Bóng đá Việt Nam cũng Đông Du
So sánh tuy hơi khập khiểng, nhưng trong bóng đá, việc bộ đôi cầu thủ trẻ của HAGL là Công Phượng và Tuấn Anh được sang Nhật thi đấu đang khiến dư luận dấy lên một phong trào sang Nhật đá bóng để tích lũy kinh nghiệm, sau này sẽ trở về “cứu” bóng đá nước nhà.
Người Nhật quan tâm đến cầu thủ Việt Nam kể từ khi Công Vinh sang Nhật chơi cho CLB Consadole Sapporo theo một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 5 tháng từ SLNA. Người ta nói vui, vào thời điểm đó thì hãng bia Sapporo bán ở Việt Nam lên vù vù.
Nhưng người Nhật quan tâm tới bóng đá Việt Nam nhiều hơn sau sự thành công vang dội của lứa U19 HAGL năm 2014 cùng những màn trình diễn ấn tượng cả dàn cầu thủ trẻ này tại VCK U19 châu Á 2014. Rất nhiều cái tên trong đội hình U19 khi đó được các đội bóng của Nhật chấm.
Công Phượng và Tuấn Anh bay sang Nhật
Giờ thì Công Phượng, Tuấn Anh, hai tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam được đơn vị chủ quản HAGL mở cửa cho đến Nhật Bản du học. Nhật Bản là quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục và là nơi để bóng đá Việt Nam học hỏi vươn ra tầm châu lục. Mito Hollyhock và Yokohama, 2 CLB chủ quản của Công Phượng và Tuấn Anh đang thi đấu tại J-League 2, cùng hạng đấu với Consadole Sapporo của Công Vinh trước đây.
Chuyện Mito Hollyhock và Yokohama mượn Công Phượng, Tuấn Anh vì mục đích thương mại hay chuyên môn thì cần có thời gian để trả lời. Nhưng trước mắt, Mito Hollyhock và Yokohama đã nghiên cứu rất kỹ về lối chơi và trình độ chuyên môn của Công Phượng, Tuấn Anh trước khi quyết định hỏi mượn. Nghĩa là có thể họ rất chú ý đến yêu cầu chuyên môn.
Tiền lương của Công Vinh vào thời điểm 2013 là 7.000 USD/tháng khi khoác áo Consadole Sapporo. Còn Công Phượng và Tuấn Anh nghe đâu sẽ nhận khoảng 3.000 USD/tháng (khoảng hơn 60 triệu đồng) và giá chuyển nhượng khoảng 2,2 tỷ đồng/năm khi đầu quân cho Mito Hollyhock và Yokohama.
Xem ra như vậy về mặt tiền bạc là không đạt yêu cầu. Bởi Công Phượng, Tuấn Anh và lứa cầu thủ của HAGL được bầu Đức kỳ vọng sẽ được lên sàn chuyển nhượng quốc tế rồi thu về tiền triệu USD, chứ chẳng phải sang thi đấu cho giải bóng đá hạng hai Nhật Bản với bản hợp đồng cho mượn như bây giờ. Nhưng có thể đó là phương án du học cho các cầu thủ trẻ sau một mùa thi đấu không thành công ở V-League đầy khắc nghiệt.
Ngoài Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh, một vài cái tên khác của HAGL cũng đã được các đội bóng của Nhật Bản quan tâm đặc biệt. Trong số này có tiền vệ cánh trái Nguyễn Phong Hồng Duy. Mới đây, fanpage FB của CLB HAGL đã bất ngờ đăng tải thông tin Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phương, Nguyễn Phong Hồng Duy và Bùi Tiến Dũng sắp được gửi sang Nhật Bản du học.
Một tình tiết khá thú vị là trước đây ông Miura – HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam đã chọn Mito Hollyhock, CLB mà Công Phượng đầu quân để khởi nghiệp cầm quân vào năm 1998.
Tất nhiên J-League 2 chắc chắn là môi trường chất lượng hơn V-League. Và với việc được tập trung hoàn toàn cho chuyên môn, hy vọng Công Phượng, Tuấn Anh sẽ trưởng thành lên từ trên đất Nhật.
Dù sao, người hâm mộ vẫn kỳ vọng Phượng sẽ làm rạng rỡ bóng đá nước nhà, mở ra nguồn cảm hứng xuất khẩu cầu thủ Việt, hay chí ít cũng thành công hơn Công Vinh, hay Huỳnh Đức trước đây sang Lifan (Trùng Khánh). Việc được sang Nhật Bản thi đấu là mơ ước của nhiều cầu thủ Việt Nam. Phía HAGL cũng coi đây là chuyến “du học”, nhằm giúp Công Phượng, Tuấn Anh và những cầu thủ ra đi sau này trưởng thành hơn.
Dù mới sơ khai, nhưng đã manh nha một làn sóng cầu thủ Việt xuất ngoại sang Nhật gợi nhớ phong trào Đông Du ngày nào. Lò đào tạo HAGL được coi là chuẩn mực về đào tạo và đã sản sinh ra những cầu thủ có tố chất “du học”. |