Bóng đá Việt Nam có phải số một Đông Nam Á?
Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA vừa công bố tháng 10-2018, đội tuyển Việt Nam giữ ngôi số một khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 17 châu Á và đứng thứ 102 thế giới.
Thầy trò ông Park Hang-seo hiện tại có một khoảng cách xa với đội nhì khu vực là Philippines, bóng đá Thái Lan chỉ đứng thứ ba và Myanmar xếp hạng tư, sau đó mới đến Indonesia, Singapore, Malaysia,… Tuy nhiên, thứ hạng của FIFA đối với bóng đá Việt Nam gần như chỉ có giá trị tham khảo mà không phản ảnh đúng thực chất.
Cũng cần biết FIFA xếp hạng một nền bóng đá dựa vào thành tích của đội tuyển quốc gia chứ không phải các đội trẻ, nên việc đội U-23 hay Olympic Việt Nam thành công ở những giải trẻ châu Á không có tác dụng trong việc đánh giá.
Thầy trò HLV Park Hang-seo đang rèn quân hướng đến vị trí thách thức: Số một Đông Nam Á thực thụ. Ảnh: XUÂN HUY
Với tư cách số một Đông Nam Á theo nhìn nhận của FIFA nhưng nếu hỏi bóng đá Việt Nam có hơn đội hạng ba khu vực là Thái Lan hay không thì ai cũng dè dặt. Ngay cả HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận đẳng cấp của người Thái mới là số một. Còn đơn giản hơn là thành tích của họ tại đấu trường Đông Nam Á (AFF Cup) vô đối với năm lần đăng quang. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam sau 12 lần tham gia AFF Cup mới chỉ có một lần vô địch năm 2008.
Sắp tới, ở AFF Cup 2018, người Thái cũng không đặt quá nặng chuyện thắng thua bởi cái đích xa hơn họ muốn ngắm nghía là vòng chung kết Asian Cup 2019 diễn ra sau đó khoảng một tháng. Chính vì thế những trụ cột của Thái Lan đang khoác áo các CLB chuyên nghiệp của Nhật Bản hay Bỉ sẽ không chơi AFF Cup nhưng sẽ trở về thi đấu giải châu Á để nâng tầm nền bóng đá của họ cao hơn.
Riêng với bóng đá Việt Nam, từ năm 2013 VFF đã đưa ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 vào tốp 10 châu Á và phải có 1-2 lần vô địch Đông Nam Á mọi cấp độ (U-23 cho SEA Games và tuyển quốc gia cho AFF Cup). Thế nhưng đã sáu năm sắp sửa trôi qua, chưa có lần nào các đội tuyển Việt Nam thỏa mãn những chỉ tiêu khiêm tốn của mình.
Cho nên thành công ban đầu của các lứa trẻ Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo mới chỉ là nền tảng để phát triển bởi nó không đại diện cho đẳng cấp của một nền bóng đá. Nhưng nếu muốn tạo sự kế thừa cầu thủ xuyên suốt có chất lượng, bắt buộc phải có nhiều trung tâm đào tạo trẻ chất lượng.
Không phải tự nhiên mà Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải - ứng cử viên duy nhất cho chức danh chủ tịch VFF, hay ông Park Hang-seo thường nhắc đến chìa khóa làm giàu bóng đá Việt Nam chính là công cuộc đào tạo trẻ. Vì thế, khao khát của bóng đá Việt Nam là tạo nền móng vững chắc từ các lứa trẻ thì tương lai đội tuyển quốc gia mới trở thành số một Đông Nam Á một cách thực chất.
Còn thời điểm này thì chưa!
Xả hơi trước trận giao hữu cuối cùng Sau trận thắng ngược Seoul FC 2-1, HLV Park Hang-seo cho các học trò xả trại vui chơi cả ngày 26-10. Cả tuần trước đó, thầy Park rất nghiêm khắc yêu cầu cắm trại ở Trung tâm Paju với quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ông Park Hang-seo thừa hiểu nửa tháng huấn luyện ở Hàn Quốc có tác dụng quyết định đến chiến dịch AFF Cup 2018 và bắt buộc các cầu thủ tập trung tối đa tinh lực cho các buổi tập hoặc thi đấu giao hữu. Không có những ca chấn thương trong đợt tập huấn đến lúc này, trừ hai cầu thủ Tiến Linh và Thanh Hào đau nhẹ. Ngày 29-10, đội dự tuyển Việt Nam còn trận đá tập cuối cùng gặp CLB Seoul E-land đang chơi ở giải K-League 2. Sau đó một ngày, thầy trò ông Park Hang-seo trở về Hà Nội tiếp tục tập luyện đến ngày 7-1 mới gút danh sách dự AFF Cup. |
HLV Park Hang Seo quyết giữ bí mật về đội hình ĐT Việt Nam dự AFF Cup đến phút chót.