Bóng đá nam SEA Games 29: Đông Nam Á “đấu” chủ nhà Malaysia
Nước chủ nhà Malaysia hiện vẫn bảo lưu quyền được tự chọn bảng đấu ở môn bóng đá nam SEA Games 29, bất chấp phản đối từ các quốc gia khác. Khả năng Malaysia nhượng bộ dù vậy khá thấp.
Như Tiền Phong đưa tin, tại SEA Games 29 nước chủ nhà Malaysia đang đòi hỏi được quyền tự chọn bảng đấu ở môn bóng đá nam. Theo đó 11 nước tham gia sẽ tiến hành bốc thăm để chia làm hai bảng. Sau khi đã chọn ra 4 đội mỗi bảng, Malaysia được quyền chọn bảng yêu thích, và bảng đấu này nghiễm nhiên chỉ có 5 đội. Hai quốc gia còn lại chưa được bốc thăm phải rơi vào bảng còn lại.
Chủ nhà U22 Malaysia được hưởng lợi về chuyên môn khi được chọn bảng đấu tại SEA Games 2017.
Phương án trên đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên trong phản ứng mới nhất, Malaysia khẳng định sẽ không thay đổi phương án trên, đồng thời tuyên bố, Việt Nam khi làm chủ nhà SEA Games 22 (2003), cũng được tự chọn bảng đấu.
Trên thực tế theo tìm hiểu, năm 2003 Việt Nam đã chọn bảng A, tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên ngoài Việt Nam thì 3 đội khác cũng được quyền chọn bảng đấu trước khi bốc thăm là đương kim vô địch Thái Lan, Á quân Malaysia và Singapore. “So sánh của Malaysia là không hợp lý bởi việc chọn bảng đấu của chúng ta khi đó thuần tuý về mặt địa điểm tổ chức. Với tư cách chủ nhà, việc Việt Nam chọn bảng A diễn ra ở Hà Nội là bình thường. Trong khi phương án hiện nay của Malaysia hướng tới lợi thế về chuyên môn”-một lãnh đạo cấp cao Tổng cục TDTT hôm qua phân tích với Tiền Phong.
Theo kế hoạch, ngày hôm nay tại Khánh Hoà sẽ diễn ra cuộc họp thường niên của Hội đồng bóng đá Đông Nam Á (AFF). Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho biết, VFF sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra để các quốc gia có ý kiến với Malaysia. Ông Tuấn cho biết liên đoàn bóng đá nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng cùng quan điểm với Việt Nam, không đồng tình với phương án bốc thăm do Malaysia đưa ra.
Trước đó, Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) và VFF cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Olympic Malaysia, BTC SEA Games 29 của nước này và Liên đoàn bóng đá Malaysia để bày tỏ sự không đồng tình. Mặc dù vậy, một lãnh đạo VOC cho biết, khả năng Malaysia thay đổi ý định là khá thấp.
Trong trường hợp nước này nhất quyết giữ nguyên phương án bốc thăm đã công bố, các nước còn lại sẽ phải chấp nhận. Về việc này, ông Trần Quốc Tuấn cho biết: “Không phải vì vậy mà chúng ta thôi đấu tranh. Nếu thành công, chúng ta có thể làm thay đổi tư duy tổ chức SEA Games theo hướng chuyên nghiệp hơn”.
Malaysia đã bắt đầu “phản công” bằng chính những chiêu trò ở sân chơi “ao làng”.