Bóng đá & những cuộc chiến (Kỳ 3)
Một trong những lý giải đáng chú ý nhất trong nhiều năm qua của giới học giả về chế độ phát xít Đức là sự thừa nhận “tính cách” lôi cuốn của Adolf Hitler. Trùm phát xít khiến cả triệu người Đức phải tôn sùng bằng sự khôn ngoan, mưu mẹo và khả năng diễn thuyết đại tài. Duy nhất một điều Hitler không thể ngờ đến, đó là thất bại của đội tuyển bóng đá quốc gia.
Bóng đá gắn liền với cuộc sống, kể cả những cuộc chiến với nhiều mất mát của nhân loại. Nhìn lại lịch sử của bóng đá thế giới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những câu chuyện khó quên của giới túc cầu giáo với những cuộc chiến tranh đã qua. |
Kỳ 3: “Chủng tộc thượng đẳng” chào thua môn thể thao vua
Olympic 1936 và sự hổ thẹn của Hitler
Ngày 26/04/1931, Berlin đã giành quyền đăng cai trước Barcelona (Tây Ban Nha) tại kỳ họp lần thứ 29 của IOC tại Barcelona (2 năm trước khi Phát Xít lên nắm quyền tại Đức). Đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng Ủy ban Olympic Quốc tế phải tập hợp để bầu chọn ở một thành phố cũng đang cạnh tranh quyền đăng cai.
Với ưu thế là nước chủ nhà, Đức mấy không khó khăn trong việc giành thứ hạng cao nhất trên bảng tổng sắp huy chương với 33 HCV, 26 HCB và 30 HCĐ, vượt xa con số 20 HCV, 20 HCB và 12 HCĐ của nước Mỹ. Nhưng thành tích ấy không thể đổi lại nụ cười trên gương mặt kẻ đã cố công xây dựng lý thuyết về “chủng tộc Đức thượng đẳng”. Vì ngày 07/08/1936, Na Uy đã hạ gục chủ nhà tại nội dung thi đấu đề cao tính tập thể nhất: Bóng đá.
Có mặt trong số 55.000 khán giả trên SVĐ Berlin Poststadion, ít ai biết được rằng đó mới là lần đầu tiên Hitler dự khán một trận đấu của ĐT Đức. Trong nỗ lực trỗi dậy của đế chế Hitler, đảng Quốc xã đã bổ nhiệm Felix Linnemann là người đứng đầu của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB). Linnemann được giao toàn quyền kiểm soát DFB, từ việc bổ nhiệm HLV đến lựa chọn cầu thủ. Tên tay sai có quyền lực lớn nhất làng túc cầu Đức đương thời luôn mang trong mình nhiệm vụ tối thượng: truyền bá những tham vọng chính trị của Chủ nghĩa phát xít vào các màn so tài trên sân cỏ.
Hitler không dành sự ủng hộ cho bất kỳ CLB nào, không bao giờ tham gia vào một hoạt động liên quan đến bóng đá. Một sử gia người Đức từng viết: “Thế vận hội Berlin 1936 là lần hiếm hoi người ta thấy Hitler có mặt trên khán đài trong một trận đấu của ĐT Đức. Hitler khẽ mỉm cười khi cầu thủ hai đội cùng giơ tay chào kiểu phát xít. Nhưng đối thủ của ĐT Đức lại khiến Hitler một phen bẽ mặt khi thi đấu hết sức tập trung và giành chiến thắng”.
Chính là trận đấu tại tứ kết môn bóng đá nam Olympic 1936 giữa Đức và Na Uy. Với việc chỉ cho phép các thành viên của Chủng tộc Aryan tham dự Thế vận hội, có thể hiểu được rằng Hitler đặt rất nhiều kỳ vọng vào thành công trong việc truyền bá niềm tin ý thức hệ về chủng tộc thượng đẳng. Thắng Luxembourg 9-0 ở trận mở màn, các cầu thủ Đức mang lại cho Hitler rất nhiều hy vọng. Đối đầu với Na Uy, họ được chống lưng nhờ yếu tố sân nhà cùng sự tự tin ở 8 màn chạm trán liên tiếp trước đó bất bại.
