Bóng đá Trung Quốc cần một người hùng như Rooney
Nếu MU không còn cần đến Wayne Rooney, hãy để người Trung Quốc rước anh tới Viễn Đông, nơi họ cần hơn bao giờ hết một người hùng bóng đá.
Nếu sự nghiệp ở MU của Wayne Rooney thụt lùi dưới thời Jose Mourinho, có một quốc gia ở Viễn Đông sẵn sàng chào đón anh. Đó là Trung Quốc.
Sa cơ lỡ vận ở MU, Rooney có thể sang làm ngôi sao ở Trung Quốc
Tờ Daily Mail mới đây cho biết giải Super League của Trung Quốc sẽ tiếp cận Rooney với một đề nghị hậu hĩnh để Rooney tới khoác áo một đội bất kỳ theo ý muốn của anh. Nói cách khác, không phải một CLB cụ thể mà cả giải Super League Trung Quốc mời Rooney tới thi đấu. Trong hè năm nay họ cũng đã đưa ra lời mời hậu hĩnh như vậy cho Zlatan Ibrahimovic.
Trong thời gian gần đây ngày một nhiều cầu thủ có tiếng tăm từng thi đấu ở châu Âu đã tới Trung Quốc chơi bóng, từ Ramires, Jackson Martinez cho tới Hulk và Ezequiel Lavezzi. Số cầu thủ này tốn tới 250 triệu bảng từ các CLB Trung Quốc trong chỉ năm nay. Không những vậy các doanh nhân Trung Quốc đang ngày một xuất hiện nhiều ở châu Âu để thâu tóm các CLB bóng đá, từ Aston Villa, Atletico Madrid cho tới AC Milan, Inter Milan và sắp tới là Hull City.
Việc theo đuổi Wayne Rooney không có gì ngạc nhiên. Anh là ngôi sao của MU, đội bóng có lượng fan đông nhất thế giới mà trong số đó có một số lượng khổng lồ đến từ châu Á. Rooney lại đang có dấu hiệu bước vào buổi xế chiều của sự nghiệp, và nếu Rooney vẫn thèm muốn một mức lương “khủng” như MU đang trả, Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng cho anh để anh tới chơi ở một giải đấu ít khốc liệt hơn.
Nhưng người Trung Quốc chờ đợi gì ở Rooney ngoài những màn trình diễn chói sáng trên sân cỏ? Nếu nhận lời tới quốc gia đông dân nhất thế giới, Rooney không đơn thuần chỉ đá chơi đá vui và hưởng lương, anh còn phải gánh vác một trách nhiệm to lớn hơn thế.
Cần một tượng đài như Zico với bóng đá Nhật Bản
Tình trạng bóng đá ở Trung Quốc ở lúc này đang rất tệ. Giải Super League dù có bơm hàng trăm triệu bảng mua cầu thủ thì vẫn ngập tràn vấn nạn dàn xếp tỷ số, cầu thủ lương thấp, móc ngoặc nhường điểm giữa các đội bóng và lối chơi bạo lực. Nói cách khác, không kém gì V-League.
Trong nhiều năm Trung Quốc có tư duy phát triển thể thao kỳ cục. Các bộ môn dễ kiếm huy chương Olympic được chú trọng hơn để làm đẹp thể diện quốc gia, bởi số huy chương các môn này rất nhiều còn bóng đá chỉ 1-2 huy chương. Quá trình đầu tư cho bóng đá lại tốn kém hơn bởi phải chi vào cơ sở hạ tầng, sân bãi, thuê người đào tạo v.v...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một fan bóng đá và ông đang thay đổi định hướng của thể thao Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này cũng đang sa sút ở Olympic. Với sự bảo trợ của chính phủ, các CLB Trung Quốc được bơm tiền để mua cầu thủ ngoại và giải Super League lấy lại suất chiếu trên truyền hình quốc gia.
Nhiều CLB đang mở các học viện đào tạo bóng đá để khuyến khích trẻ em học đá bóng, và chính phủ Trung Quốc đang điều chỉnh chương trình giáo dục để các phụ huynh thấy lợi ích của việc cho con em tập thể thao thay vì chỉ chú tâm vào học vấn.
Giải bóng rổ CBA giờ còn ăn khách hơn bóng đá
Nhưng trẻ em Trung Quốc có muốn đi học đá bóng? Nếu không bị cha mẹ cấm đoán, chúng cũng không có lý do gì để theo nghiệp quần đùi áo số khi nhìn thấy những điều chướng tai gai mắt từ nền bóng đá hiện nay. Giải bóng rổ CBA còn thịnh hành hơn vào lúc này nhờ bộ truyện tranh Slam Dunk (của Nhật) lẫn thành công của Yao Ming và Jeremy Lin ở giải NBA.
Bóng đá Trung Quốc cần một người hùng, và Wayne Rooney được kỳ vọng. Giám đốc tiếp thị của LĐBĐ Trung Quốc, Li Jiuquan, nói: “Ngay cả con trai tôi cũng biết mọi thứ về Wayne Rooney, có lẽ chỉ Ronaldo và Messi nổi tiếng hơn Rooney ở Trung Quốc”.
Hai quốc gia có nền bóng đá mạnh ở Viễn Đông là Nhật Bản và Hàn Quốc đã có người hùng của mình. Tiền đạo Cha Bum-Kun chơi ở Bundesliga và làm cảm hứng cho cả một thế hệ tuyển thủ Hàn Quốc sau này như Park Ji-Sung hay Ahn Jung-Hwan. Còn ở Nhật Bản là Zico.
Zico là cảm hứng cho nhiều thế hệ người Nhật yêu bóng đá
Vào năm 1981, Zico và CLB Flamendo dự Cúp Liên lục địa ở Tokyo và ông cùng các đồng đội chỉ mất hiệp 1 để dẫn nhà vô địch C1 châu Âu Liverpool tới 3-0, khiến người Nhật phát cuồng vì bóng đá Brazil (bộ truyện "Đội trưởng Tsubasa" cũng được bắt đầu trong năm 1981).
10 năm sau, Zico rời Bộ thể thao Brazil để sang Nhật đá bóng dù trước đó đã giải nghệ, ông không những biến CLB nhỏ bé Kashima Antler thành một thế lực châu Á mà còn thu hút khán giả tới giải J-League mới ra đời năm 1993, dẫn đến sự bùng nổ của bóng đá Nhật như ngày nay.
Bóng đá Trung Quốc cũng đang chờ đợi một người hùng như thế xuất hiện, và Wayne Rooney có thể là người đó. Nếu tới Trung Quốc và tỏa sáng rực rỡ, “Gã Shrek” sẽ không còn chỉ là một huyền thoại MU nữa, anh sẽ là một tượng đài như Zico ở Nhật Bản.