Bóng đá và chuyện tín ngưỡng đầu năm: Thầy Park và các SAO “mê tín” thế nào?
CLB, quan chức và cả các cầu thủ ở V-League cũng rất tin vào thần linh và duyên số.
CLB Hà Nội đầu năm 2020 này theo thông lệ lại đi lễ, đội ĐKVĐ V-League được cho là đội coi trọng tín ngưỡng nhất ở bóng đá Việt Nam. Từ 10 năm trước đội bóng Thủ đô đã tới những nơi linh thiêng nhất trong thành phố để cúng bái, thậm chí giờ giấc và quần áo cũng phải được xem rất cẩn thận.
ĐT Việt Nam đã chọn khách sạn La Thành để đóng quân khi tập huấn & thi đấu ở Thủ đô kể từ AFF Cup 2008
Bóng đá Việt không thiếu những cầu thủ, quan chức và cả CLB “mê tín”. Dù không mấy ai xem tin thần thánh một cách mù quáng nhưng có nhiều sự kiện đã chứng minh tính đúng đắn của tôn thờ tín ngưỡng và khiến chủ thể càng thêm xem trọng đức tin.
Kể từ năm 2008 khi ĐT Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup, khách sạn La Thành đã trở thành địa điểm tập trung quen thuộc của ĐTQG mỗi khi tập huấn và thi đấu tại Hà Nội. Thời HLV Henrique Calisto thậm chí ông còn chỉ thích ở trên tầng 7 vì cho rằng đây là con số may mắn của ông và đội tuyển.
Chuyện đóng quân ở khách sạn nào sau này còn được học bởi CLB TP.HCM. Khi còn ở hạng Nhất, CLB này có một chuỗi trận không thắng dù đặt mục tiêu lên hạng. Lãnh đạo đội chợt có ý tưởng đưa các cầu thủ ngủ ở khách sạn Đệ Nhất ngày hôm trước mỗi trận đá ở sân Thống Nhất. Sự thay đổi đó bất ngờ kéo theo chuỗi thắng liên tiếp giúp TP.HCM lên V-League.
HLV Park Hang Seo cầu nguyện trên sân tập
HLV Park Hang Seo cũng “mê tín”, một cách dễ hiểu khi thầy Park theo đạo và luôn cầu nguyện trước mỗi trận đấu căng thẳng. Đợt SEA Games 30 vừa qua nhà cầm quân người Hàn Quốc thậm chí còn bỏ trống áo số 10 vì không ai đủ "can đảm" để nhận chiếc áo này trước khi thầy Park chốt danh sách.
Hay như câu chuyện quả cầu đá ở sân Mỹ Đình cũng gây xôn xao bởi ban tổ chức cho dời 40 quả cầu đá bị xích ở phía hướng khán đài B ra chỗ khác nhằm “phá dớp”. Việc này đã bị nhiều người chê là mê tín dị đoan nhưng không ai cãi được rằng từ lúc làm điều đó, ĐT Việt Nam đã toàn thắng cho tới khi hòa Thái Lan hồi giữa tháng 11 năm ngoái.
Những quả cầu đá của sân Mỹ Đình
Các cầu thủ cũng không ít người theo tín ngưỡng. Tiền vệ Tuấn Anh của HAGL không theo đạo nhưng vẫn đeo dây chuyền hình thánh giá và làm dấu trước khi ra sân. Lê Công Vinh khi còn thi đấu đã bán đi một chiếc Mercedes màu đỏ sau một năm toàn chuyện không hay như chấn thương hay vụ lạy trọng tài. Một số cầu thủ còn xăm cả hình Phật trên người để xin được che chở.
Những chuyện mê tín không được xem là xấu bởi ở bóng đá châu Âu cũng không ít cầu thủ & HLV có thói quen đặc biệt của riêng mình. Ivan Rakitic luôn đi giày vào chân trái trước nhưng lại bước ra mặt cỏ bằng chân phải, trong khi HLV Maurizio Sarri không bao giờ chạm vào quả bóng trong lúc trận đấu diễn ra, bất kể bóng ra biên gần chân mình.
Ngoài tài năng, CR7, Pele hay Cruyff còn nổi tiếng với sự lập dị và mê tín.
Nguồn: [Link nguồn]