Bóng đá Việt “khổ” vì Tây
Sau gần 20 năm đi lên chuyên nghiệp, các đội bóng Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng sống dựa vào Tây.
Sau 7 vòng đấu tại V.League 2019, CLB Hà Nội đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Dù đội bóng Thủ đô được ví như đội tuyển quốc gia thu nhỏ thì vẫn phải "sống" dựa chủ yếu vào cầu thủ nhập tịch và ngoại binh.
Theo thống kê, sau 7 vòng đấu, Hà Nội đang có 17 bàn thắng. Trong đó, 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch đóng góp đến 12/17 bàn: Hoàng Vũ Samson ghi 6 bàn, Omar 3 bàn, Oseni 2 bàn.
Ở mùa giải 2018, Hà Nội đã giành chức vô địch cũng với đóng góp của phần lớn các ngoại binh. Cụ thể, Oseni 17 bàn, Hoàng Vũ Samson 15 bàn; còn với các cầu thủ nội khác ở hàng công: Văn Quyết có 7 bàn, Quang Hải 9 bàn và Ngân Văn Đại 5 bàn.
Đây là thực trạng chung của V.League sau gần 20 năm đi lên chuyên nghiệp. Nhìn vào danh sách thống kê các cầu thủ ghi bàn sau 7 vòng đấu tại V.League 2019, ngoài Samson dẫn đầu với 6 bàn thì top cầu thủ ghi được 4 bàn thắng có đến 5 ngoại binh và chỉ duy nhất Văn Toàn (HAGL) là cầu thủ nội.
Một hình ảnh khiến nhiều người sẽ phải suy ngẫm khi cầu thủ nhập tịch Huỳnh Kesley gần chạm mốc 40 tuổi vẫn đá chính cho CLB TP Hồ Chí Minh ở V.League 2019. Câu hỏi được đặt ra, vì các tiền đạo Việt Nam kém hay vì các cầu thủ nhập tịch và ngoại bình hợp với lối chơi V.League?
Cầu thủ Huỳnh Kesley gần 40 tuổi vẫn đá chính ở V.League. Ảnh: H.Đ
Một cựu cầu thủ của Hà Nội ACB chia sẻ: “Đã có thời, V.League cho đá 3 Tây, các thầy cứ mặc định sân khách 2 trung vệ 1 tiền đạo, sân nhà phải đè đối phương ra chơi luôn 2 tiền đạo, 1 trung vệ Tây. Trong mỗi quả đá phạt, Tây lên hết, bóng được câu bổng vào giữa, ngược lại là những quả bị phạt, Tây về hết và kèm nhau. Thậm chí, có lần Thành Lương nói dỗi rằng: HLV dặn gôn có bóng thì ném cho 2 hậu vệ biên, xong đá dài lên cho 2 tây tiền đạo thì cần gì hàng tiền vệ nữa, cho bọn cháu nghỉ thôi.
Đội nào cũng thế, các cầu thủ Châu Phi với thể hình và sức mạnh vượt trội nên họ làm được việc, ghi bàn đều như vắt chanh nên các HLV vẫn dùng. Hệ lụy lớn là các tài năng ở các đội trẻ đôn lên không bao giờ có đất dụng võ. Những vị trí ngon nhất của các đội trẻ, lên đội 1 chỉ chuyên đi bơm bóng, sao có cửa tranh với Tây. Nếu muốn đá, lựa mà dạt ra biên, thế nên mãi không phát triển được”.
Tại V.League 2019, số lượng ngoại binh mỗi CLB được đăng ký và sử dụng trên sân cũng đã được tăng lên là 3. Các đội bóng cạnh việc được đăng ký 1 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài (cầu thủ nhập tịch), mỗi CLB tham dự V.League 2019 sẽ được đăng ký tối đa 3 cầu thủ nước ngoài (tăng 1 cầu thủ so với V.League 2018). Riêng Hà Nội và Bình Dương là những đội tham dự đấu trường châu lục nên được đăng ký tối đa 4 cầu thủ ngoại, trong đó có tối thiểu 1 cầu thủ châu Á (bao gồm Úc).
