPF? Thực tế, sau đúng 1 năm tiếp quản quyền điều hành giải Chuyên nghiệp, từ chỗ được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá, nâng tầm cho V-League, VPF đã nhiều lần trở thành trung tâm của sự chỉ trích với những đề xuất chẳng giống ai và cách làm còn có phần theo kiểu ngẫu hứng ngay từ ngày đầu ra đời như chuyện đổi tên giải thành Super League, hay lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình.
Ngay cả số tiền 50 tỷ đồng ở mùa bóng 2012 và theo cam kết của VPF có thể còn tăng lên cả trăm tỷ trong những năm kế tiếp, thực ra cũng chỉ là “giá trị ảo” bởi chẳng ai biết VPF bán bản quyền truyền hình cho ai và “Hội đồng bảo trợ” do chính các ông bầu lập ra liệu có song hành cùng V-league trong bối cảnh CLB đang phải chạy ăn từng mùa và V-League lâm vào khủng hoảng đến mức phải “mời” cả đội hạng Nhất lên thi đấu ở giải Chuyên nghiệp.
Thế cho nên, VPF đã bị chính các ông bầu chỉ trích gay gắt ngay tại Hội nghị tổng kết mùa giải và tiếp tục mất điểm trầm trọng sau hàng loạt “quyết sách” bị dư luận đánh giá là phục vụ lợi ích nhóm. Một trong những ý tưởng gây phản ứng dữ dội và khiến VPF bị mất mặt nhất chính là phương án tổ chức mùa giải 2013 với việc “đặc cách” cho đội tuyển U22 lên thi đấu ở V-League và quy định không có đội bóng nào phải xuống hạng.
Những nỗ lực nhằm “giải cứu” V-League của VPF đã và sẽ chẳng đi đến đâu với những giải pháp chữa cháy theo kiểu tình thế, không nhận được sự ủng hộ từ các CLB. Từ chỗ được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá để nâng tầm V-League, sau 1 năm tiếp quản các giải đấu Chuyên nghiệp, VPF đang có nguy cơ mất điểm nghiêm trọng khi bị chính các ông bầu chỉ trích bởi cách làm và cả những phương án bất khả thi.
Bóng đá Việt Nam vẫn đang chìm trong khó khăn và giông bão khi mà cả VFF và VPF đều chưa có chiến lược phát triển khoa học, đồng bộ. Có lẽ, đã đến lúc VFF cần phải được “thay máu” mạnh mẽ từ thượng tầng với đại hội nhiệm kỳ VII, dự kiến diễn ra trong tháng 6/2013.