Bóng đá TP.HCM và nghịch lý “tiền nhiều để làm gì”
Dù có nền tảng tài chính thuộc hàng dư giả tại V-League nhưng hai đội bóng của TP.HCM là TP.HCM FC và Sài Gòn FC lại chưa thể đáp ứng kỳ vọng.
Nhà giàu cũng khóc
Mùa giải V-League 2022 đang chứng kiến phong độ cực thất vọng của hai đội bóng TP.HCM khi đều ngụp lặn ở cuối bảng xếp hạng.
Sau vòng 9, CLB TP.HCM có 6 điểm, đứng thứ 12 trong khi CLB Sài Gòn còn tệ hơn với 4 điểm, đứng cuối cùng.
CLB TP.HCM (phải) đang có thành tích không như ý tại V-League 2022. Ảnh: VPF
Nếu không sớm cải thiện phong độ, bộ đôi này sẽ đối diện với cuộc đua trụ hạng ở giai đoạn lượt về. Còn nhớ, mùa giải 2021, trước khi V-League bị hủy do dịch bệnh, CLB TP.HCM (14 điểm) và CLB Sài Gòn (13 điểm) cũng góp mặt ở top cuối.
Thực tế, cả CLB TP.HCM lẫn Sài Gòn FC đều thuộc hàng lính mới. Đội bóng áo đỏ lên chơi ở V-League năm 2017 sau nhiều năm ngụp lặn ở các hạng dưới.
Đội bóng áo hồng xuất hiện ở sân chơi V-League trước đó 1 năm, tiền thân là CLB Hà Nội 2. Tuy vậy, nếu so sánh với những tân binh khác như CLB Viettel hay CLB Bình Định, hai đại diện bóng đá TP.HCM kém ổn định hơn nhiều.
CLB TP.HCM từng về nhì mùa giải 2019 trong khi CLB Sài Gòn về thứ ba mùa giải 2020. Nhưng đó là tất cả những gì bộ đôi trên làm được trước khi lâm vào khủng hoảng.
Thực trạng này rất khó chấp nhận với người yêu bóng đá TP.HCM bởi hai CLB đều thuộc hàng dư giả, có nền tảng tài chính ổn định.
Về lý thuyết, với sự đầu tư lớn, cả hai phải trở thành thế lực tại V-League, nhưng ngược lại, họ chỉ để lại nỗi thất vọng. Sự sa sút của Sài Gòn FC phần nào đó được lý giải bởi sự chuyển giao cách đây hơn 2 năm với bộ máy lãnh đạo, ban huấn luyện hoàn toàn mới. Nhưng, CLB TP.HCM chẳng có cuộc thay máu nào và vẫn chìm nghỉm.
Bên cạnh thành tích nghèo nàn, hai đội bóng này còn không tạo ra được bản sắc rõ rệt trong lối chơi. Hiện tại, có thông tin cả CLB TP.HCM lẫn người hàng xóm đều đang có ý định thay tướng nhằm cứu vãn tình thế.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thuyền trưởng phù hợp chẳng hề dễ dàng bởi trước đó họ đã liên tục thay đổi người “ngồi ghế nóng” nhưng hiệu quả mang lại rất thấp.
Câu chuyện ở thượng tầng?
HLV Triệu Quang Hà nhìn nhận, CLB Sài Gòn thi đấu không đáp ứng được kỳ vọng là do con người chưa đủ chất lượng, sử dụng nhiều cầu thủ trẻ trong khi ngoại binh chỉ ở mức vừa phải nên không thể bật lên.
Còn về phía CLB TP.HCM, theo ông Hà, đoàn quân áo đỏ dường như gặp vấn đề ở khâu quản trị, thiếu định hướng rõ ràng.
“Từ cách tìm HLV, tuyển chọn cầu thủ, tôi có cảm giác CLB TP.HCM chưa xác định được hướng đi rõ ràng nên cứ mãi loay hoay. Họ đưa về một loạt cầu thủ trước khi HLV Polking rời đi, nhưng khi HLV Trần Minh Chiến lên nắm quyền, ông Chiến lại không thể chiêu mộ những bản hợp đồng chất lượng. Công tác tuyển dụng ngoại binh của họ cũng có vấn đề khi hầu hết cầu thủ nước ngoài tới đều gây thất vọng.
Sài Gòn FC có định hướng rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ và sử dụng các HLV có gốc gác từ CLB hoặc ít nhất liên quan tới CLB. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều cầu thủ trẻ trong khi nội binh lẫn ngoại binh không có cái tên nào thực sự nổi bật khiến đội bóng áo hồng gặp khó”.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng đánh giá, vấn đề của hai đội bóng TP.HCM nhiều khả năng nằm ở thượng tầng.
“Họ có một sân vận động tốt, làm hình ảnh tốt, có tuyến đào tạo trẻ cùng bộ máy được kiện toàn. Về mặt mô hình CLB chuyên nghiệp tôi đánh giá cả hai đều cơ bản hoàn thiện nhưng lại không thể phát huy để tạo thành sức mạnh đưa đội bóng vượt lên. Nút thắt nhiều khả năng nằm ở thượng tầng, những thứ chúng ta không nhìn thấy được”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng không tán đồng quan điểm việc hai CLB của bóng đá TP.HCM trồi sụt là do xáo trộn lực lượng quá nhiều: “Tôi cho rằng cách lựa chọn con người, lối chơi của họ không hề tệ. Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường. Vấn đề của họ có lẽ là có tạo ra được một tập thể đủ thanh thoát, tập trung 100% cho chuyên môn hay không”.
Bên cạnh đó, theo hai vị chuyên gia, tác động của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua khiến CLB TP.HCM và Sài Gòn FC bị ảnh hưởng nặng nề. “TP.HCM là địa phương bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh nhiều nhất, mọi đời sống xã hội đều đảo lộn và đang trên đà phục hồi. Bóng đá đương nhiên không thể nằm ngoài guồng quay này”, ông Tùng nói.
Ở góc nhìn khác, bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định, CLB Sài Gòn và CLB TP.HCM đều có những đầu tư kém hiệu quả, không đem lại cú hích về chuyên môn: “CLB TP.HCM sở hữu Học viện đào tạo trẻ hợp tác cùng Juventus nhưng chưa có cái tên nào sáng giá ra lò bổ sung cho đội 1. Sài Gòn FC thì đưa cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu dù những cầu thủ đó đá trong nước còn chưa vững nên chẳng giúp ích gì. Ngoài ra, tôi có cảm nhận cả hai không thực sự máu lửa và có mục tiêu cụ thể khi đầu tư”.
Nguồn: [Link nguồn]
Hà Nội và SLNA phải so tài trực tiếp ở vòng 10 V-League 2022 diễn ra giữa cuối này sẽ quyết định ngôi đầu bảng khi đôi bên đang cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Trong khi đó,...