“Hitler không thể chứa nổi cơn giận của mình. Ông ngay lập tức đứng dậy và bỏ đi và không bao giờ trở thành khán giả của một trận đấu bóng đá nữa”, báo chí Đức số ra ngày 08/08/1936 khép lại những dòng bình luận về trận đấu với Na Uy. Ngay sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài người Anh, Arthur Willoughby Barton, ĐT Đức đã dồn hết lên phần sân còn lại gây sức ép vô cùng ghê gớm về phía cầu môn đối phương. Và họ phải trả giá ở ngay phút thứ 7, khi Isaksen một mình một bóng lừa qua thủ môn đội chủ nhà, đưa Na Uy vươn lên dẫn trước 1-0. Trận đấu khép lại cùng chiến thắng 2-0 cho đội khách, Isaksen lập cú đúp ở phút 83.
Hitler dự khán trận Đức – Na Uy năm 1936
Hitler và tội ác diệt chủng
Ở bài viết này, chúng ta không đề cập đến tội ác giết chết hàng triệu người Do Thái của tên trùm phát xít Đức. Hitler bị giới mộ điệu nguyền rủa vì từng cướp đi sinh mạng của một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế kỉ 20: Tiền đạo người Áo gốc Do Thái, Matthias Sindelar.
Năm 1938, quân đội phát xít tràn vào chiếm đóng nước Áo, hai nước được sáp nhập làm một. 9 cầu thủ của Áo được gọi bổ sung vào đội hình ĐT Đức tham dự World Cup 1938. Bị loại ngay từ vòng đầu sau trận thua Thụy Sỹ 2-4 dù đã có 2 bàn vươn lên dẫn trước, những kẻ mang tư tưởng phát xít đổ hết trách nhịêm lên đầu Matthias Sindelar. Đội trưởng ĐT Áo tại World Cup 1934 từ chối tham gia vào đội ngũ của Hitler để rồi chưa đầy 1 năm sau (23/01/1939), quân đội Đức báo cáo rằng Sindelar đã chết trong thành phần quân phản loạn.
Năm 1999, trong cuộc bình chọn của Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá quốc tế (IFFHS), Matthias Sindelar trở thành cầu thủ Áo xuất sắc nhất thế kỷ 20. Chỉ có 11 năm chơi bóng đỉnh cao (1926-1937), lẽ ra Sindelar đã có thể để lại nhiều hơn nữa những dấu ấn trong môn thể thao vua. Tiếc rằng, thời của ông lại trùng với thời của Hitler…
Matthias Sindelar (thứ 5 từ trái sang)
Thế chiến II (1939-1945) gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội và tất nhiên nó bao gồm cả bóng đá. World Cup 1942 và 1946 đã không thể diễn ra, người Do Thái từ trước đó không được phép tham gia vào những cuộc thi đấu của 22 người trên sân cỏ. Rốt cuộc thì Hitler đã không thể thành công trong việc xây dựng Thế vận hội 1936 thành một màn kịch phục vụ ý đồ chính trị với thất bại của ĐT Đức. Nhưng để có một điều ước, nhưng ai yêu mến túc cầu đương thời chắc chắn sẽ ước: giá như đừng tồn tại Hitler…
Kiểu chào mà Hitler bắt các cầu thủ phải thực hiện tại Olympic 1936 vẫn là một nỗi ám ảnh với thế giới bóng đá đương đại. Ngày 18/03/2013, Liên đoàn bóng đá Hy Lạp (HFF) quyết định vĩnh viễn không triệu tập tiền vệ Giorgos Katidis của AEK Athens lên ĐTQG mọi cấp độ. Hai ngày trước đó, trong trận đấu với Veria, Katidis đã giơ cánh tay phải lên trước mặt với 5 đầu ngón tay chụm vào nhau, sau khi khi bàn thắng cho đội nhà. HFF đưa ra thông báo với nội dung: “Katidis đã xúc phạm nghiêm trọng đến tất cả các nạn nhân của phát xít Đức. Đó là một nỗi hổ thẹn không chỉ của Hy Lạp mà là của toàn thế giới”. * Mời các bạn đón đọc Bóng đá & những cuộc chiến (Kỳ 4) vào 7h sáng Thứ Ba (30/4). |