Bóng đá Việt Nam: Nhà giàu đã khóc (Kỳ 3)
Số lượng các đội bóng, lịch thi đấu mùa giải 2013 đã được chốt lại, thế nhưng cơn khủng hoảng của bóng đá Việt Nam chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhiều nguy cơ đang đe dọa phá vỡ nền móng non yếu, không theo kết cấu nào của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
* 12 mùa V-League chưa có thay đổi về chất
Những người làm bóng đá nội đã có hơn 10 năm làm chuyên nghiệp, song bóng đá Việt Nam chưa thể tạo ra sự khác biệt về chất, chẳng qua chỉ là sự chuyển đổi từ hình thức quản lý bao cấp nhà nước sang bao cấp của các doanh nghiệp, với các ông bầu làm bóng đá theo cảm hứng, theo lợi nhuận kinh doanh và nhiều toan tính khác. Vậy cho nên, khi các ông bầu gặp khó khăn trong kinh doanh, hay trong một buổi chiều sức khỏe không tốt, tâm trạng không vui, bóng đá Việt Nam phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
Các CLB sau nhiều mùa sống khỏe và chỉ biết tiêu tiền của các ông bầu giờ đang phải tìm cách cân đối giữa giá, lương và quỹ tiền mặt có nguy cơ cạn kiệt. Sự lệ thuộc vào các ông bầu từng tạo nên sự giàu có ở V-League, khốn khổ thay lại đang là vấn nạn khiến nhiều đội bóng phải trả giá bằng tương lai của chính mình. V-League sau nhiều năm “thịnh vượng” trên núi tiền của các ông bầu, nhà tài trợ đã bước vào một chu kỳ suy thoái, chưa xác định được điểm dừng. Sự biến mất của hàng loạt các đội bóng như Navibank SG, CLB BĐ Hà Nội… hay Khánh Hòa trở thành “vùng trắng” bóng đá đỉnh cao chỉ sau 1 đêm đã cho thấy rõ hơn điều đó.
Từ chỗ sống khỏe với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, nay nhiều đội bóng phải kêu gọi cầu thủ chia sẻ khó khăn. Nhưng tăng lương thì dễ chứ chưa biết có bao nhiêu cầu thủ tự giác giảm lương, xuống giá để cứu bầu. Cầu thủ nhận lương cao, xài hàng hiệu và tậu xe sang… dễ gì từ bỏ thói quen để thích nghi với những biện pháp khắc khổ. Nói V-League là cuộc chơi của người giàu cũng chẳng sai, nhưng giờ đây khi các ông bầu cạn vốn thì ngay cả những đại gia nổi tiếng chơi ngông cũng đang phải “khóc hận”.
Tất nhiên, các ông bầu khó có thể trách ai, bởi chính họ là những người từng có lúc “ném tiền qua cửa sổ”, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra những thực trạng nhức nhối cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, điều quan trọng hơn cả lại chính là vai trò VFF trong việc hoạch định chính sách, đã không có biện pháp ngăn cản để hạn chế tình trạng đua tiền dẫn đến hậu quả, giờ đây các CLB đang ở tình trạng vỡ nợ, phải giải thể.
Tìm đâu lối thoát?
* Loay hoay chưa thấy đường
Không chỉ có vậy, mới đây AFC đã hoàn tất chuyến khảo sát các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với kết quả khiến không ít người phải ngỡ ngàng. Rất nhiều CLB chuyên nghiệp Việt Nam chưa đạt chuẩn, phát triển thiếu bền vững, thậm chí bị đánh giá yếu kém, xét theo các tiêu chí chấm điểm của AFC như cơ sở vật chật, hệ thống đào tạo trẻ, bộ máy tổ chức, nhân sự, hoạt động truyền thông - tiếp thị tài trợ và pháp lý tài chính... Vậy nên, làm bóng đá theo kiểu “cứ đi rồi sẽ thành đường” nên suốt hơn 10 năm qua, V-League vẫn chưa thể thoát khỏi vòng tay các ông bầu để làm chuyên nghiệp một cách bài bản.
V-League đang đứng trước nhu cầu sống còn, phải tái cấu trúc lại hệ thống để hoạt động một cách hiệu quả. Bất chấp việc các ông bầu đã đổ rất nhiều tiền của vào việc nâng cấp đội bóng, mua sắm cầu thủ và cho nhập tịch các ngoại binh để làm đẹp đội hình, nhưng vẫn không đủ sức hấp dẫn khán giả. Với nhiều ông chủ đội bóng và bản thân cầu thủ thì niềm tin của người hâm mộ vẫn là cái khó nắm bắt, cũng không thể cân đong, đo, đếm hay được định giá bằng …tiền, thứ mà nhiều đội bóng đang rất cần để tồn tại.
