Bóng đá nữ Việt Nam có tiền "lót tay", lương khủng: Nhất thời hay một cuộc cách mạng?
Đến CLB Thái Nguyên, hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh nhận 250 triệu đồng/năm lót tay cùng 30 triệu đồng tiền lương/tháng. Tương tự, cầu thủ Lê Hoài Lương cũng nhận 200 triệu đồng/năm lót tay và 30 triệu đồng tiền lương/tháng. Họ là những trường hợp đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam được hưởng lót tay. Và họ cũng là những cái tên hiếm hoi được đãi ngộ tốt đến như vậy về chuyện lương bổng.
Chủ tịch nước: Sự thành công tại SEA Games 31 là dấu mốc lịch sử của bóng đá nước nhà Trắng đêm xếp hàng đợi nhận giấy mời xem bóng đá nữ
Câu chuyện TP.HCM không chấp nhận ký thanh lý hợp đồng với hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh cũng như Lê Hoài Lương, sau khi cả hai hết hạn giao kèo với đội bóng phía Nam và bày tỏ nguyện vọng đến Thái Nguyên, cuối cùng cũng đã có hồi kết. Cả hai vừa có buổi ký hợp đồng và ra mắt đội bóng vùng chè. Nhưng câu chuyện vẫn chưa khiến người ta hết bất ngờ về Mỹ Anh và Hoài Lương.
Bởi trong buổi lễ ấy, CLB Thái Nguyên thông báo một sự kiện quan trọng. Đó là Mỹ Anh và Hoài Lương chính là những trường hợp đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam có tiền lót tay. Cụ thể, trong thông cáo báo chí chính thức của Thái Nguyên ghi rõ: “Hậu vệ tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Mỹ Anh, người hùng World Cup bóng đá nữ Việt Nam đã được Thái Nguyên đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 500 triệu cho 2 năm hợp đồng, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Một cầu thủ khác là Lê Hoài Lương cũng được đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 400 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng và tổng thu nhập là 30 triệu đồng/tháng”.
Mỹ Anh, Hoài Lương trở thành những cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam có “lót tay”.
Đội bóng vùng chè khẳng định: “Việc lần đầu tiên có chi phí hỗ trợ ký hợp đồng với bóng đá nữ không chỉ mang ý nghĩa cải thiện đời sống các cầu thủ. Quan trọng hơn, đây còn là bước tiến lịch sử, là kim chỉ nam hướng tới sự chuyên nghiệp hoá của bóng đá nữ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Sau nhiều thăng trầm, vất vả, nhưng bằng sự cố gắng không biết mệt mỏi, cầu thủ nữ cuối cùng đã được định giá như những ngôi sao bóng đá nam khác. Nhưng điều quan trọng hơn là họ được ghi nhận giá trị. Những bản hợp đồng này sẽ mở ra tương lai cho bóng đá nữ Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề để bóng đá nữ có được những cơ hội cải thiện đời sống cho các cầu thủ. Nói đúng hơn, các cầu thủ có thể sống được bằng nghề. Những bản hợp đồng sẽ tạo cú hích cho việc đào tạo. Những cầu thủ trẻ nhìn thấy tương lai của mình ở những bản hợp đồng như thế. Đó mới là điều bóng đá nữ cần có để tạo ra sự phát triển căn cơ, lâu dài”.
Chia sẻ sau buổi lễ ký kết hợp đồng, Mỹ Anh và Hoài Lương cũng không giấu nổi niềm hạnh phúc với một chế độ tốt như vậy ở đội bóng mới Thái Nguyên. Dù từ chối việc nói về lương, thưởng ở đội bóng cũ TP.HCM nhưng theo tìm hiểu, cả hai đều không nhận trên 15 triệu đồng/tháng tiền lương tại TP.HCM trước đó.
Cũng vì nhận một khoản tiền lớn chưa từng có trong cuộc đời, Mỹ Anh đã sớm nghĩ về kế hoạch sử dụng sao cho hợp lý. Cô tâm sự rằng mình sẽ dành dụm tiền, không chỉ gửi cho bố mẹ mà còn là phục vụ cho công việc sau này nếu như đến một thời điểm không còn chơi bóng đá. Việc Mỹ Anh, Hoài Lương có tiền lót tay lên đến cả trăm triệu quả thực thúc đẩy giấc mơ và sự tận tâm hơn của những cầu thủ trẻ Thái Nguyên.
