Bóng đá SEA Games: Khi ‘vua’ mất giá
Sau tám kỳ SEA Games (từ SEA Games 21 năm 2001) dùng đội U-23 thay đội tuyển, bóng đá Đông Nam Á lại đứng trước nguy cơ hạ giá sân chơi bóng đá SEA Games xuống ở đội tuổi U-21.
Dự kiến đến SEA Games 29 - 2017 tại Malaysia, môn bóng đá sẽ tiếp tục giới hạn tuổi khi kéo từ U-23 xuống còn U-21. Vấn đề này chỉ chờ Hội đồng Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) thông qua là bóng đá nam SEA Games sẽ chỉ phục vụ cho lứa tuổi U-21.
Điều đáng chú ý là ý tưởng này được phía LĐBĐ Malaysia đưa ra và Tổng Thư ký LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) Azzuddin Ahmad cũng là người Malaysia đã ủng hộ tuyệt đối ý tưởng này. Một chi tiết khác cũng đáng lưu ý là trụ sở của AFF, AFC đều nằm ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Trong ba tổ chức AFF, AFC cũng như Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, số lượng quan chức người Malaysia chiếm áp đảo và họ đều nắm những ghế chóp bu nên có thể nói việc U-21 đá SEA Games chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sân chơi SEA Games từ cấp đội tuyển nay sắp bị hạ giá xuống thành sân chơi U-21. Ảnh: XUÂN HUY
Theo như mô tả của báo chí Malaysia ra ngày hôm qua (5-11) thì AFF đã thống nhất phương án trên, chỉ chờ ngày trình duyệt của SEAGF.
Lý luận của các quan chức AFF cho rằng đó là cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách trình độ bóng đá trẻ. Tổng Thư ký AFF Azzuddin Ahmad nói: “Chúng ta đã có giải U-16, U-17, U-19 Đông Nam Á nhưng không có U-21 nên nhất định phải tạo ra một sân chơi cho U-21 để giúp các tuyến trẻ đều có cơ hội như nhau.
Đồng thời, đội U-21 ra đời tham dự giải lớn như SEA Games thì cũng là “giải chuyển tiếp” để đội trẻ này tiếp tục tham dự vòng loại Olympic, ASIAD. Nếu SEA Games 29 - 2017 tới các đội U-21 tham dự thì đó sẽ là bước chạy đà, chuyển tiếp để tập thể này tham dự vòng loại Olympic Tokyo 2020 khởi tranh vào năm 2018 và 2019…”.
Ý tưởng trên cũng được LĐBĐ Singapore (FAS) ghi nhận tích cực và họ có dấu hiệu ủng hộ.
Theo mô tả của tờ Today (Singapore) thì phía Singapore đã gần như “bật đèn xanh” cho kế hoạch này. Tờ báo cũng đề cập chi tiết các quan chức Malaysia nằm trong các bộ máy AFF, AFC quá đông, đồng thời Malaysia cũng là thủ phủ AFF, AFC khiến việc phối hợp với Ủy ban Olympic Malaysia tạo thành một thế lực lớn trình lên SEAGF gần như không gặp trở ngại gì.
Trong cách bình luận của tờ Today thì có vẻ như kế hoạch U-21 đá SEA Games 29 thay cho U-23 chỉ còn chờ “dấu đỏ” của các tổ chức liên quan như SEAGF và AFC mà thôi. Phía Malaysia có dùng “chút quyền” là chủ nhà cùng sự lấn át số lượng quan chức người Malaysia trong các tổ chức trên và muốn ghi dấu ấn lịch sử trong hai sự kiện U-23 và U-21 bắt đầu dự SEA Games đều diễn ra tại đất nước mình.
Theo chính kiến riêng của chúng tôi thì SEA Games là một đại hội thể thao, nó cũng giống ASIAD hay Olympic nhưng phạm vi ở mức khu vực Đông Nam Á. Bóng đá nam ASIAD là sân chơi tương tự Olympic, mỗi đội bóng được phép đăng ký tối đa năm cầu thủ trên 23 tuổi và cho phép trên sân có ba cầu thủ trên 23 tuổi mỗi đội.
Phương châm của Olympic và ASIAD xưa nay khi tăng cường các cầu thủ trên 23 tuổi là để giải đấu tăng thêm sức hấp dẫn. Đằng này Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) không làm theo phương châm này (tức cho đăng ký năm cầu thủ trên 23 tuổi, cho ra sân ba cầu thủ) để cho môn bóng đá của đại hội thêm thu hút. Đã thế lại còn giảm đi tính đối kháng bằng việc hạ giá bóng đá qua việc tạo sân chơi trẻ.
Còn nếu như thực sự muốn giúp các đội U-21 quốc gia có thêm các giải quốc tế để cọ xát thì AFF có thể tạo ra sân chơi riêng như giải U-17, U-19 của riêng AFF.
Chưa thấy các quốc gia thành viên ủng hộ hay phản đối kế hoạch này nhưng có lẽ VFF có thành viên tham gia AFF, AFC cũng cần nêu chính kiến vì quyền lợi của bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung thay vì cứ hạ giá dần sân chơi bóng đá SEA Games.