Thế nhưng, khi đồng tiền thực sự lên ngôi và niềm tin giảm sút thì trước sau gì cũng sẽ xảy ra sự đổ vỡ, điều mà giờ đây nhiều CLB đang phải đối mặt. VFF kêu gọi các CLB cần “tái cơ cấu” lại mô hình hoạt động, tiết giảm chi tiêu để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Nhưng thực tế thì lỗi không hoàn toàn ở các CLB mà V-League phải tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống, nhất là từ “thượng tầng” là VFF và cả VPF.
Trong mắt các ông bầu, V-League không chỉ là “cỗ máy tiêu tiền” mà còn là cơ hội để kinh doanh, thâu tóm và khẳng định quyền lực. Còn theo cách nhìn nhận của các chuyên gia của AFC, nhiều CLB ở V-League lắm tiền, nhiều sao nhưng làm bóng đá lại chưa đạt chuẩn và chẳng giống ai… Trong mắt các ông bầu, mọi thứ ở V-League đều có thể được định giá và đem bán như những món hàng để kinh doanh thu lợi. Tình trạng mua bán và sang tên, đổi chủ các CLB phổ biến đến mức, bất cứ ai có tiền cũng có thể nhảy vào làm bóng đá bằng cách sở hữu một CLB chuyên nghiệp hay hạng Nhất, tùy vào khả năng và sở thích bóng đá.
Làm bóng đá theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền ” tất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Không đơn giản chỉ là tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hay cạnh tranh thiếu lành mạnh mà còn là những chiêu trò nhằm thâu tóm các CLB và làm lũng đoạn thị trường chuyển nhượng như đã từng diễn ra. Có lẽ chỉ ở V-League mới có chuyện, một doanh nhân “yêu bóng đá” có thể vô tư bỏ tiền ra nuôi cả đội bóng, thậm chí “tài trợ” cho vài CLB, hay việc các đội bóng thi đấu bết bát phải xuống hạng, chỉ cần bỏ ra vài chục tỷ vẫn có thể mua được suất tham dự giải chuyên nghiệp.
Thế cho nên, một khi VFF và VPF vẫn chưa có cái nhìn thực tế và áp dụng bộ quy chuẩn rõ ràng để kiếm soát các CLB thì V-League đã và sẽ “chìm” trong khủng hoảng. Vấn đề ở chỗ, VFF cũng là tổ chức đóng góp nhân sự, tài chính (là cổ đông lớn nhất) để tạo ra VPF mà VPF cũng là của các ông bầu đang tham dự V-League. Cái vòng luẩn quẩn, rắc rối ấy nếu không được tháo gỡ, hoạt động theo nguyên tắc khách quan, chuẩn mực thì chưa biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới thoát khỏi khủng hoảng. Và cứ như thế, câu chuyện cần giải quyết cái gốc trước hay cái ngọn trước, thậm chí là cả chuyện “sống chung với lũ” (vì khó khăn kinh tế) dường như giống như cảnh mà những người trong cuộc bơi mãi giữa sóng nước mà không thấy bờ.
10 “sáng lập viên” của V-League nay chỉ còn… 1 Việc thay tên đổi họ “như thay áo” của các CLB khiến người hâm mộ bức xúc. Mùa giải V-League đầu tiên 2000-2001 có 10 đội tham dự (được ví như 10 CLB “sáng lập viên” của V-League) gồm SLNA, Thể Công, Nam Định, Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Công an Hải Phòng, Công an Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Tháp TT.Huế. Đến nay chỉ còn SLNA là CLB “nguyên chất” duy nhất tồn tại ở V-League. Danh sách các đội đã bị xóa sổ hoặc được đổi họ, chuyển hộ khẩu có tên Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Công an Hải Phòng, Công an Hà Nội, Khánh Hòa. Với 3 “sáng lập viên” khác thì Đồng Tháp đã dạt về giải hạng Nhất, còn Thừa Thiên-Huế, Nam Định (lò đào tạo trẻ lừng danh của bóng đá phía Bắc một thời) còn thê thảm hơn khi xuống chơi ở giải… hạng Nhì! |
Mời các bạn đón đọc Bóng đá Việt Nam: Nhà giàu đã khóc (Kỳ cuối) vào 10h sáng thứ Hai 17/12.