Bóng đá học đường Việt nam: Mỏ vàng chưa khai phá
Lần đầu tiên trong lịch sử V-League, sinh viên Nguyễn Công Thuận của Đại học Huế được Đồng Tháp ký hợp đồng chuyên nghiệp. Đây là một sự kiện hết sức thú vị.
Hôm rồi, làng bóng đá trong nước ghi nhận một sự kiện hết sức thú vị. Đó là việc tiền đạo Nguyễn Công Thuận của đội Đại học Huế đã được CLB Đồng Tháp ký hợp đồng chuyên nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, một cầu thủ trưởng thành từ bóng đá học đường bước chân sang “nghề” đá bóng. Công Thuận gây ấn tượng mạnh tại giải vô địch sinh viên toàn quốc và chỉ sau thời gian ngắn thử việc, tiền đạo này đã thuyết phục được BLĐ Đồng Tháp.
Nhiều năm trở lại đây, các đội bóng V-League chỉ ưa thích mua tiền đạo ngoại nên việc Đồng Tháp ký hợp đồng với Công Thuận chứng minh rằng, đội bóng miền Tây Nam bộ đánh giá rất cao tài năng của Công Thuận. Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi Công Thuận có thành công ở V-League hay không. Thế nhưng ngay từ lúc này, bản hợp đồng của Công Thuận chắc chắn sẽ là một cú hích cho bóng đá học đường Việt Nam - khía cạnh vốn bị VFF bỏ quên bấy lâu nay.
Bóng đá Việt Nam cần khai thác từ những giải phong trào
Những học sinh, sinh viên yêu bóng đá có thể nhìn vào tấm gương của Công Thuận để nỗ lực hơn trên con đường chinh phục đam mê. Thế nhưng, nếu không có sân chơi, nỗ lực của các em cũng chẳng có ai nhìn thấy. Xây dựng bóng đá học đường không quá khó, nhưng quan trọng là cần có sự quyết tâm vào cuộc của cả một hệ thống.
Tại sao bóng đá không nằm trong những môn thể dục được dạy trong chuỗi hệ thống giáo dục ở Việt Nam từ Tiểu học tới Trung học rồi Đại học? Thời gian qua, TP HCM đang nỗ lực đẩy mạnh bóng đá học đường nhưng một mình địa phương này không thể tạo ra được chuyển biến tích cực cho bộ mặt bóng đá học đường Việt Nam.
Nhìn những nước có nền bóng đá phát triển ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, họ luôn có một hệ thống giải bóng đá dành cho học sinh, sinh viên rất quy mô. Từ đó, nhiều nhân tài được phát hiện, bồi dưỡng và khoác áo ĐTQG. ĐTVN nhiều lần đá giao hữu với sinh viên Hàn Quốc nhưng chưa lần nào chiếm thế thượng phong.
Từ đó thấy được rằng, chất lượng của những cầu thủ sinh viên ở xứ kim chi thua kém nhiều so với cầu thủ chuyên nghiệp. Ngay như Thái Lan, ở kỳ SEA Games 28, đội U23 Thái Lan cũng có tới 4-5 cái tên trưởng thành từ bóng đá học đường nhưng vẫn dễ dàng xưng vương.
Nếu so sánh với Hàn Quốc có thể đem đến sự khập khiễng thì khi nhìn sang Thái Lan, hẳn người hâm mộ Việt Nam cảm thấy chạnh lòng. Dân số Việt Nam đông hơn Thái Lan, thể trạng của người Việt Nam tương tự người Thái, vậy tại sao bạn làm được mà chúng ta không làm được? Tin chắc rằng còn nhiều tài năng bóng đá học đường chưa được chúng ta khai thác.
Cốt lõi của vấn đề nằm ở ý thức của những nhà quản lý, lãnh đạo bóng đá. Nếu không thay đổi tư duy, đừng nói bóng đá học đường khó phát triển, mà ngay cả bóng đá chuyên nghiệp cũng sớm lụi tàn.