Bóng đá nữ Việt Nam lỡ cơ hội dự World Cup: Đầu tư vẫn chưa bài bản
Việc tuyển nữ Việt Nam mất vé dự World Cup 2015 vào tay Thái Lan khiến không ít người buồn lòng. Nhưng thực tế phải thừa nhận bóng đá nữ Thái Lan đã có những bước tiến vượt bậc sau khoảng gần 7 năm đầu tư căn cơ với chiến lược rõ ràng…
7 năm và 1 ngày
Cách đây gần 7 năm, tại SEA Games 2007 khi Thái Lan là chủ nhà, họ đã cho ra mắt một lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng: Sunisa (SN 1988), Supaporn (SN 1985), Anootsara (SN 1986), Nisa (SN 1990)… Thời điểm đó, những cái tên nói trên đã chơi đầy tự tin, thắng thuyết phục tuyển nữ Việt Nam (vốn đang thống trị bóng đá nữ khu vực với 3 danh hiệu vô địch SEA Games liên tiếp vào các năm 2001, 2003, 2005) với tỷ số 2-0.
Bóng đá nữ Việt Nam đã bị Thái Lan (phải) vượt qua.
Từ đó, lứa cầu thủ này vẫn liên tiếp được đầu tư theo kiểu “gà nòi”. Trao đổi với báo chí tại ASIAN Cup 2014, bà Nuengrutai Srathongvian - HLV tuyển nữ Thái Lan nói: “Bên cạnh việc duy trì “thế hệ 2007”, những năm qua, chúng tôi vẫn không ngừng phát hiện thêm “ngọc thô” từ thể thao học đường để tiếp nối, tạo nên một đội tuyển Thái Lan đủ mạnh, trước hết là để trở lại vị trí số 1 Đông Nam Á. Sau đó, mới tính tới chuyện khẳng định mình trên đấu trường châu Á. Khi cơ hội dự World Cup tới, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và không bỏ lỡ”.
Vậy nên, đằng sau việc mất vé dự World Cup, nếu có trách thì trách bóng đá Việt Nam bao năm qua đã không đầu tư đúng mức cho đội tuyển nữ. Khoảng thời gian ngắn ngủi tập huấn tại Trung Quốc (từ 11 - 25.4) và Hàn Quốc (26.4 - 8.5) chẳng khác nào “no dồn, đói góp”. Trong khi đó, Thái Lan đã có những bước đi bài bản, khoa học từ 6-7 năm nay.
“Bóng đá không phải làm ngày một ngày hai mà được. Chúng ta càng không nên lấy chuyện sức ép ra để ngụy biện, mà phải khẳng định rõ sự chênh lệch về trình độ giữa hai đội. Theo tôi, Thái Lan còn chịu nhiều sức ép hơn chứ: Đá sân khách, phải quyết đấu với Myanmar ở trận cuối vòng bảng, được nghỉ ít hơn chúng ta 1 ngày” - chuyên gia Lê Thế Thọ nhấn mạnh.
Đừng để sự nuối tiếc lặp lại
Xung quanh tấm vé dự World Cup 2015, cần phải khẳng định rõ đây là “món quà” mà CHDCND Triều Tiên (bị cấm tham dự World Cup 2015 do có 5 cầu thủ bị phát hiện dùng doping ở World Cup 2011) trao cho khu vực Đông Nam Á. Nên thay vì tiếc nuối quá lâu khi mất vé dự World Cup, hãy dành tâm sức suy nghĩ để làm sao không phải tiếc nuối thêm nhiều lần nữa.
"Ngoài việc mở rộng số đội bóng tại các địa phương, chúng ta còn có thể tận dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Mỹ Đình) để lựa chọn “gà nòi” đào tạo theo cách mà Thái Lan đang làm”. Ông Phan Anh Tú |
Trao đổi với NTNN sáng 22.5, HLV Nguyễn Thành Vinh trăn trở: “Nếu trong tương lai, một “món quà” tương tự lại đến và cánh cửa dự World Cup lại mở ra thì liệu bóng đá nữ Việt Nam có tận dụng được không? Và nếu như trường hợp này đến với bóng đá nam, thì chúng ta còn tiếc nuối đến cỡ nào?
Đây là lúc tất cả những người làm bóng đá Việt Nam từ cấp câu lạc bộ cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa đặc biệt của công tác đào tạo trẻ. Chỉ có đào tạo trẻ tốt mới có thể giúp bóng đá nước nhà phát triển bền vững. Khi đó, chúng ta mới có thể sẵn sàng khẳng định mình trên đấu trường châu lục, trước khi nghĩ tới ngày có mặt ở ngày hội bóng đá thế giới”.
Ông Phan Anh Tú - Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ cho biết: “Theo tôi, ngoài giải vô địch quốc gia (hiện nay có 6 đội với khoảng 180 cầu thủ để chọn lựa cho đội tuyển), cần có một giải đấu thấp hơn. Đây là nơi để nhiều địa phương bước đầu làm bóng đá nữ có thể tham gia. Khi càng có nhiều cầu thủ, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho đội tuyển”.