Bóng đá Việt Nam học gì từ Thái Lan và các nước ĐNA?
Các nhà lãnh đạo của bóng đá Việt Nam đang muốn lấy bóng đá Nhật Bản làm hình mẫu. Thế nhưng ngay ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA), nền bóng đá Thái Lan có nhiều nét tương đồng và gần gũi với bóng đá Việt Nam, cũng đáng để học hỏi.
Video câu chuyện về cách làm bóng đá của Thái Lan và Myanmar, Philippines (Clip theo bản quyền VTV):
Từ sự trở lại của Thái Lan…
Những vấn đề tồn tại của bóng đá Việt Nam vẫn đem lại nhiều nhức nhối, nhưng trong khi mải theo đuổi những hình mẫu xa xôi, chúng ta có thể nhìn ngay bài học từ các nước bạn trong khu vực. Điển hình, không phải ai khác chính là Thái Lan với một cuộc cách mạng rầm rộ để lấy lại vị thế số 1 Đông Nam Á.
Sau thất bại liên tiếp tại các kì AFF Cup từ 2007 đến 2012 rồi các kì SEA Games 2009 và 2011, bóng đá Thái Lan đã quyết định làm lại từ đầu. Với tiêu chí: CLB mạnh mới có ĐTQG mạnh, Thái Lan đã xây dựng lại giải VĐQG.
Công tác đào tạo trẻ đã được bóng đá Thái Lan quan tâm đặc biệt với sự ra đời của rất nhiều các học viện. Không chỉ có vậy, họ hướng các CLB chơi theo chiến thuật chủ động cầm bóng nhiều, đan bóng nhỏ nhuyễn với lối chơi kĩ thuật. Vì thế các cầu thủ từ Nam Mỹ và châu Âu đều được các CLB ở Thai-League ưa chuộng, thay vì các cầu thủ châu Phi như ở một số quốc gia khác tại Đông Nam Á.
Các lứa ĐT Việt Nam đều thua người Thái
Sự đa dạng trong lối chơi của các đội tuyển Thái Lan dựa trên nền tảng kĩ thuật đồng đều và chơi cùng nhau trong một thời gian dài. Và lâu rồi chúng ta không thấy Thái Lan e ngại các đội bóng ở khu vực châu Á nữa.
Ví dụ như ở trận gặp Iraq tại vòng loại World Cup 2018, Thái Lan dù bị dẫn trước 0-2 nhưng họ cầm bóng tới 65%, tung ra 4 cú sút so với 6 của đối phương để rồi quân bình tỷ số ở những phút cuối trận. Việc liên tục được cọ xát giúp các cầu thủ trưởng thành nhanh chóng và dưới bàn tay của HLV Kiatisak, bóng đá Thái Lan có sự tiếp nối và kế thừa.
Trong danh sách dự AFF Cup 2014, đa phần các cầu thủ trẻ được triệu tập từng là nòng cốt ở đội U23 Thái Lan mới vô địch SEA Games 27 và ĐT Olympic từng lọt vào bán kết Asiad 17. Lực lượng không nhiều xáo trộn, bộ khung không thay đổi quá nhiều giúp các cầu thủ thi đấu ăn ý và đạt được hiệu quả.
Đó chính là lý do giúp bóng đá Thái Lan trở lại với ngôi vị số 1 Đông Nam Á và mục tiêu tiếp theo của họ là việc giành vé tham dự World Cup 2018.
… đến thành công của bóng đá Myanmar, Philippines
Myanmar thành lập học viện quốc gia vào năm 2010 trong khuôn khổ một dự án hợp tác với FIFA (LĐBĐ thế giới). Tại đây, các tài năng nhí được tuyển chọn khắp các mọi miền đất nước Myanmar. Các cầu thủ được ăn, học văn hóa tại học viện để tránh lãng phí thời gian tập luyện quý báu.
Tuy nhiên việc xây các học viện bóng đá lớn chỉ là một phần trong chính sách đào tạo trẻ của Myanmar. Kể từ khi tỷ phú Zaw Zaw lên làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar năm 2005, bóng đá trẻ của quốc gia này đã nhận được sự đầu tư hết sức mạnh mẽ và nghiêm túc. Các đội tuyển trẻ được dẫn dắt bởi các HLV ngoại, được tạo cơ hội và đi tập huấn giao hữu ở nước ngoài.
Bóng đá Myanmar cũng vươn lên mạnh mẽ
Hiệu quả đi kèm là năm ngoái ĐT U19 Myanmar giành vị trí thứ 4 tại giải vô địch U19 châu Á và trở thành đội bóng Đông Nam Á thứ 3 trong lịch sử giành quyền tham dự VCK U20 thế giới. 1 năm sau, ĐT U23 Myanmar tiếp tục gây tiếng vang lớn tại SEA Games 28 được tổ chức ở Singapore khi lọt tới trận chung kết và chỉ chịu thất bại trước U23 Thái Lan vượt trội về mọi mặt.
Bóng đá trẻ Myanmar lúc này đang dần khẳng định được vị thế hàng đầu khu vực. Với một hệ thống đào tạo trẻ lớn mạnh và đầy hiệu quả như hiện tại, tương lai của bóng đá Myanmar đang trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết.
Trong khi bóng đá Philippines cũng có những thành công nhất định như vào sâu những giải đấu khu vực. Đó là nhờ chương trình đào tạo trẻ Azkals Programme.