Bóng đá Việt Nam: Loạn…?
Cầu thủ chửi thề không ngượng miệng và chửi vào giới truyền thông; HLV, lãnh đạo không dám xử cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; cầu thủ vô kỷ luật bất chấp lời răn của nhiều thành viên khiến giờ chót BHL buộc phải gạch tên; một cựu tuyển thủ từng mang chiếc băng đội trưởng ngồi sau tay lái với bộ trang phục đội tuyển miệng lảm nhảm, tay múa máy, mắt nhắm nghiền cứ như bị ma nhập… Làng bóng Việt Nam đang loạn? Nhưng đâu phải chỉ có chuyện bóng đá…
Khi làm Chủ tịch LĐBĐ VN, ông Mai Liêm Trực từng nói “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”. Và câu nói trên vẫn hay được nhắc đến mỗi khi những nhà điều hành bóng đá bị chỉ trích.
Thực chất thì bóng đá là sân khấu bốn mặt nên mọi cái đều rất dễ phơi bày. Ở một nghĩa khác, bóng đá là một phần của xã hội và hoạt động của bóng đá trong đó có cả mặt tốt lẫn mặt xấu được thể hiện như phần nổi của tảng băng, còn phần chìm là những thứ ngoài bóng đá được khoác lên lớp áo hay lớp vỏ bọc được che đậy kỹ lưỡng. Như chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam đắt hơn cả châu Âu và tất nhiên là tuổi thọ thì xuống rất nhanh; hay một ông bầu nổi đình đám trong bóng đá lại bị “chết” vì những thứ ngoài bóng đá…
Có lần tôi ngồi với những nhà làm bóng đá kỳ cựu và nghe tâm sự lẫn trách móc như: “Trọng tài nhận vài triệu bị đi tù, cầu thủ bán thắng để nhận vài triệu đi tù và bị săm soi đủ điều; lãnh đạo hối lộ vài triệu cũng bị bắt khẩn cấp và tù tội… Điều đó không sai vì họ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên những “tội phạm” đấy có thấm vào đâu so với tham nhũng, với những kẻ làm thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ của nhà nước, với những kiểu phết phẩy của các đại gia, các quan sai phạm, của những kẻ làm nghèo đất nước mà có khi vẫn “bình an”…”.
Huy Hoàng từng đeo băng thủ quân ĐTVN
Bóng đá xét cho cùng cũng chỉ là cuộc chơi, là games, là giải trí và ở đấy nó phản ảnh một phần của xã hội.
Không ngạc nhiên khi ở thế giới mọi người vẫn phân tích về cách chơi, về phong cách, về nếp sống và cách sinh hoạt, thể hiện của một đội tuyển cũng là phản ảnh một phần về diện mạo của xã hội, của đất nước đó.
Vừa rồi cũng có nhiều ý kiến tranh luận về chuyện cầu thủ chửi giới truyền thông, hay giơ ngón tay thối mà nói như ông Đoàn Nguyên Đức là cầu thủ bây giờ “mất dạy”. Có ý kiến đề cập rằng tại sao hồi cực khổ cầu thủ uống chung một xô trà đá, ăn ổ bánh mì bẻ làm đôi, đi đá SEA Games phải ngồi xe đò đi hai ngày đường thế mà vẫn lễ phép vẫn có trách nhiệm với nghiệp cầu thủ, còn bây giờ thì xông xênh tiền tỷ mà hư hỏng và thiếu tự trọng với nghề nghiệp?
Có phải cuộc sống đã dạy họ cái gì kiếm dễ thì “phá” cũng dễ, thậm chí là không biết gìn giữ hình ảnh của mình, hình ảnh của đội tuyển quốc gia?
Có lần tôi nghe Đặng Trần Chỉnh say sưa kể thời anh còn là cậu bé trường năng khiếu, anh rất ấn tượng với cảnh thầy Đỗ Văn Khá chế cái vành xe đạp làm dụng cụ để các học trò đá bóng. Anh nói rằng mình rất nể ông thầy già cặm cùi ngồi ngoài nắng hai tay giữ chặt trái bóng cho các học trò thực hiện động tác sút mu chính diện, rồi thầy ngồi tại chỗ sửa từng động tác… Và sau mỗi buổi học như thế thầy Khá lại dạy cho các em đạo làm người, dạy các em lẽ sống và dặn dò “Sau này các con không thành cầu thủ thì ít ra cũng nên người…”.
Nghe những câu chuyện đấy lại thấy cầu thủ bây giờ cứ được người lớn chăm chăm chuyện đá bóng giỏi, còn chuyện đạo lý làm người, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả thì rất ít khi màng tới.
Ý nghĩa của màu cờ sắc áo bây giờ rất hạn chế. Đấy là câu chuyện nghe được từ giải lão tướng “vang bóng một thời” giành cho các cựu tuyển thủ TP.HCM. Khi mà những cái tên Sở Công Nghiệp, Hải Quan, Cảnh Sài Gòn… đã xóa sổ trên làng bóng Việt Nam thì người hâm mộ vẫn còn thuộc từng cái tên gắn với cái tên truyền thống.
Bóng đá bây giờ ít nghe nói đến hai chữ truyền thống mà chỉ lấy thước đo tiền của các ông bầu ra đo. Lương trả chậm, thưởng chưa về là lại hè nhau đá để “dằn mặt” và tiền về rồi thì lại đâu vào đấy. Lãnh đạo ít thưởng thì sụi vài trận để lại có thêm thu nhập…
Người lớn trách cầu thủ hư, nhưng cũng chính người lớn tạo điều kiện để cầu thủ mình hư, rồi bực bội “mắng” cầu thủ “mất dạy”. Người lớn vì bệnh thành tích nên nuông chiều cầu thủ kể cả cầu thủ bán độ hay cầu thủ chơi ma túy, chơi thuốc lắc rồi khi cầu thủ bị lộ lại tìm cách “cứu” cầu thủ… Chuyện cầu thủ “làm ăn” đấy có khác gì “người lớn” làm ăn bằng đủ mọi hình thức mà bất chấp thiệt hại cho đất nước khi lao vào guồng sống chụp giật?
Xã hội thỉnh thoảng vẫn thấy sốc bởi vụ án này, vụ án nọ. Người dân vẫn theo dõi tin bắt ông này bắt ông nọ, rồi lại kháo nhau tin đồn liên quan đến ông này, bà kia… Những chuyện lớn mà còn như thế thì banh bóng nhằm nhò gì. Nó chỉ là tấm gương phản chiếu một phần rất nhỏ mà từ chuyện “bóng đá loạn” lại thấy lo lo cho “phần chìm” của tảng băng…