Rõ ràng đây là thực trạng khiến cho nhiều cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là các cầu thủ ở vị trí tiền đạo khó có cơ hội để phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của đội tuyển quốc gia. Điều này khiến chính HLV Park Hang-seo cũng lo ngại việc này sẽ triệt tiêu đi cơ hội của cầu thủ Việt.
Nhân chuyện truyền thông đề cập đến phong độ không tốt của Hà Đức Chinh ở ĐTQG, HLV Park Hang-seo đã chỉ ra vấn đề là: “V.League đang có một vấn đề. Theo tôi biết, năm ngoái cho 2 ngoại binh thi đấu nhưng năm nay tăng lên tới 3 người. Chúng ta cũng biết là V.League có đến 80% các tiền đạo là ngoại binh, nếu tiếp tục duy trì như thế này thì sắp tới bóng đá Việt Nam rất khó sản sinh ra tiền đạo tốt.
Tôi cho rằng cái đó chúng ta cần suy nghĩ lại xem, việc sử dụng cầu thủ ngoại như vậy có phù hợp với bóng đá Việt Nam hay không. Việc chúng ta tăng thêm 1 cầu thủ ngoại cho các đội bóng liên quan trực tiếp đến bóng đá Việt Nam”.
Đây là thực trạng mà những người làm bóng đá cần phải có tính toán. Với các nền bóng đá phát triển trên thế giới như Anh, Tây Ban Nha, Ý… số ngoại binh ở các đội bóng có thể chiếm quá nửa đội hình. Thế nhưng, theo các chuyên gia thì với các nền bóng đá phát triển đó, bản thân các cầu thủ trong nước của họ cũng tiệm cận đẳng cấp để xuất ngoại sang các nền bóng đá phát triển khác, vì vậy mà họ không tạo ra sự chênh lệch lớn. Cũng vì thế mà các đội tuyển quốc gia của họ cũng chỉ cần tập trung trong vòng 1 tuần, còn với Việt Nam thì khác.
HLV Park Hang-seo đang lên kế hoạch sang châu Âu theo dõi một số cầu thủ Việt kiều thi đấu, nhằm tuyển quân cho ĐTQG. Đây được xem là điều tốt cho bóng đá Việt Nam khi chúng ta có nguồn bổ sung chất lượng cho đội tuyển nếu các cầu thủ đáp ứng tiêu chí. Nhưng đó cũng là điều đáng suy ngẫm về chất lượng thực sự của các cầu thủ tại V.League.
Xử lý hành vi đốt pháo sáng Bộ VH-TT&DL có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm hành vi đốt pháo sáng tại các trận đấu. Trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải chuyên nghiệp quốc gia, Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh trong những năm qua, hiện tượng đốt pháo sáng trên khán đài đã xảy ra nhiều lần trong các trận đấu tại giải bóng đá quốc gia, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hư hỏng tài sản sân vận động, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của khán giả tới sân cổ vũ trận đấu. Bộ VH-TT&DL, VFF đã chỉ đạo và thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn. Vì những hành vi đốt pháp sáng trong các trận đấu, LĐBĐ Việt Nam đã bị LĐBĐ châu Á xử phạt nhiều lần. Đồng thời, các hãng truyền thông quốc tế cũng đưa tin về việc đốt pháo sáng của cổ động viên quá khích Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và hoạt động của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, để giải quyết triệt để hành vi đốt pháo sáng tại các trận đấu bóng đá, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia xem xét, chỉ đạo Công an địa phương có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng cung cấp pháo, tổ chức và đốt pháo sáng trong các trận đấu bóng đá, đồng thời chỉ đạo BTC địa phương phối hợp chặt chẽ với BTC giải để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khán giả tới xem và cổ vũ bóng đá. H.H |
HLV Park Hang Seo đích thân xem Alexander Đặng thi đấu ở CLB Nest Sotra (giải Na Uy).