Bóng đá Việt Nam liệu có hụt hơi tại SEA Games 31?
Khó khăn là điều đã nhìn thấy, vậy đâu là giải pháp để giúp U22 Việt Nam không bị hụt hơi tại SEA Games 31?
Lứa cầu thủ kế cận của U22 Việt Nam đang thiếu nhiều yếu tố để có thể tiếp bước đàn anh, hướng tới mục tiêu vô địch SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021 tại Việt Nam.
U22 Việt Nam gặp khó khi lực lượng chuẩn bị cho SEA Games 31 đang chững lại
Tre lớn, măng chưa mọc
Năm 2021, Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31 tại Hà Nội và một vài địa phương lân cận. Với địa vị sân nhà, thể thao Việt Nam chắc chắn nhắm tới mục tiêu nhất toàn đoàn, trong đó bóng đá phải tái lập được thành tích giành cú đúp HCV như SEA Games 30. Tuy nhiên, nhìn vào lực lượng dự kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, giới mộ điệu không khỏi lo lắng cho HLV Park Hang-seo và các học trò. Trong số các cầu thủ từng lên ngôi tại SEA Games 30, chỉ 3 cầu thủ còn đủ tuổi dự SEA Games 31 là: Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Văn Toản.
Phần còn lại sẽ là vấn đề khá nan giải. Theo thống kê, có tổng cộng 46 cầu thủ ở độ tuổi dự SEA Games 31 (sinh năm 1999, 2000 và 2001). Mặc dù vậy, không dễ để có thể tuyển chọn được những cái tên đủ năng lực đóng góp cho U22 Việt Nam. Thứ nhất, ở hầu hết các đội bóng có đăng ký cầu thủ độ tuổi trên, họ có rất ít cơ hội ra sân. Ngay cả Hà Nội FC, HAGL hay SLNA, những CLB vốn truyền thống sử dụng cầu thủ trẻ cũng khá hạn chế.
Có chăng, chỉ một vài cái tên như Lê Văn Xuân, Đặng Văn Tới (Hà Nội FC); Trần Bảo Toàn, Dụng Quang Nho (HAGL); Thái Bá Sang (SLNA) được tranh tài thường xuyên tại V-League. Thứ hai, lứa U21 hiện tại hai năm qua không có được thành tích tốt ở đấu trường khu vực, nếu không muốn nói là tệ.
Cần nhớ rằng, sở dĩ HLV Park Hang-seo có thể thành công rực rỡ được trong nhiệm kỳ đầu là nhờ lứa cầu thủ được thử lửa thường xuyên từ khi còn trẻ. Thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Duy Mạnh, Đức Huy… từng “làm mưa làm gió” ở các giải trẻ khu vực. Quan trọng hơn, họ sớm xuất hiện, thử lửa ở sân chơi V-League.
Thế hệ Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Đức Chinh… còn hoành tráng hơn với tấm vé dự U20 World Cup. Đương nhiên, số này cũng góp mặt ở V-League từ rất sớm. Như vậy, nếu các CLB không trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ ra sân, sẽ rất khó để HLV Park Hang-seo có lực lượng tốt nhất tham chiến tại SEA Games 31.
Theo HLV Triệu Quang Hà, đây là thiệt thòi lớn cho U22 Việt Nam khi hướng tới mục tiêu vô địch SEA Games 31. “Trước một giải đấu cấp đội tuyển mà lực lượng lại không phải là lực lượng chính của giải vô địch quốc gia thì rất khó đạt thành tích cao. Việc các cầu thủ trẻ phải dự bị cho thấy năng lực của họ chưa đủ tốt. Dự bị nhiều thì kéo theo phong độ cũng sẽ thiếu ổn định”, ông Hà nói.
Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh thì cho rằng, đây không phải là vấn đề riêng của bóng đá Việt Nam: “Ở nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bóng đá chuyên nghiệp là cuộc cạnh tranh khốc liệt nên những cầu thủ trẻ chưa đáp ứng được tốt nhất về mặt chuyên môn thì rất khó được sử dụng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có các cầu thủ trẻ xuất sắc. VFF cũng không thể yêu cầu CLB sử dụng cầu thủ trẻ bởi không nằm trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp”.
Đồng quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy khẳng định, đào tạo trẻ không thể 10 lứa đều được cả 10 và có lứa nào chững lại thì cũng là quy luật tất yếu. “Ngay cả những nền bóng đá lớn cũng có giai đoạn lâm vào khủng hoảng nhân sự. Lực lượng trẻ của bóng đá Việt Nam hiện tại không được như lứa trước nhưng điều này có thể hiểu được. Vậy nên, việc họ không được chơi ở V-League cũng chẳng phải là điều gì đó bất ngờ”, ông Huy phân tích.
Đâu là giải pháp?
Khó khăn là điều đã nhìn thấy, vậy đâu là giải pháp để giúp U22 Việt Nam không bị hụt hơi tại SEA Games 31?
HLV Triệu Quang Hà cho hay, nếu cầu thủ không được tôi rèn thường xuyên thì khi hội quân chuẩn bị cho giải thì nên có kế hoạch để đội tập luyện dài ngày: “Làm như vậy sẽ giúp HLV Park Hang-seo nắm bắt được điểm mạnh, yếu của từng cầu thủ. Ngược lại, cầu thủ được làm quen với chiến thuật của HLV, có sự kết dính trong lối chơi. Về phần CLB, nếu cầu thủ thuộc diện dự SEA Games mà chỉ là phương án 2, phương án 3 thì nên nhả quân sớm để tuyển U22 Việt Nam có sự chuẩn bị chu đáo”.
Về phần mình, bình luận viên Vũ Quang Huy cho hay, khi không có lực lượng tốt thì bóng đá Việt Nam nên có kế hoạch sớm, sàng lọc, tuyển chọn ngay từ thời điểm này. Ngoài ra, có thể mở rộng phạm vi tuyển chọn với lứa trẻ hơn nhằm không bỏ lọt những cầu thủ phù hợp. Một điểm nữa theo ông Huy cũng cần tính toán, đó là việc duy trì lịch tập trung U22 Việt Nam thành các đợt nhỏ như trước thềm SEA Games 30.
“Ông Park từng làm rất tốt khi chẻ nhỏ nhiều đợt tập trung. Những đợt tập trung như vậy không bổ ngang thì cũng bổ dọc, vừa mang tính chất chắt lọc, vừa giúp các cầu thủ làm quen dần với không khí, lối chơi của đội tuyển. Có một số cái tên từng nhiều lần được gọi lên tập trung trước SEA Games 30 mà chưa dự giải thì tôi cho rằng, họ có thể là hạt giống trong việc xây dựng lực lượng của ông Park”, ông Huy chia sẻ.
Đứng trên góc độ quản lý, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh tiết lộ, VFF và HLV Park Hang-seo sẽ sớm hoàn thiện lộ trình tiến tới SEA Games 31, trong đó, công tác nhân sự sẽ được ưu tiên hàng đầu: “Các cầu thủ trẻ có thể không ra sân nhiều ở V-League nhưng VFF sẽ tạo điều kiện tối đa để các em có được những giải đấu, trận đấu cọ xát; những chuyến tập huấn ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Ngoài ra, hệ thống các giải trẻ, đặc biệt là giải U21 Quốc gia đang có chất lượng chuyên môn tốt nên chúng tôi kỳ vọng cũng là dịp để các em rèn luyện thêm”.
Vụ bán độ động trời tại Cúp châu Á vẫn còn đeo đẳng và để lại hậu quả tới tận bây giờ dành cho cựu thủ môn...
Nguồn: [Link nguồn]