Hà Thị Thùy, cầu thủ thuộc sản phẩm đào tạo của Thái Nguyên vừa từ đội U19 lên đội 1 CLB này đang nhận mức tổng số tiền là 9 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản sinh hoạt phí, tiền điện, tiền nước, Hà Thị Thùy còn 4 triệu đồng/tháng. Cô chia sẻ, kể từ khi Thái Nguyên có nhà tài trợ mới, thu nhập của bản thân đã tăng gấp 3 lần. Bởi trước kia, số tiền mà Thùy tằn tiện dành dụm chỉ dừng lại mức 1,5 triệu đến 1,7 triệu đồng/tháng.
Trẻ như Thùy còn đỡ. Chứ như nhiều cầu thủ đã cứng tuổi ở Thái Nguyên thì mức thu nhập chưa đến 8 chữ số trong một tháng khiến họ nản lòng. Vậy nên, Thái Nguyên từng chứng kiến trường hợp nhiều cầu thủ bỏ đi làm công nhân, thợ may vì bóng đã không thể nuôi nổi bản thân, chứ đừng nói là gia đình. “Việc chị Mỹ Anh, Hoài Lương có lương, lót tay là động lực lớn để chúng em phấn đấu”, Hà Thị Thùy tâm sự. “Mong một ngày nào đó, chúng em cũng sẽ được như vậy”.
Dẫu vậy, cũng cần phải nói rằng, câu chuyện Mỹ Anh, Hoài Lương vẫn chỉ là một điểm sáng nhỏ trong bức tranh còn nhiều u tối và gian khổ của bóng đá nữ Việt Nam. Có thể, Thái Nguyên đang được hậu thuẫn bởi một tập đoàn rất mạnh ở Việt Nam. Điều đó đủ giúp họ có thể sẵn sàng tạo nên một bước ngoặt lớn trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng 5-6 đội bóng nữ Việt Nam còn hiện diện lúc này như TP.HCM, Hà Nội, Than KSVN hay Phong Phú Hà Nam đều chưa thể gọi là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” để có thể mở ra một con đường xán lạn cho cầu thủ nữ Việt Nam. Việc duy trì tuyển quân, đào tạo và thi đấu thôi cũng đã là cả những thách thức và nỗ lực tuyệt vời của các đội bóng này. Vậy nên, lót tay, lương cao xem ra vẫn sẽ còn là một giấc mơ nhiều truân chuyên với cả nền bóng đá nữ Việt Nam.
Sự lột xác của bóng đá Thái Nguyên Ngày 21/11/2019, với sự hỗ trợ của tập đoàn T&T, thu nhập của các huấn luyện viên, cầu thủ Thái Nguyên đã tăng lên, đạt mức cơ bản và phù hợp với mức thu nhập của các đội bóng khác trong cả nước; đồng thời, đầu tư đầy đủ trang thiết bị tập luyện, thi đấu theo yêu cầu huấn luyện, đảm bảo cung cấp đầy đủ kinh phí cho đội bóng tập huấn, tham gia các giải trong nước. Cũng từ cột mốc này, bóng đá nữ Thái Nguyên chính thức “chuyển mình”, từng bước thoát khỏi cảnh “sáng làm công nhân, chiều ra sân đá bóng”. Đời sống các vận động viên dần được nâng cao, điều kiện cơ sở vật chất được sửa sang hiện đại, tiện nghi hơn. Mức thu nhập trước đây chỉ có 1,3 triệu đồng đã được cải thiện lên mức khoảng 10 triệu đồng/cầu thủ. Lần đầu tiên, các cô gái đá bóng của xứ gang thép được nhận tiền thưởng 50 triệu đồng cho 1 trận thắng và 20 triệu đồng cho một trận hòa. Xác định mục tiêu hàng đầu là đưa bóng đá nữ Thái Nguyên hiện diện trên bản đồ quyền lực của bóng đá nữ Việt Nam, có khả năng cạnh tranh chức vô địch, trong thời gian tới đây, tập đoàn T&T đã và đang tiếp tục đầu tư, đặc biệt ủng hộ việc CLB chủ động tìm kiếm các nhân sự chất lượng bổ sung. Ban lãnh đạo CLB Thái Nguyên đặt mục tiêu trong 3-5 năm tới đây, CLB sẽ bước lên ngôi hậu tại Giải Vô địch bóng đá nữ quốc gia. |
Đội tuyển nữ Việt Nam vào bảng đấu dễ thở ở giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2022 nhưng HLV Mai Đức Chung vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá các đối thủ.
Nguồn: [Link nguồn]